Câu chuyên nhỏ này bắt đầu như thế nào thưa Giáo sư?
Vâng, có chút thú vị, mới đây, tôi tình cờ gặp trên facebook một bức tranh hay từ một người bạn quý của tôi. Bức tranh được ghi chú bên dưới là của danh họạ Tô Ngọc Vân vẽ 90 năm trước. Bức tranh là minh họa cho bìa cuốn tạp chí “Tứ Dân” (nghĩa là Sĩ, Nông, Công, Thương) vào đầu thập niên ba mươi, tuy tranh có vẻ đơn sơ nhưng ở chiều sâu đã nói lên nhiều điều. Đó là một mảnh của hình ảnh “tiếp biến văn hóa Việt” nửa đầu thế kỷ XX. Trong tranh, tiêu điểm là hình một lão nhân Nho học hiền hòa bên cạnh một người trẻ Tây học ý chí. Hậu trường bức tranh là nét vẽ nhẹ Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Toà nhà Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông, tòa nhà biểu tượng của Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay). Chỉ có thế nhưng rất đáng nói, nhất là ý tưởng về nội dung tranh. Nửa đầu thế kỷ XX diễn ra một cuộc tiếp biến Văn hóa cực lớn trong văn hóa Việt. Họa sĩ Tô Ngọc Vân vừa là sản phẩm, vừa là người bơi trong sự kiện này. Ông đã nhẹ nhàng thể hiện điều này qua nét bút. Tiếp biến văn hóa bao gồm nhiều khía cạnh. Bức tranh là sự kiện nhỏ nên cũng xin phép có đôi lời chia sẻ.
Xin GS cho biết nội dung bức tranh liên quan thế nào với chuyện tiếp biến văn hóa của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX?
Phải nói rộng ra một chút. Tiếp biến văn hóa là một phạm trù có tính triết học với không gian rộng. Nói nôm na đó là kết quả của tiếp xúc và biến đổi văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ dưới ảnh hưởng của nhiều nhân tố xã hội và lịch sử. Giao lưu văn hóa là một khái niệm rộng và phổ quát. Tiếp biến gồm có hai vế: Tiếp xúc và biến đổi. Tiếp xúc là một hiện tượng xã hội do các cộng đồng dân cư vì những lí do lịch sử, địa lý đã có những “khuếch tán xã hội” trên các phương diện tiếp xúc. Tiếp xúc văn hóa diễn ra với nhiều địa hạt, trong đó nghệ thuật và giáo dục chỉ là một dạng kết quả. Do tiếp xúc, trao đổi, tương tác lẫn nhau giữa các nền văn hóa nên có sự khuếch tán một cách tự nhiên và tất yếu… Tiếp biến văn hóa là kết quả của sự tiếp nhận những yếu tố khuếch tán và sau đó từng bước nội địa hóa theo bối cảnh lịch sử cụ thể, nhu cầu nội sinh cụ thể. Đó là một câu chuyện dài. Ở đây chỉ xin có vài ý nhân nội dung bức tranh. Trong bức tranh này, tiêu điểm là hình ảnh hai thế hệ nối tiếp nhau: Nhà Nho truyền thống lớn tuổi và Tây học trẻ hơn thân thiện bên nhau, không có xung đột. Đó là chính là một đặc điểm văn hóa Việt nửa đầu thế kỷ XX. Hình hai ngôi trường phía sau (Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Đại học Đông Dương) cũng nói tiếp cái nội dung ấy. Phải là người trong cuộc, họa sĩ Tô Ngọc Vân mới có được ý tưởng đó và tìm cách thể hiện nó.
Xin GS cho biết bối cảnh văn hóa chung của bức tranh là gì và có mối liên hệ như thế nào với xã hội đương thời trong bức minh họa?
Nhân đây cũng xin có thêm chút phân tích. Dưới ách thực dân Pháp và chế độ phong kiến, nửa đầu thế kỷ XX đã diễn ra một sự phân hóa sâu sắc trong xã hội nước ta và cùng với việc đó là một tiếp biến văn hóa sâu rộng trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến. Tiếp biến đã tạo ra nhưng biến đổi mạnh mẽ trong văn hóa Việt, dễ thấy nhất là trên ba phương diện: Báo chí truyền thông, Giáo dục đào tạo và Văn chương nghệ thuật mà nền tảng là sự tiếp xúc văn hóa truyền thống Việt với văn hóa phương Tây mà đại diện là văn hóa Pháp. Có nhiều động lực cho các tiếp biến văn hóa. Chữ Quốc ngữ là một trong số những động lực quan trọng. Nền giáo dục Quốc ngữ đã góp phần hệ trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Việt kiểu mới trên tinh thần tiếng Việt còn thì văn hóa Việt còn, và song hành là tiếp tục dòng chảy của chữ Hán và chữ Nôm. Sự hòa nhập của chữ Quốc ngữ dần xuất hiện như một yếu tố văn hóa mới, thuộc về bản địa.
Chúng ta thấy, giáo dục ở ta là một sợi chỉ với nhiều khúc từ truyền thống đến hiện đại. Giáo dục truyền thống là nền giáo dục khoa cử chữ Hán khởi đầu từ thế kỷ thứ X và mạnh mẽ từ Nhà Lê với mục tiêu là đào tạo quan lại nhằm quản trị hành chính xã hội trong kỷ cương phong kiến. Nội dung đào tạo bảo thủ và xơ cứng nhưng thể chế học hành là hà khắc, kỷ luật. Nho học, trong các đời, đều được triều đình tôn sùng và sĩ phu ủng hộ. Về đường tinh thần, luân lý, Nho học đã có ảnh hưởng rất sâu và đã đào tạo nên những bậc trung thần, hiền nhân quân tử có đức độ, có phẩm hạnh, có công với quốc gia, xã hội. Nhưng về đường tư tưởng học thuật, thì Nho phái nước ta theo lối học Hán qua chữ Nho và chỉ biết chọn lối học khoa cử, nặng từ chương mà không coi trọng lý; Bởi thế nên cái học của ta có phần nệ cổ, không tìm thấy cái lí luận, không đề xướng học thuyết. Hình ảnh áo dài, khăn đóng của nhà Nho trong tranh là một biểu tượng có tính quy chiếu.
Sự tiếp xúc đầu tiên của văn hoá Việt Nam đã diễn ra rất dài với văn hoá Trung Hoa. Tiếp xúc đó quan trọng nhất là qua kênh Nho giáo và Văn tự (chữ Hán viết khối vuông). Văn hoá Việt Nam từ thế kỷ XVII trở đi bắt đầu có những tiếp xúc với phương Tây trước tiên với người Bồ Đào Nha, sau đó với người Hà Lan, người Anh, sau nữa là người Pháp. Những tiếp xúc với phương Tây của Việt Nam đã diễn ra sau khi ở ta đã có sự chuẩn bị và kinh nghiệm ngàn năm về sự tiếp xúc văn hoá giữa Việt và Hán. Với Nho giáo Việt Nam, người Việt tiếp xúc với phương Tây trên tư cách sẵn có một văn hoá có hệ thống tư tưởng Nho gia nhưng mà Nho giáo ấy đã được nội địa hoá Việt Nam chứ không còn là nho giáo lý thuyết Trung Hoa.
Đầu thế kỷ XX, năm 1906, chính quyền Pháp đã cho xây dựng một mô hình đại học kiểu phương Tây ở Đông Dương, hình mẫu giáo dục đại học đa ngành cũng được nhanh chóng tiếp nhận, đồng thời mục tiêu đào tạo cũng bắt đầu chuyển sang đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực này vẫn là để phục vụ cho chế độ cai trị, duy trì chế độ thực dân cho nên tuy cung cách đã thay đổi nhưng mục tiêu vẫn chưa thay đổi. Chế độ thực dân Pháp chưa bao giờ đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho thuộc địa bởi vì nếu đào tạo nguồn nhân lực cho thuộc địa là đào tạo ra một hệ thống để chống lại chế độ thực dân của chính quốc. Vấn đề là Pháp muốn đào tạo ra một hệ thống những người bản địa thực thi những quan niệm của chế độ thực dân tại Việt Nam. Ngay từ đầu tiếp xúc với phương Tây qua nền giáo dục thực dân Pháp thì người Việt Nam vẫn tương kế tựu kế và đưa vào đó những tư tưởng mới để tìm cách cứu nước, tìm cách giành lại độc lập dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà từ cánh cửa của nền giáo dục phương Tây, giáo dục Việt Nam trong thể chế mới đào tạo ra một lớp trí thức yêu nước vững cả văn hoá truyền thống và văn hoá hiện đại để rồi một bộ phận trở thành những người cách mạng của công cuộc giải phóng dân tộc chống lại chế độ thực dân.
GS có thể chia sẻ thêm về hình ảnh người trí thức mới trong bức họa đại diện cho điều gì và có mối liên hệ như thế nào với ĐHQGHN ngày nay?
Mô hình giáo dục mới có ảnh hưởng sâu sắc tới Việt Nam trước hết là tiếp cận một tư duy mới từ chỗ khoa cử cốt là đào tạo những người làm quan thì bây giờ các trí thức Việt Nam (bỏ bút lông cầm bút chì) thấy cần xuất phát từ thực tế của nước Việt Nam, tư duy này giúp cho việc hình thành tính cách Việt Nam mới. Người Pháp cũng hiểu không khí dân chủ khi đến Việt Nam sẽ có tác động như thế nào đối với nền thống trị của thực dân. Như đã nói, dẫu tiếp xúc với Hán hay với Pháp thì văn hoá Việt Nam có một nguyên tắc là nội địa hoá để mang lại lợi ích cho mình. Hình ảnh ngôi trường Đại học Đông Dương là một biểu tượng cho điều đó. Người trí thức Tây học trong bộ com-lê vẫn sát cánh bên cụ Đồ Nho, nối tiếp truyền thống, không có xung đột. Đó là một ý sâu của họa sĩ. Bản thân tòa nhà 19 Lê Thánh Tông của ĐHQGHN cũng là một chỉ dấu của tiếp biến văn hóa. Sau lúc ban đầu kiến trúc theo lối Pháp hoàn toàn, trong lần tu chỉnh ở thập niên hai mươi, kiến trúc sư Ernest Hébrard đã thay đổi thiết kế tòa nhà sang dáng dấp mới với nhiều chi tiết kiến trúc mang hồn Việt. Cổng chính của ĐHQGHN tại Hòa Lạc mới xây dựng là một hình ảnh kế tục nữa trong bối cảnh mới. Đại học Đông Dương xưa, Đại học Tổng hợp và ĐHQGHN hôm nay là chặng đường mới của khoa học giáo dục Việt Nam đi lên từ truyền thống và hội nhập. Hy vọng ĐHQGHN sẽ tiếp tục là trung tâm học thuật với sứ mệnh đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo.
Thưa GS, bức tranh phản ánh một thực tế như đã nói, vậy tiếp biến văn hóa Việt trong nghệ thuật còn có thể thấy thêm điều gì?
Nói ra thì còn rộng nữa. Trên đây chỉ là mấy ý nghĩ vội suy ra khi nhìn vào bức tranh. Trong thực tế còn có rất nhiều ví dụ sinh động về tiếp biến văn hóa Việt qua các sản phẩm nghệ thuật. Ẩm thực Việt: Cà phê là một trường hợp. Bánh mì cũng là một ví dụ. Những quán cà phê vỉa hè Paris sang Sài Gòn đã 150 năm. Người Pháp, cuối thế kỷ XIX, cho đem giống cây cà phê nhiệt đới đến trồng ở miền đất đỏ Việt Nam với mong muốn có cà phê bản địa để uống và xuất khẩu nhãn hiệu “Indochine”. Rồi chẳng bao lâu những đồn điền cà phê đã mọc lên và mở rộng. Nhưng không ai biết rằng, người Việt Nam với thói quen tiếp biến văn hóa nước ngoài đã nhanh chóng “nội địa hóa” cho ra những sản phẩm cà phê mới mà người châu Âu chưa từng biết đến. Hôm nay các du khách tứ phương đến Việt Nam đều thấy lạ và thú vị về đủ loại cà phê được chế tác theo tư duy Việt. Còn dân Việt từ Nam chí Bắc hôm nay đâu cũng Cà phê phố. Nói không ngoa, có lẽ trên thế giới ngày nay không nước nào có nhiều quán/ tiệm cà phê như ở Việt Nam. Từ “quán nước” đang dần được thay bằng từ “quán cà phê”. Nhưng nước chè và cà phê ở ta không xung đột nhau mà còn bổ sung đa dạng cho nhau. Đây là một nét của Việt Nam học hiện đại. Đây không chỉ là bức tranh nhỏ mà sau lưng nó, danh họa Tô Ngọc Vân đã để lại cho ta một gợi ý sâu, một hình ảnh đẹp về tiếp biến văn hóa mà ĐHQGHN nay có phần kế tục trên đường phát triển và đổi mới.
Trân trọng cảm ơn GS!
|