Văn hóa 13:04:57 Ngày 21/01/2025 GMT+7
Ngành nghệ thuật thị giác: Đưa nghệ thuật sáng tạo Việt Nam vươn mình ra thế giới
Nghệ thuật thị giác (Visual art) là một thuật ngữ không còn xa lạ với những ai đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về nghệ thuật thị giác và những điều thú vị xoay quanh nó. Đây là mảnh đất rộng lớn cho những bạn trẻ yêu thích sáng tạo nghệ thuật có thể thỏa sức vẫy vùng. Trường khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trong ĐHQGHN tổ chức đào tạo ngành nghệ thuật thị giác với hai chuyên ngành: Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình đương đại.
DÁM DẤN THÂN ĐỂ TẠO BẢN SẮC RIÊNG
Nghệ thuật thị giác (Visual Art) là một hình thức nghệ thuật tạo ra các sản phẩm tác động chủ yếu vào thị giác. Visual Art bao quát đến một trường rất rộng những ngành nghệ thuật khác nhau, từ hội họa, điêu khắc, kiến trúc, trình diễn, nhiếp ảnh, làm phim… đến thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất và trang trí nghệ thuật. Ngày nay, nghệ thuật thị giác hiện hữu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và có sức ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ. Theo nghiên cứu cảu UNESCO (2021) về Quản lý ngành sáng tạo và nghệ thuật, nghệ thuật thị giác chiếm 16% các ngành sáng tạo ở Đông Nam Á.
Các ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác ngày càng nở rộ, từ thiết kế sân khấu nhạc kịch, poster, logo cho đến sáng tạo hình ảnh… Như vậy, ứng dụng của nghệ thuật thị giác là rất rộng. Tuy nhiên, để phát huy nét riêng biệt, độc đáo của mỗi cá nhân và tôn trọng sự dân chủ trong sáng tạo, những người làm về nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật thị giác, cần phải dám dấn thân để có thể tạo dấu ấn cho riêng mình.
KHOẢNG TRỐNG TRONG ĐÀO TẠO VỀ NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC
Với việc nhận diện nghệ thuật thị giác là một ngành nghệ thuật gắn chặt với thực tiễn đời sống, đào tạo ngành Nghệ thuật thị giác đã trở thành một ngành học rất phổ biến trên thế giới. Nét đặc trưng cơ bản của các chương trình đào tạo (CTĐT) về Nghệ thuật thị giác hiện có là cung cấp một phổ kiến thức rộng, có tính liên ngành và tổng hợp về nghệ thuật, đồng thời có sự chuyên sâu trong các lựa chọn chuyên ngành. Trong đó, các chuyên ngành phổ biến là hội họa theo hướng truyền thống và hội họa số, điêu khắc, nhiếp ảnh nghệ thuật, in ấn, trình diễn…
Trên thực tế, nhân sự chất lượng cao dành cho các ngành của Nghệ thuật thị giác còn thiếu về số lượng và có chất lượng không như kì vọng. Có thể thấy, khoảng trống lớn nhất trong đào tạo Nghệ thuật thị giác ở Việt Nam là xa rời truyền thống nghệ thuật dân tộc và xa rời xu hướng hiện đại thế giới. Các CTĐT hiện có tương đối thiếu hụt phần lý thuyết, thiên về dạy nghề, thiếu hụt những loại hình mới. Sự ra đời một cơ sở đào tạo và giáo dục nghệ thuật có đầy đủ những phẩm chất về tính chính thống, đội ngũ chuyên môn cao, năng lực sáng tạo trẻ, luôn chuyển mình để phù hợp với xu thế xã hội là cần thiết để giải quyết những thiếu hụt trước đó trong mảng đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam là thật sự cần thiết. Việc định hình một CTĐT với cách tiếp cận khai phóng, đổi mới, liên ngành là một điều cần thiết, để nghệ thuật thị giác nói riêng và các ngành nghệ thuật sáng tạo nói chung có thể chuyển mình và vươn ra tầm thế giới.
ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ TINH HOA VỀ NGHỆ THUẬT BẰNG TƯ DUY LIÊN NGÀNH
 CTĐT bậc cử nhân ngành Nghệ thuật thị giác tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN nhằm kiến tạo môi trường đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật thị giác, cung cấp cho người học những khả năng bước đầu để có thể thực hành trở thành những nghệ sĩ thị giác, có khả năng thúc đẩy những thực hành nghệ thuật theo hướng liên ngành, tái khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như gắn kết được chúng trong bối cảnh thực hành nghệ thuật đương đại trên thế giới, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo của quốc gia. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ, CTĐT Nghệ thuật thị giác sẽ hướng tới đào tạo tinh hoa. Sinh viên sẽ được chọn lọc ngay từ đầu vào để có thể có một đội ngũ sinh viên đạt chất lượng cao và đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra và kì vọng của đơn vị.
Người học có thể có những kiến thức nền tảng và nâng cao về nghệ thuật tạo hình đương đại hoặc nhiếp ảnh nghệ thuật, có khả năng liên kết linh hoạt các loại hình, công cụ đa phương tiện trong việc thể hiện các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời tận dụng sáng tạo các không gian nghệ thuật khác nhau để gia tăng hiệu quả của các tác phẩm nghệ thuật của minh. Bên cạnh đó, người học cũng có thể vận dụng kiến thức về thị trường nghệ thuật để phát triển và định vị thương hiệu cá nhân trong thị trường nghệ thuật.
Các học phần của CTĐT được xây dựng cũng giúp người học có kĩ năng thích hợp để phát triển được các dự án độc lập, triển khai được các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng, có tính tương tác cộng đồng cao, có khả năng quản lí được dữ liệu và dự án nghệ thuật cá nhân, có kĩ năng bảo vệ và tinh thần tôn trọng sản phẩm nghệ thuật liên quan, có những phẩm chất phù hợp để thích nghi với môi trường nghề nghiệp và năng lực thích ứng với toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Sinh viên tốt nghiệp từ CTĐT cử nhân Nghệ thuật thị giác có thể đảm nhận một số vị trí nghề nghiệp cụ thể như:
- Nghệ sĩ thị giác thực hành độc lập;
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ minh họa, nghệ sĩ đa phương tiện, nghệ sĩ video art;
- Giám tuyển độc lập hoặc giám tuyển cho các tổ chức, thiết chế bảo tàng, gallery nghệ thuật, quỹ nghệ thuật…;
- Phụ trách sản xuất nghệ thuật, có khả năng điều phối sản xuất các triển lãm nghệ thuật;
- Phụ trách nghệ thuật cho các tạp chí, công ty truyền thông;
- Hoạ sĩ phụ trách mỹ thuật cho các tạp chí
- Cố vấn nghệ thuật (Art Consultant) cho các tổ chức, công ty;
- Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có khả năng hoạt động trong các lĩnh vực thời trang, sản phẩm, kiến trúc, phim ảnh hay báo chí truyền thông…;
- Giáo viên, giảng viên, nghiên cứu viên về nghệ thuật/nghệ thuật thị giác.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp có thể theo học tiếp bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế về các lĩnh vực nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy về nghệ thuật tại các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến cao đẳng hoặc trợ giảng ở bậc đại học về nghệ thuật.

 

 Minh An - Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 395) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC