06:41:48 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Trường Sa không còn xa
Vẫn biết Trường Sa tuy cách đất liền hàng trăm hải lý, giữa mênh mông biển xanh sóng bạc, nhưng phần máu thịt này của Tổ quốc luôn gần gũi với đất liền. Vùng hải đảo này ngày một gần hơn với đất liền bởi chính nỗ lực của những người yêu đảo và thương biển.
Gần hơn với đất liền
Tàu còn cách đảo gần chục hải lý đã nghe Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu (Thuyền trưởng tàu Trường Sa HQ571) reo lên: "Thủ đô quần đảo kia rồi!...". Anh em phóng viên báo chí nghe vậy, háo hức chạy lên boong tàu. Chẳng thấy đảo đâu cả. Nhìn kỹ mới nhận ra một vệt mờ mờ tít đằng xa. Có tiếng ai vui vẻ: "Ðúng là tầm nhìn xa của thuyền trưởng phải hơn mười ki-lô-mét...". Qua nhiều ngày phải lênh đênh tránh bão, vượt qua sóng to gió cả, con tàu HQ571 đã cập bến Trường Sa Lớn.
Trước khi lên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi được đến các đảo nổi, đảo chìm, như: Trường Sa Ðông, Ðá Lát, Ðá Tây, Ðá Ðông... Ai cũng ngỡ ngàng bởi đời sống vật chất ở đây đã được cải thiện rõ rệt. Hầu khắp các đảo đều có hệ thống điện gió, điện mặt trời, thay nhau cung cấp nguồn năng lượng hàng ngày cho chiến sĩ. Rất ấn tượng với chúng tôi là công nghệ thông tin đã "phổ cập" ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Trung tá Phạm Quang Trung (Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn) cho biết: "Hầu hết các sĩ quan hải quân đều tự trang bị cho mình một chiếc máy tính xách tay, để truy cập internet đọc báo, liên lạc với đất liền, với gia đình. Từ ngày mạng Viettel phủ sóng toàn bộ quần đảo, hầu hết các sĩ quan, chiến sĩ sử dụng điện thoại di động, hàng ngày gọi về nhà trò chuyện với cha mẹ, vợ con. Vui nhất là những chiến sĩ trẻ "phòng không", mỗi lần hết ca gác lại tâm sự cùng người yêu.
 Một bước tiến mới trong phát triển công nghệ thông tin là hệ thống thiết bị khám, chữa bệnh từ xa. Trong chuyến mang quà Tết ra đảo Trường Sa Lớn năm nay có mặt đội ngũ kỹ thuật Công ty CP Ðiện tử Tin học Hóa chất (ELINCO) -Viện Khoa học Công nghệ Quân sự, triển khai gói thầu "Cung cấp thiết bị, lắp đặt hệ thống Telemedicine cho đảo Trường Sa Lớn" thuộc dự án: "Chuẩn hóa quy trình khám, chữa bệnh, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu y tế quân đội và hệ thống y học từ xa giữa các bệnh viện quân đội" do Tổng cục Hậu cần làm chủ đầu tư. Trung tá Lương Ngọc Duy (tổ trưởng tổ công tác kỹ thuật) cho biết: "Tổ công tác lần này mang theo đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại ra lắp đặt tại đảo. Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành công việc trước Tết Nguyên đán, để mùa xuân này quân và dân trên đảo yên tâm đón Tết".
 Các đồng chí kỹ thuật viên đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống trong chưa đầy một tuần. Ngày 13-1-2013, tại buổi nghiệm thu dự án, những hình ảnh đầu tiên một ca khám, chữa bệnh đã được truyền tr ực tiếp từ Trường Sa về TP Hồ Chí Minh. Phát biểu tại lễ nghiệm thu ở đầu cầu TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Ðỗ Năng Tĩnh (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Trưởng ban BQLDA), cho biết: Thông qua các thiết bị y tế như máy soi, máy siêu âm, hình ảnh được truyền từ bệnh xá đảo Trường Sa Lớn về Bệnh viện 175. Qua đó, hội đồng bác sĩ của bệnh viện có thể chẩn đoán chính xác và chỉ đạo trực tiếp các phương án xử lý khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân ngoài đảo xa. Thiếu tướng Ðỗ Năng Tĩnh nhấn mạnh: "Tuy giá trị kinh tế của gói thầu không lớn, nhưng nội dung của nó có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngoài hải đảo, động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa làm tốt nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc".
 Hy vọng, dự án không chỉ được lắp đặt trên đảo Trường Sa Lớn, mà còn có mặt ở nhiều điểm đảo khác, để Trường Sa ngày một gần hơn với đất liền.
 Ấm áp đón xuân mới
 Nghi thức đầu tiên chào mùa xuân từ đất liền của những người lính hải quân thật ấn tượng. Hai hàng quân phục quần đen áo trắng viền xanh nước biển đứng thẳng tắp nghiêm trang trên cầu cảng để chào đón đoàn công tác. Ngay sau đó, người ngoài tàu háo hức ùa ra phía mạn nắm tay người trong đảo. Không khí náo nức, tiếng cười nói, tiếng hỏi han, tiếng người cũ nhận ra nhau sao mà thân thương quá. Rồi quà Tết cũng ùa lên cầu cảng đủ thứ, từ cành đào, lá dong, gạo nếp, đến cả lợn, bánh mứt kẹo... Vậy là không khí mùa xuân mới đã ra với đảo, tới tận tay những chiến sĩ hải quân và bà con Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng.
Ngay khi mới lên đảo, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân (Phó chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146) dẫn chúng tôi cùng các chiến sĩ và bà con nhân dân trên đảo đến thắp hương tại đền thờ Bác Hồ. Rồi cả đoàn kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm trước tượng đài liệt sĩ ngay gần đó, viếng mộ những người con ưu tú của quê hương đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, mà thấy lòng rưng rưng.
Quan niệm ngày tất niên với những người trên quần đảo Trường Sa thật độc đáo. Tất niên ở đây, không hẳn là ngày cuối cùng của năm, mà là ngày đoàn tụ, gặp mặt những người từ đất liền mang mùa xuân ra với đảo. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khi những chuyến tàu từ đất liền cập đảo, nhà nào nhà nấy lại tất bật sửa soạn mâm cơm tưởng nhớ tổ tiên và cũng là để mời khách, rồi lại sửa soạn chút lễ lòng thành ra chùa Trường Sa dâng hương, cầu cho sóng yên biển lặng, sức khỏe dồi dào, đón một mùa xuân mới tràn đầy hạnh phúc.
Sau buổi lễ trao quà Tết tặng chiến sĩ và nhân dân trên đảo được tổ chức giản dị, ấm cúng, vừa trang nghiêm vừa xúc động, tất cả các lực lượng lại mỗi người một nhiệm vụ. Ai gác vẫn gác, ai tuần tra vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ, những người khác khẩn trương chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Cũng gói bánh chưng, mổ lợn, giã giò. Một số cậu lính trẻ còn khéo tay trang trí biến những cành cây khô trở thành cây đào, cây mai khoe sắc đón xuân mới. Không khí Tết cổ truyền xa xưa lại hiện hữu thật sinh động. Trường Sa Lớn hôm nay vừa có dáng dấp một thị trấn hiện đại, vừa mang không khí làng quê. Bên cạnh những khu nhà văn hóa, trụ sở ủy ban là những mái ngói nhà dân đỏ thắm, là mái chùa cong vút đầu đao, là cây cối xum xuê bóng mát. Cùng với nỗ lực của quân và dân trên đảo, đồng bào trong đất liền luôn sát cánh, chia sẻ cả vật chất và tinh thần, để một vùng hải đảo biên cương bừng sáng.
Trời về chiều, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chung, chị Lương Thị Tình nắm tay ba con nhỏ, thong thả đi về phía có tiếng chuông chùa. Ðây là một trong những hộ dân đã nhiều năm định cư trên đảo Trường Sa Lớn. Cả nhà anh Chung đến chùa làm lễ cầu an, chuẩn bị đón một năm mới đang về.
Giờ chia tay, người ra nhận nhiệm vụ thay cho người về đất liền ăn Tết, nắm tay nhau thật chặt và không quên dặn dò. Trung úy Ðặng Tuấn Hưng, quê ở Chương Mỹ (Hà Nội) ra thay quân cho người anh đồng hương là Thiếu úy Ðỗ Hữu Trung. Hưng vẫy tay chào còn dặn với: "Anh Trung về mạnh khỏe, Tết này nhớ sang thăm bố mẹ thay em. Nhớ anh nhé!". Nghe thế, cả người ở lại và người trở về thêm vững dạ.
 Khúc Hồng Thiện - Bản tin số 264 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC