Văn hóa  Văn học 01:49:34 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Ký ức một thời thơ
Anh nắm tay em sôi nổi vụng về
Mà nói vậy: trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu.
Em xấu hổ:Thế cũng nhiều, anh nhỉ
Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí…
Những câu thơ trên thuộc số những câu hiếm hoi trong nền thơ cách mạng. Có mấy khi chuyện Đảng với chuyện Đời, cái chung và cái riêng lại có thể kết hợp nhuận nhị và nói ra nhẹ nhàng đến vậy. Những câu thơ đó khiến nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi bao năm qua vẫn tò mò về người bạn tình của nhà thơ, người chỉ được "sở hữu" một phần ba, mà là phần không đều, trái tim Tố Hữu. Người ấy là ai, cuộc sống thế nào ? Thế thì đây, lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng, duy nhất, độc giả đã có trong tay cuốn hồi kí bộc lộ gương mặt tâm hồn của người tình thiệt thòi nọ: hồi kí " Kí ức người ở lại" của Vũ Thị Thanh, phu nhân nhà thơ Tố Hữu.
Kí ức người ở lại là những lời kể chuyện mộc mạc, chân tình của tác giả về tình yêu và cuộc sống gia đình mình với một chiến sỹ cách mạng, một nhà thơ lớn. Cuốn hồi kí ghi lại những kỉ niệm của vợ chồng Tố Hữu - Vũ Thị Thanh, từ những ngày đầu hoạt động cách mạng cho đến ngày nhà thơ bâng khuâng: " Thơ gửi bạn đường, tro bón đất". Mở đầu hồi kí là hình ảnh cô Thanh, nữ sinh trường Đồng Khánh giỏi giang, người xứ Thanh, lúc nào cũng đứng tốp đầu lớp, chỉ biết đến việc học, với mục tiêu lớn lên giúp đỡ gia đình "bỗng nhiên" giác ngộ cách mạng. “Cách mạng đã chuyển hướng cuộc đời tôi và đưa tôi đến với anh”. Thầy giáo Lành (bí danh của Tố Hữu) đã cảm mến và đem lòng yêu "cô bé Thanh" ở lớp học chính trị, thời cô đang tham gia phụ trách Phụ nữ cứu quốc ở Thanh Hóa. Tình yêu của họ kéo dài được 2 năm thì Đảng phát động toàn quốc kháng chiến. Bí thư Tố Hữu được điều động lên làm công tác văn hóa ở chiến khu Việt Bắc. Nữ đồng chí Thanh đồng ý theo chồng sau một lễ cưới thật đơn giản và vội vàng. Họ tạm biệt xứ Thanh, lên đường, "để lại sau con sông Lô nước chảy xiết với những bãi ngô non xanh biếc hai bên bờ, những bữa cơm gạo mới trắng tinh, những con cá tươi luộc... Chúng tôi đem theo bao kỉ niệm êm đềm của hai tuần trăng mật để bước vào cuộc sống chiến khu kéo dài gần chín năm”. Trên chiến khu, theo yêu cầu của tổ chức, đôi vợ chồng trẻ lại phải sống mỗi người một nơi. Anh phụ trách công tác văn hóa - nghệ thuật còn chị làm ở cơ quan Phụ vận Trung ương.
Những trang viết đan xen về cuộc sống chiến đấu ở chiến khu với tình cảm thương nhớ của đôi vợ chồng trẻ khiến chúng ta thực sự cảm động và mến phục. Trong tâm tưởng độc giả như hiện ra những thước phim sống động về công cuộc kháng chiến chín năm gian khó, trường kỳ. Vợ chồng nhà thơ chiến sỹ ấy vẫn sống và hoạt động, vượt mọi gian lao cùng đồng chí, đồng bào. Họ kìm nén tình cảm riêng tư để làm mọi công tác mà cách mạng giao phó, phân công.
Cuốn hồi kí đã ghi lại thật tỉ mỉ, cặn kẽ về những năm tháng hoạt động cách mạng của nhà thơ Tố Hữu, đặc biệt là quãng thời gian ở trên chiến khu Việt Bắc, cùng với các nhà văn Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi và hàng loạt văn nghệ sĩ khác. Không ít chi tiết của hồi kí có giá trị tư liệu văn học sử. Vì nó cho chúng ta hình dung rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những bước đi đầu tiên của nền văn nghệ kháng chiến, nền văn học và báo chí trên đường "kháng chiến hóa văn hóa". Chân dung Hồ Chí Minh " áo nâu túi vải" và hình ảnh những thi sĩ kháng chiến lăn lộn đèo cao suối cả cứ thấp thoáng ẩn hiện qua từng trang hồi kí.
Cuốn hồi kí được tổ chức, kết cấu theo thời gian lịch sử, đồng thời kết hợp với lối cấu trúc theo chủ đề. Mỗi giai đoạn gói lại trong một chương, tương ứng với một chủ đề nhất định: Buổi ban đầu - Đi kháng chiến - Hòa bình - Đồng chí "Tư lệnh trưởng trên mặt trận tư tưởng"- "Làm ăn hai chữ quen mà lạ"…Những quan niệm nhất quán về Nhân văn - Giai phẩm, về mô hình kinh tế "pháo đài cấp huyện", về phẩm chất cách mạng trong sáng của đại tướng Nguyễn Chí Thanh… thực sự là những câu chuyện mới mẻ, "bây giờ mới kể". Câu chuyện riêng tư của vợ chồng nhà thơ mang sức nặng thông tin về những vấn đề lịch sử trọng đại của nhân dân, đất nước. Cái riêng ở đây được lồng trong cái chung, thành phương tiện biểu hiện của cái chung. Đặc điểm này là nguyên tắc thẩm mỹ của thi ca kháng chiến đồng thời cũng là nguyên tắc hành động của những người tình nguyện "dấn thân" cho cách mạng. Lần theo từng trang văn kể chuyện tâm tình, ta mới hiểu vì sao nhà thơ lại viết: " Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí", vì sao vợ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu không thể trở thành người tri kỉ, tâm giao trong văn chương, cũng không thể trở thành một người nội trợ, "nâng khăn sửa túi" dịu dàng. Hóa ra ở Tố Hữu, tư duy của nhà chính trị, nhà cách mạng vẫn mạnh hơn tư duy nghệ thuật. Nhà thơ Tố Hữu dù có chia sẻ thơ tình với vợ đến mấy, trước sau vẫn muốn vợ mình trưởng thành, tiến bộ như một nữ đồng chí cán bộ ưu tú của Đảng, có chỗ đứng vững chắc, không cần nương tựa dưới bóng chồng.
Câu chuyện riêng tư của bất kỳ người Việt Nam nào lâu nay cũng đều ít nhiều mang dấu ấn lịch sử dân tộc. Kí ức người ở lại làm sống lại cả một cuộc kháng chiến, cả một thời kì dài sau giải phóng Điện Biên, nhân dân ta phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Từ những ngày đầu cải cách ruộng đất, toàn dân làm kinh tế mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải tiến lưu thông phân phối; đến khi đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Trong giọng kể của tác giả, có sự cảm phục và đồng tình đối với các quan điểm chỉ đạo của chồng mình, có cả chút niềm tự hào vì những đóng góp quý báu của chồng bà trong những thời kỳ chuyển giao lịch sử.
Trong cuốn hồi kí, tác giả cũng khẳng định lại lý tưởng của nhà thơ Tố Hữu: “Tôi sống là để làm cách mạng. Tôi làm thơ cũng là vì cách mạng”. Cuốn sách cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý để hiểu hơn về cuộc đời, con người và thơ của nhà thơ - chiến sĩ Tố Hữu. Cuốn sách cũng cho ta hình ảnh của bản thân chủ thể - hình ảnh một người vợ khiêm nhường, đoan trang, lặng lẽ đi bên chồng, sát cánh cùng chồng trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng cũng như trong cuộc sống gia đình. Âm thầm thế mà đầy yêu thương, động viên, săn sóc. Họ đã sống bên nhau gần 60 năm, và tất nhiên bà là người hiểu nhà thơ hơn ai hết. Bà chăm sóc những lúc nhà thơ đau ốm, thành nguồn động viên, an ủi nhà thơ trong công việc nặng nề, dường như quá sức của một Phó Thủ tướng kinh tế .
Trong sự nghiệp thi ca của Tố Hữu, ta không thấy có "nàng thơ" với cả hai nghĩa xa gần của từ này. Nàng thơ trữ tình, nguồn thi hứng duy nhất trong thơ ông chính là Tổ quốc cách mạng. Người vợ yêu - tác giả của cuốn sách này, cố nhiên cũng không thành nàng thơ của Tố Hữu, nhưng rõ ràng đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bà là độc giả đầu tiên, là người chia sẻ với ông tứ thơ đầu tiên, khi bài thơ chưa thành câu chữ, và không ít trường hợp bà thành thứ thuốc thử, kiểm nghiệm chất lượng thơ ông. Rất nhiều trang hồi kí cho ta rõ thêm xuất xứ, hoàn cảnh ra đời trực tiếp của những câu thơ, bài thơ nổi tiếng lâu nay. " Đường sấu lâu rồi im tiếng guốc, Xuân về táo rụng nhớ đàn em"… Cuốn hồi kí cho ta biết vì sao cây táo vườn nhà đã thành hình tượng thơ. Hình ảnh "cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt" ấy cứ lẩn quất xuất hiện đâu đây, gợi ta nhớ truyện ngắn "Cây táo ông Lành" với tai nạn nghề nghiệp của nhà thơ Hoàng Cát một thời.
Vào những năm cuối đời, theo nguyện vọng của chồng, bà lại cùng chồng đi thăm lại “chốn cũ người xưa”, nơi "anh Lành" từng được sinh ra, lớn lên, đi hoạt động cách mạng, bị tù đầy, rồi được dân làng cưu mang, giúp đỡ; nơi anh từng hoạt động cách mạng. Cuốn sách khép dần lại bằng những hồi ức về con đường hành hương về Huế, về lại Hanh Cát, Hanh Cù, quê mẹ Tơm, trở lại bản Rô, nhà tù Lao Bảo, Đaklay… của đôi vợ chồng nhà thơ già mệt mỏi. Chuyến đi ấy cũng như là lời từ biệt của nhà thơ đối với những con người, những miền quê theo bước chân thi sĩ trên suốt chặng đường đời.
Cuốn hồi kí chan chứa tình cảm thương yêu của một người vợ đối với người chồng đã khuất. Gần 10 năm đã qua kể từ khi nhà thơ Tố Hữu ra đi, và tác giả viết cuốn hồi kí với ý nghĩa như là một “nén hương lòng” dâng tặng, tri ân người đã thay đổi cuộc đời bà, người đã cùng bà đi suốt những chặng đường đời gian lao mà hạnh phúc.
Bằng giọng văn giản dị, chân thật, cuốn sách cung cấp cho ta cái nhìn bao quát về nhà thơ Tố Hữu, một con người hết lòng vì Đảng, vì dân, đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Cuốn sách là nguồn tư liệu quý cho những ai muốn nghiên cứu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca Tố Hữu cùng những nét đặc thù trong sự vận động, phát triển của nửa thế kỉ thơ ca Việt Nam cách mạng.
 Trần Thị Thục
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC