GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: “trong bối cnahr hội nhập toàn cầu hiện nay, ĐHQGHN đã linh hoạt mở rộng và vận dụng các quan hệ hợp tác quốc tế hướng tới mục tiêu thực hiện sứ mạng đào tạo chất lượng cao, trình độ cao,…”.
Trong quan hệ quốc tế, có những thái độ ứng xử khác nhau, hoặc ngại không muốn bơi ra biển lớn, hoặc lại quá hướng ngoại, ÐHQGHN chọn cho mình cách ứng xử nào thưa Giáo sư?
Ðúng là trong quan hệ quốc tế hiện nay, giữa nhóm này hay nhóm khác, giữa cơ quan này hay cơ quan khác có những thái độ ứng xử khác nhau. Một là tâm lí tự ti, ngại bị đánh giá nên chủ trương không mở rộng hợp tác quốc tế, hoặc chỉ hợp tác một cách hình thức. Hai là tâm lí vọng ngoại thái quá, cái gì của quốc tế cũng là nhất, là hơn mình, nhưng nếu xét kĩ ra thì hai xu thế có vẻ trái ngược đó thật ra là hai chiều của cùng một căn tính, đó là tâm lí của những người không làm chủ được mình, không đánh giá đúng ngoại cảnh và đối tác, không đánh giá đúng người, đúng ta.
Lãnh đạo ÐHQGHN chủ trương xây dựng nội lực làm nền tảng, kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao nội lực của mình. Tức là trên cơ sở biết mình là ai, xác định rõ mục tiêu hướng đến, hiểu rõ mình thiếu cái gì, cần cái gì để vận dụng các quan hệ quốc tế phù hợp. Tôi cho đó cũng là một lí do mà các đối tác nước ngoài đánh giá cao ÐHQGHN.
Ở một góc độ nào đó, quan hệ quốc tế còn là câu chuyện mối quan hệ giữa “danh” và “thực”, giải quyết mối quan hệ này như thế nào trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta ?
Tôi nghĩ thật là lí tưởng nếu cái “danh” đi kèm với cái “thực”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp và trong hoàn cảnh cụ thể thì khẳng định cái “danh” trước rồi nâng dần cái “thực” lên lại là một hướng đi hiệu quả. Chúng ta có “thực” nhưng chưa đều, trong mặt bằng chung có thể chưa phải là cao nhưng đã xuất hiện những đỉnh nhô cao. Chúng ta có những ngành chưa phát triển mạnh nhưng có những ngành có thể cử người đi dạy nước ngoài hoặc hợp tác ngang ngửa với các trung tâm uy tín của thế giới ở một số lĩnh vực. Vậy thì phải quảng bá mạnh những ưu điểm ấy, để người ta biết đến mình nhiều hơn. Và trên nền tảng cái “danh” có được ấy hãy biến thành nội lực để nâng dần thực lực các ngành, lĩnh vực khác lên.
Trong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế được giao thực hiện những nhiệm vụ gì trong các chức năng, nhiệm vụ và sứ mạng của ÐHQGHN ?
ÐHQGHN là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, có vị thế đặc biệt không giống bất kì cơ sở đào tạo và nghiên cứu thông thường nào ở Việt Nam, bởi được gửi gắm một sứ mệnh lớn: đi đầu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao và trình độ cao. Ðể thực hiện sứ mệnh này, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, ÐHQGHN không chỉ tự “mày mò” tìm lối đi mà phải học hỏi kinh nghiệm tiên tiến của quốc tế, thu hút những nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng nội lực, tranh thủ trình độ cao và trang thiết bị hiện đại của nước ngoài… Với ý nghĩa đó, quan hệ quốc tế được xác định là có nhiệm vụ hết sức quan trọng, có vai trò trực tiếp, đi tiên phong và làm nòng cốt cho việc thực hiện đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao ở ÐHQGHN.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thương hiệu của ÐHQGHN ngày càng được nâng cao, mở rộng, phải được biết tới như một trung tâm đào tạo có uy tín trên thế giới. Do vậy việc quảng bá quốc tế, làm cho bạn bè năm châu biết tới mình là cực kỳ quan trọng. Mặt khác, “nhìn bạn để biết đến ta”, thông qua các đối tác, các mối quan hệ đã có, ÐHQGHN có thể nâng cao hình ảnh của mình. Và nhiệm vụ của hợp tác quốc tế là phải tìm kiếm, lựa chọn, đề xuất thậm chí là phải tích cực hoạt động con thoi để ÐHQGHN có được những đối tác và những mối quan hệ tương xứng.
Mặt khác, dù được Ðảng và Nhà nước quan tâm nhưng nguồn lực đầu tư từ Nhà nước bao giờ cũng hạn chế, trong khi các định chế quốc tế dành nhiều ưu tiên cho các nước đang phát triển, với những lĩnh vực mà ta có thế mạnh và có khả năng thực hiện. Nếu chúng ta biết tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế thì hoàn toàn có thể vận dụng và làm được rất nhiều việc. Ðó cũng là một nhiệm vụ quan trọng khác mà hợp tác quốc tế của ÐHQGHN phải đảm đương.
Một ý nghĩa đặc biệt quan trọng khác là hợp tác quốc tế được mở rộng sẽ tạo cơ hội “cọ xát” với thế giới, tạo động lực, sự cạnh tranh để vươn lên. Người Việt Nam có câu “trông người mà ngẫm đến ta”, có mở rộng các mối quan hệ thì ta mới biết mình đang đứng ở đâu và mình cần gì để hội nhập.
Cuối cùng, ÐHQGHN là đơn vị được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quốc gia, là đại diện của các cơ sở giáo dục Việt Nam đón tiếp các nguyên thủ, lãnh đạo, các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đến thăm và làm việc; tham mưu và triển khai nhiều nghiên cứu trọng điểm về biên giới, biển và hải đảo, sắc tộc... Ðể thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ quốc gia trên, thì hoạt động quan hệ quốc tế của ÐHQGHN phải chất lượng và chuyên nghiệp.
Giáo sư có thể đánh giá tổng quát những thành tựu cơ bản mà hoạt động hợp tác quốc tế đã làm được trong năm 2010 ?
Năm 2010 là năm mà hợp tác quốc tế của ÐHQGHN diễn ra sôi động và hoàn thành được khối lượng công việc hết sức lớn trên tất cả các phương diện và bám sát tất cả các nhiệm vụ ở trên.
Trong lĩnh vực đào tạo, nổi bật là các hoạt động hợp tác liên kết đào tạo thuộc Ðề án xây dựng và phát triển 16 ngành, 23 chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn ở ÐHQGHN đạt trình độ quốc tế, gọi tắt là Nhiệm vụ chiến lược. Ðây là một chủ trương đúng và độc đáo của ÐHQGHN để tiến tới cái đích hội nhập quốc tế. Ðó là không trông chờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của nước ngoài mà là tính xem trong ÐHQGHN đã có những ngành, chuyên ngành nào, nhìn từ góc độ đội ngũ, tính đếm từ góc độ thiết bị, chương trình đã cận kề trình độ tiên tiến của quốc tế rồi thì tập trung đầu tư. Các đơn vị có các chương trình đào tạo thuộc Nhiệm vụ chiến lược phải tìm ra các đối tác nước ngoài để hợp tác, học tập và chuyển giao công nghệ. Năm 2010, đã có nhiều chương trình bắt đầu triển khai và hứa hẹn những kết quả khả quan.
Cũng trong năm 2010, ÐHQGHN được tín nhiệm và giao triển khai 3 chương trình liên kết đào tạo thuộc Ðề án 165 của Chính phủ về đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ lãnh đạo quản lí trong tương lai các ngành: Quản lí Khoa học và Công nghệ, Quản lí Xã hội, Quản lí Công với nhiều đối tác có thứ hạng cao trên thế giới như Ðại học Lund, Ðại học Upssala (Thụy Ðiển). Với việc triển khai các chương trình liên kết đào tạo quan trọng như vậy thì có thể thấy rằng hoạt động hợp tác quốc tế của ÐHQGHN đã được triển khai hiệu quả và thật sự đi vào chiều sâu.
Về nghiên cứu khoa học, ÐHQGHN cũng có những bước triển khai rất ngoạn mục như: hợp tác với Viện JAIST của Nhật Bản và đi tới được cam kết JAIST sẽ giúp xây dựng các COE – các nhóm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế tại ÐHQGHN. Chúng ta cũng tranh thủ để có được những dự án nghiên cứu tầm cỡ với với Ðan Mạch, Bỉ, Tây Ban Nha…
Một mảng công việc đặc biệt nổi bật và thành công của ÐHQGHN năm 2010 là đã tổ chức được nhiều sự kiện quốc tế lớn như: phối hợp với Ðại sứ quán Hoa Kỳ đăng cai tổ chức Hội thảo giáo dục Việt - Mỹ thu hút 700 nhà khoa học và quản lí, trong đó có 300 nhà khoa học Mỹ; đăng cai tổ chức hội nghị thường niên về biến đối khí hậu của IPCC (Ủy ban Liên quốc gia về biến đổi khí hậu). Và gần đây nhất, ÐHQGHN đăng cai tổ chức thành công hội thảo về “Vai trò của đại học trong ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” trong tháng 12/2010. Chủ đề hội thảo là một sáng kiến của ÐHQGHN, được chấp nhận và tán đồng rộng rãi trong giới khoa học, chuyển tải được chính xác ý nguyện của giới khoa học về một phương thức hành động chung và hiệu quả trước một nguy cơ có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Một điểm sáng khác trong hoạt động quốc tế của ÐHQGHN là việc tổ chức thành công Hội thảo “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” - một hoạt động học thuật trí tuệ được đánh giá cao trong chuỗi các sự kiện lớn 10 ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hội thảo cũng chuyển tải rõ nét một thông điệp về việc phát triển bền vững thủ đô Hà Nội dựa trên nền trí tuệ học thuật.
Trong năm 2010, ÐHQGHN còn thể hiện vai trò chủ chốt của mình trong các tổ chức quốc tế như ASAIHL - Hiệp hội các trường đại học Ðông Nam Á mà GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ÐHQGN là Chủ tịch Hiệp hội; tổ chức diễn đàn bốn đại học chủ chốt Ðông Á BESETOHA và ra tuyên bố chung tại Hà Nội. Năm 2010, ÐHQGHN trao bằng Tiến sĩ danh dự cho nhiều học giả, nhà hoạt động chính trị có tên tuổi như ngài Chủ tịch Quốc hội Ucraina,…
Những hoạt động ấy đã đóng góp những kết quả cụ thể gì cho sự phát triển và lớn mạnh của ÐHQGHN?
Năm 2010, hoạt động hợp tác quốc tế gặt hái nhiều thành công, qua đó giúp tăng cường nguồn lực cho phát triển, chuyển hóa thành nội lực góp phần nâng cao chất lượng của tất cả các hoạt động của ÐHQGHN. Những thành quả này hứa hẹn nhiều triển vọng mới, gặt hái mới trong năm 2011.
Những thành công này tạo sự hứng khởi và tự tin trong tập thể cán bộ khi có cơ hội được trực tiếp tham gia tổ chức, triển khai những sự kiện, chương trình dự án tầm cỡ quốc tế. Sự tự tin ấy sẽ biến thành động lực thúc đẩy sự say mê, tâm huyết hơn trong công việc. Cán bộ và sinh viên sẽ nhiệt huyết và hòa quyện hơn với mục tiêu và sứ mạng của ÐHQGHN. Sự tự tin ấy là điểm bắt đầu cho việc hình thành suy nghĩ và tác phong chuyên nghiệp, hướng tới việc hội nhập quốc tế.
Các hoạt động quốc tế giúp ÐHQGHN củng cố được vị thế và thể hiện được vai trò của mình trong các tổ chức khu vực và quốc tế, thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ mà Nhà nước giao như đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đón chủ tịch quốc hội của Ucraina… Những sự kiện này đều được giới truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin rộng rãi. Hình ảnh của ÐHQGHN đã bay khắp thế giới và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Vị thế của ÐHQGHN đã được nâng lên rõ nét. Ðó là những cái “được” vô giá, là sức mạnh vô hình không tính đếm được mà hoạt động hợp tác quốc tế của ÐHQGHN đã góp phần tạo dựng được.
Thưa Giáo sư, bối cảnh hội nhập hiện nay mở ra nhiều cơ hội để hợp tác nhưng cũng có nhiều khó khăn?
Ðây cũng là điều tất yếu. Trong hợp tác có việc hội nhập, hiện nay chúng ta đang khó trong việc trao đổi sinh viên. Thứ nhất là chúng ta chưa có công nhận chứng chỉ tương đương với các đại học trong khu vực. Sinh viên ra nước ngoài học nhưng khi về nước học tiếp vẫn không được trừ tín chỉ tương đương. Trong khi ở nhiều quốc gia và khu vực, người ta có thể thống nhất những điểm chung giữa các môn, ngành học để công nhận tương đương và tạo sự liên thông đào tạo giữa các nước. Thứ hai là nguồn lực tài chính cho việc trao đổi sinh viên chưa dồi dào. Thứ ba là ở chính bản thân sinh viên, nhu cầu hội nhập và vươn lên tầm quốc tế của sinh viên Việt Nam chưa thật sự cao. Nếu cứ tiếp tục duy trì như hiện nay mà không có giải pháp thì giao lưu quốc tế của sinh viên Việt Nam sẽ kém.
Ðể hội nhập thì tiếng Anh của cán bộ và sinh viên ÐHQGHN phải thay đổi một cách căn bản. Một số giải pháp đang triển khai như: tập trung học tiếng Anh cho sinh viên trong năm đầu rồi mới học chuyên môn… là một trong rất nhiều giải pháp mà ÐHQGHN đang làm để khắc phục vấn đề trên.
Cuối cùng, ÐHQGHN cũng đã tính đến việc tăng cường cơ sở vật chất cho việc mở rộng hợp tác quốc tế. Ðây cũng sẽ là một hướng ưu tiên trong việc phát triển quan hệ hợp tác.
Thưa Giáo sư trong thời gian tới, ÐHQGHN có định hướng ưu tiên đặc biệt nào trong các lĩnh vực của hoạt động hợp tác quốc tế không?
Hoạt động quan hệ quốc tế là một lĩnh vực được ưu tiên nói chung vì vai trò quan trọng của nó đối với sự phát triển của ÐHQGHN. Nhưng với ưu thế đa ngành, đa lĩnh vực cũng như hoạt động cực kỳ đa dạng của mình, ÐHQGHN không có ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. ÐHQGHN chỉ ưu tiên phát triển những chương trình, những hoạt động hợp tác quốc tế đỉnh cao, lấy chất lượng làm tiêu chí, thông qua đó nâng cao một bước chất lượng hoạt động, nâng cao vị thế và thương hiệu của ÐHQGHN.
ÐHQGHN đặt mục tiêu nằm trong top 200 các trường đại học hàng đầu Châu Á trong năm 2020, quan hệ quốc tế có đóng góp cụ thể gì cho việc thực hiện mục tiêu này?
Khi nói đến xếp hạng, dù quan hệ quốc tế cũng đóng một vai trò quan trọng nhưng lúc này lại là vấn đề thực lực. Ðể nâng cao vị thế trong bảng xếp hạng đại học thế giới phải có công bố quốc tế thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, chương trình đào tạo được kiểm định, có các chuẩn về đội ngũ cán bộ, các yêu cầu về đảm bảo chất lượng… Lộ trình này được triển khai theo hướng chuyển động ở tất cả các mặt chứ không chỉ ở quan hệ hợp tác quốc tế. Tất nhiên, vai trò quan trọng của quan hệ quốc tế đóng góp cho mục tiêu này được hiểu theo nghĩa là làm cho chất lượng hoạt động của ÐHQGHN được nâng cao ở những mặt chính yếu.
Xin cảm ơn Giáo sư!
|