Video 09:35:07 Ngày 19/04/2024 GMT+7
ÉNA nôi đạo tạo chính khách tương lai
Là một trong những cơ sở đại học danh tiếng bậc nhất nước Pháp, được thành lập từ năm 1945, học viện hành chính quốc gia (L’École nationale d’administration - ÉNA) là cái nôi đào tạo rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia, những vị chính khách, các nhà ngoại giao…không chỉ cho nước Pháp, mà còn cho cả nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.

Lịch sử

Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, tướng De Gaulle, người đứng đầu Chính phủ lâm thời Pháp thời bấy giờ quyết định thành lập một trường lớn tại Paris nhằm cải tổ lại hệ thống hành chính công và đào tạo cho nhà nước một đội ngũ công chức cao cấp và có trình độ cao. Khóa học đầu tiên của ÉNA mang tên “Chiến đấu cho nước Pháp” tuyển sinh được 84 sinh viên trên tổng số hơn 1.000 thí sinh dự tuyển.

 

Bà Segolène Royal, ứng cử viên Tổng thống Pháp 2007

 

Nhiệm vụ

Năm 1992, trong xu thế hội nhập của một Châu Âu thống nhất, ÉNA được chuyển về Strasbourg với tham vọng trở thành trường đào tạo về chính trị, hành chính cho cả Châu Âu. Do đó ÉNA còn có một tên gọi khác là Học viện Chính phủ Châu Âu (École européenne de gouvernance). Cho đến nay, sau 63 năm hoạt động, ÉNA đã đào tạo được khoảng 5.600 sinh viên bản địa và khoảng 2.800 sinh viên quốc tế đến từ hơn 100 nước trên toàn thế giới. Ngoài các chương trình đào tạo dài hạn cho sinh viên và các chương trình bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng đang đi làm, ÉNA còn có chức năng nghiên cứu về khoa học hành chính, chính trị cũng như làm cầu nối của chính phủ Pháp với các doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở quốc tế khác.

 

Kỳ thi tuyển sinh và các khóa học

Trở thành sinh viên của ÉNA (thường được gọi là énarque) là một vinh dự rất lớn. Bởi ngay trong quá trình đi học, các énarque đã được chính phủ Pháp trả tiên lương và các chế độ xã hội như một công chức bình thường; sau khi ra trường sẽ được bố trí ngay vào các vị trí cao trong bộ máy hành chính của đất nước. Tất nhiên, để có được vinh dự này, các ứng viên đều phải trải qua một quá trình thi và học vô cùng gian khổ. Kỳ thi tuyển sinh được tổ chức hàng năm vào tháng 9, bao gồm 2 vòng thi: Vòng thi viết bao gồm các môn luật công, kinh tế, kiến thức xã hội, Chính sách Châu Âu hoặc chính sách xã hội, môn tự chọn. Vòng thi phỏng vấn bao gồm các môn Tài chính công, Chính trị thế giới, Kiến thức xã hội, Ngoại ngữ, Thể lực và Phỏng vấn sâu. Trung bình, chỉ có 7,9% thí sinh vượt qua 2 kỳ thi này để trở thành énarque và dựa trên nguyện vọng cá nhân cũng như thứ hạng, người ta sắp xếp các énarque vào các chương trình học phù hợp. Điều đặc biệt là tại ÉNA, mỗi khóa học đều mang tên một sự kiện, một nhân vật lịch sử hay một danh nhân… và đều do tất cả các énarque bình chọn sau một cuộc bỏ phiếu. Cựu tổng thống Jaques Chirac tốt nghiệp năm 1959 khóa Vauban, còn Dominique de Villepin, cựu Thủ tướng Pháp tốt nghiệp năm 1980 khóa Voltaire. Cựu Tổng thống Nam Phi - Nelson Mandela đã được chọn để đặt tên cho khóa đào tạo năm 2001. Mặc dù, trong những năm gần đây, chất lượng đào tạo tại ÉNA có phần bị giảm sút, thậm chí còn có những ý kiến yêu cầu đóng cửa ÉNA, nhưng thực sự ÉNA vẫn là trung tâm đào tạo về chính trị, hành chính danh giá nhất ở Châu Âu, và là cái nôi đào tạo ra những chính khách tương lai.  

 

ÉNA và những con số

41.685.000 euros là số tiền trong ngân quỹ của ÉNA năm 2006.

40.000 là số đầu sách có trong thư viện của ÉNA ở Strasbourg

25.000 euros là số tiền đầu tư cho 1 énarque/năm (so với 9,280 euros là số tiền tương ứng cho các sinh viên bình thường ở Pháp)

8.400 là số énarque đã được ÉNA đào tạo

229 là tổng số cán nhân viên hành chính làm việc cho ÉNA

120 là số énarque trúng tuyển vào ÉNA năm 2008

27 tháng là thời gian dài nhất cho một khóa học ở ÉNA

25 là số quốc gia mà ÉNA có liên kết giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

2 là số giáo viên cơ hữu làm việc cho ÉNA (thể dục và tiếng Pháp), các giáo viên khác làm việc bán thời gian và đều đến từ các cơ sở ngoài.

 

            Một số cựu sinh viên nổi tiếng của ÉNA

Valéry G. d’Éstaing, cựu Tổng thống Pháp

Jaques Chirac, cựu Tổng thống Pháp

Laurent Fabius, cựu Thủ tướng Pháp

Michel Rocard, cựu Thủ tướng Pháp

Édouard Balladur, cựu Thủ tướng Pháp

Alain Juppé, cựu Thủ tướng Pháp

Lionel Jospin, cựu Thủ tướng Pháp

Dominique de Villepin, cựu Thủ tướng Pháp

Segolène Royal, ứng cử viên Tổng thống Pháp 2007

Edem Kodjo, cựu Thủ tướng Togo

Nicéphore Soglo, cựu Tổng thống Benin

F. Saint-Geours, cựu Tổng giám đốc công ty Peugeot

 Phạm HIệp (tổng hợp) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC