13:03:45 Ngày 20/04/2024 GMT+7
MGU - Niềm tự hào không thể thay thế của nước Nga
Thăng trầm của lịch sử không thể làm lu mờ ánh hào quang nền khoa học giáo dục của nước Nga vĩ đại. Nước Nga đã kiến tạo nên nền khoa học cơ bản và mở đường cho những bước tiến vĩ đại nhất của loài người như chinh phục vũ trụ, năng lượng nguyên tử... Nói đến nước Nga là phải nói tới Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MGU), nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa học kiệt xuất.
Trong chuyến đi cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm và làm việc tại Liên bang Nga, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ. Tại Liên bang Nga, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ sẽ có những kí kết quan trọng với MGU và một số cơ sở đào tạo nổi tiếng khác, mở ra một chương mới trong giáo dục đại học nước nhà.
Lịch sử lâu đời
Xứ sở Bạch dương luôn gần gũi với nhiều người Việt qua những vần thơ của Puskin, các câu chuyện thấm đẫm tình người của Paustovsky, Solokhov... Nhưng có lẽ, ấn tượng sâu sắc nhất với bao tâm hồn Việt đó là nước Nga có một nền đại học lâu đời mà danh tiếng đã tỏa khắp năm châu. Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MGU) là một biểu tượng hiếm có. Đây là đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Nga, thành lập năm 1755.
Đặt chân đến khuôn viên bao la của MGU, điều ấn tượng nhất là tòa nhà trung tâm hùng vĩ nằm ngay trên đồi Sparrow, chi phối cả khu trường sở và ở đây có thể bao quát được toàn bộ quận Luzhniki của thành phố. Tòa nhà chọc trời mang phong cách kiến trúc Gôtic to lớn này được xây dựng bởi chỉ thị của Stalin, cùng với 6 công trình khác và được biết đến như một trong "Bảy chị em gái" của thành phố Moscow. Công trình này được xây dựng trong những năm 1949 - 1953. Có đến 60 đoàn tàu hỏa đã được sử dụng để vận chuyển khung thép cho công trình từ phía đông thành phố Dnepropetrovsk – Ukraina và hàng ngàn lao động đã làm việc tại đây trong suốt 4 năm ròng.
Năm 2013 này đánh dấu MGU tròn 258 năm tuổi kể từ khi được thành lập theo một sắc lệnh của Nữ hoàng Nga Elizaveta ký ngày 25/1/1755 bằng sự vận động của I.I. Shuvalov và M.V. Lomonosov. Ngày 25/1 hàng năm được kỉ niệm như là Ngày học sinh ở Nga.
Ban đầu nằm ở khu vực hiện nay là Bảo tàng lịch sử Nga trên Quảng trường Đỏ, ngôi trường danh tiếng này được Ekaterina Đại đế dời đến tòa nhà kiến trúc bán cổ điển hiện nay nằm bên kia đường Mokhovaya. Tòa nhà chính được xây dựng từ năm 1782 đến 1793 theo kiểu tân-Palladis theo thiết kế của Matvey Kazakov và được Domenico Giliardi xây dựng lại.
Trong thế kỷ 18, MGU bao gồm 3 khoa là triết họcy khoa và luật. Có một trường dự bị sinh viên đã bị giải thể vào năm 1812. Vào năm 1779, M. M. Kheraskov thành lập trường nội trú cho con cái các nhà quyền quý, biến đổi thành một trường trung học (gymnasia) cho tầng lớp quý tộc vào năm 1830. Nhà in của đại học, do N. I. Novikov điều hành vào những năm thập niên 1780, đã xuất bản tờ báo nổi tiếng thời Nga Sa hoàng — Moskovskie Vedomosti.
Sau Cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1917, trường mở rộng cửa cho con em giai cấp vô sản và nông dân. Vào năm 1919, học phí được bãi bỏ, và một trường dự bị được thành lập để giúp cho con em của tầng lớp công nhân vượt qua kì thi tuyển vào trường. Trường đại học được đổi tên vào năm 1940 để vinh danh người thành lập là M. V. Lomonosov.
Hiện nay, MGU có 29 khoa, 15 viện nghiên cứu khoa học, 4 bảo tàng, Thư viện với 9 triệu xuất bản phẩm, hàng trăm phòng thí nghiệm khoa học trang bị hiện đại, Công viên khoa học, Vườn thực vật, Nhà xuất bản... Một số khoa có bề dày thời gian trường tồn song song với lịch sử của Trường, nhưng cũng có những khoa còn rất trẻ, mới được thành lập đáp lại yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng của thế giới và khoa học.
Sau năm 1991 thêm 9 khoa mới được thành lập. Năm 1992 MGU được trao cho một cơ chế đặc biệt là được nhận tiền trực tiếp từ ngân sách nhà nước (không cần thông qua Bộ Giáo dục). Điều này làm tăng đáng kể sự tự chủ, độc lập của MGU. Đến năm 1992, MGU được hưởng quy chế đại học tự quản của Liên bang Nga, cũng là trường đại học đầu tiên tại Nga được Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cho phép tự xây dựng chương trình giáo dục và cấp bằng tốt nghiệp theo mẫu riêng. Đặc biệt, Luật Liên bang của Liên bang Nga về ĐHQG Moscow mang tên Lomonosov và ĐHQG Saint Peterburg được Viện Duma Quốc gia Liên bang Nga thông qua ngày 21/10/2009; được Hội đồng Liên bang Nga chuẩn y ngày 30/10/2009. Luật quy định những đặc thù về địa vị pháp lý của các đại học lâu đời hàng đầu của Liên bang Nga -  các cơ sở đào tạo đại học Liên bang gồm ĐHQG Moscow mang tên Lomonosov và ĐHQG Saint Peterburg với tư cách là các cơ sở đào tạo - nghiên cứu khoa học đặc biệt, trong đó bao gồm các đơn vị trực thuộc  không có tư cách pháp nhân và có tư cách pháp nhân, là  những cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất của quốc gia, có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển của xã hội Nga. Luật này quy định hai ĐHQG nói trên của Liên bang Nga thuộc cơ quan nhận ngân sách Nhà nước của Liên bang; Quy chế hoạt động do Chính phủ Liên bang ban hành; Giám đốc các ĐHQG này do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm và miễm nhiệm. Đây là bước đi quan trọng để MGU khẳng định vị thế quốc tế và ngày càng trở thành niềm tự̀ hào không thể thay thế của nước Nga.
Cái nôi của những thiên tài
MGU từng lọt vào danh sách 10 đại học đẳng cấp hàng đầu thế giới, là đại học uy tín bậc nhất của nước Nga cả trước, trong và sau kỷ nguyên Xô viết với những nhà khoa học tầm cỡ thế giới từng đoạt nhiều giải thưởng Nobel. Cho đến nay, đã có 11 người thuộc ngôi trường này được nhận giải Nobel và 5 người khác được trao tặng huy chương Fields. Những nhà khoa học ưu tú nhất được tôi luyện trong môi trường nghiên cứu hàng đầu của MGU đã thực hiện những nghiên cứu mũi nhọn đưa nước Nga đi từ những kỳ tích này đến kỳ tích khác trong KHCN, đặc biệt là công nghệ vũ trụ, năng lượng…. Cũng như nước Nga, MGU luôn là trung tâm hàng đầu của thế giới về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quan trọng nhất của khoa học hiện đại như vật lý nguyên tử, laser, hóa học phân tử, vật lý hạt cơ bản...
Tại MGU, nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn cung cấp một nền tảng kiến thức, tư duy vững chắc cho sinh viên. Việc gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản và nghiên cứu cơ bản là yếu tố quan trọng cho việc đào tạo các chuyên gia có trình độ cao, đáp ứng những nhu cầu, thách thức của xã hội tri thức. Bên cạnh đó, MGU có sự hợp tác mật thiết với Viện hàn lâm Khoa học Nga. Sự hợp tác này đảm bảo sự thành công trong sự phát triển của khoa học và giáo dục cả nước. Hiện có hơn 300 thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Nga và các học viện nghiên cứu quốc gia khác đang làm việc cho MGU.
Những sinh viên theo học tại MGU có cơ hội nghiên cứu các ngôn ngữ cơ bản của thế giới. Từ năm 1991, trong khuôn viên của MGU có hoạt động của cơ sở Cao đẳng Tổng hợp Pháp, Viện khoa học và văn hóa Đức, Đại học Tổng hợp Nga-Mỹ. MGU cũng thiết lập mối liên lạc với nhiều trường đại học ở nước ngoài. Mỗi năm 2.000 sinh viên của MGU được cử đi thực tập ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Văn bằng tốt nghiệp của Đại học Tổng hợp Matxcơva được đánh giá cao không chỉ tại Nga mà cả ở phương Tây.  MGU cũng đã được tổ chức giáo dục quốc tế xếp trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Năm 2011, tờ The Times của Anh đã công bố danh sách các trường đại học uy tín nhất trong cộng đồng các cơ sở khoa học và đào tạo trên thế giới. Hơn 13.000 học giả đã tham gia cuộc điều tra bầu chọn này. MGU đã lọt vào số những trường ưu việt nhất, chiếm vị trí thứ 33 trong số 300 trường.
Trải qua 258 năm thành lập và phát triển, MGU đã đào tạo hàng triệu người tốt nghiệp đại học và sau đại học. Rất nhiều người học tại đây đã trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà quản lý tài năng, tổng công trình sư, kỹ sư, nhà khoa học, bác học tầm cỡ thế giới. Một thống kê cho thấy, Trường đã đào tạo hơn 11 nghìn chuyên gia cao cấp cho 150 nước, trong đó có hàng nghìn chuyên gia Việt Nam. Hàng nghìn học sinh của Trường hiện nay đang giữ cương vị chủ chốt ở nhiều nước. Việt Nam, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước và trong hòa bình xây dựng, nhất là trong công cuộc đổi mới, đã có hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh, ra trường với tấm bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học... Nhiều người sau khi học trở về nước làm việc, đã trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học có tên tuổi. Đã có rất nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam từng học tập và nghiên cứu tại MGU như: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS. Đàm Thành Sơn...
Hợp tác quốc tế được MGU đặc biệt chú trọng, tính đến nay trường đã ký kết 350 bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học uy tín từ 75 quốc gia. Hằng năm, ngôi trường này thu hút hàng chục nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, trong đó có hơn 5 nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh đến học từ 80 quốc gia, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam. Hiện nay có khoảng 150 sinh viên Việt Nam đang học tại MGU theo các chuyên ngành công nghệ thông tin, toán, lí hóa, sinh, trong đó nhiều nhất là chuyên ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, có nhiều sinh viên trưởng thành từ các khối phổ thông chuyên, từ các lớp cử nhân tài năng, kĩ sư chất lượng cao của các trường đại học lớn của Việt Nam, rất nhiều học sinh đạt giải trong các kì thi quốc gia, và quốc tế. Những học sinh, sinh viên này đã phát huy tốt khả năng của mình, thể hiện bằng kết qủa học tập xuất sắc.
 VNU Media - Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC