Đô thị Hòa Lạc 01:27:00 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Giải pháp đột phá đưa ĐHQGHN nhanh chóng đạt trình độ khu vực và quốc tế
Chiến lược phát triển đến năm 2010 của ĐHQGHN là phấn đấu lọt vào top 200 đại học hàng đầu thế giới. Để thực hiện chiến lược này, ĐHQGHN tích cực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là xây dựng và phát triển các ngành đào tạo bậc đại học, chuyên ngành đào tạo bậc sau đại học đạt trình độ quốc tế. Đây là giải pháp đột phá và được coi là nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN.

Xu hướng của các đại học trên thế giới ngày nay là không phát triển dàn trải mà thường tập trung vào những ngành, chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu có lợi thế phát triển tốt nhất để nhanh chóng đạt được đẳng cấp và thứ hạng cao, qua đó khẳng định được năng lực cạnh tranh ưu trội của mình trên thị trường giáo dục – đào tạo và khoa học - công nghệ, tham gia giải quyết có hiệu quả hơn các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Nắm bắt được xu hướng phát triển này, ÐHQGHN đã và đang tích cực chỉ đạo lựa chọn những ngành, chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu trong các đơn vị thành viên đã có những điều kiện cận kề trình độ quốc tế để tập trung nguồn lực đầu tư nhằm nâng toàn bộ một ngành/chuyên ngành hoặc đơn vị đạt chuẩn quốc tế. Ðây là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo chỉ đạo của Ðảng ủy, Ban giám đốc ÐHQGHN .

Mục tiêu của Nhiệm vụ chiến lược là gì, thưa Phó Giám đốc?

Mục tiêu tổng quát của NVCL là nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của ÐHQGHN nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị khoa học, thực tiễn cao trong một số lĩnh vực quan trọng góp phần phát triển khoa học công nghệ và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo đại học, sau đại học và khoa học công nghệ, từng bước xây dựng ÐHQGHN thành trung tâm đại học ngang tầm với thế giới; đẩy mạnh quá trình hội nhập với cộng đồng giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới, tạo cơ hội và điều kiện cho sinh viên nước ngoài vào học ở ÐHQGHN; Góp phần tạo dựng thương hiệu cho đại học Việt Nam. Mục tiêu này sẽ được thực hiện theo từng lộ trình, trước hết là tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho một số bộ môn, khoa, trường đại học/viện nghiên cứu thành viên có điều kiện phát triển tốt nhất, nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế.

Thưa Phó Giám đốc, việc triển khai NVCL sẽ mang lại những lợi ích gì?

Thực hiện thành công NVCL sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, trước hết là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế để có thể làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đồng thời tạo được các sản phẩm nghiên cứu khoa học- công nghệ đỉnh cao; sau đó là các lợi ích cho sự phát triển bền vững của các bộ môn, khoa, trường đại học/viện nghiên cứu thực hiện NVCL, cụ thể là: phát triển được đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ quản lý đạt trình độ cao, có khả năng hợp tác bình đẳng với các đồng nghiệp ở các đại học tiên tiến; nâng cao năng lực nghiên cứu của đơn vị; đổi mới căn bản nội dung giáo trình, chương trình, phương pháp giảng dạy-học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá, quản lý đào tạo; hiện đại hóa được một số cơ sở vật chất; xây dựng và thực hiện được hợp tác bình đẳng với các đối tác trong và ngoài nước; tạo được sự hấp dẫn để thu hút các nguồn nhân lực trình độ cao và tài chính. Ngoài ra, việc thực hiện NVCL còn thúc đẩy, nâng cao hiệu quả liên thông, liên kết giữa các đơn vị trong ÐHQGHN. Các lợi ích này sẽ giúp các đơn vị “tăng cường năng lực” để tiếp tục phát triển bền vững, duy trì được chất lượng đạt chuẩn quốc tế khi nguồn đầu tư ngân sách cắt giảm.

Cách thức lựa chọn và triển khai các ngành/chuyên ngành để đầu tư theo NVCL như thế nào?

Lựa chọn để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế được thực hiện theo các hướng: Quốc tế hóa các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, chương trình tiên tiến; Nâng cao chất lượng đầu vào và hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế; một số ngành/chuyên ngành mới có điều kiện phát triển tốt, nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến sự sẵn sàng, quyết tâm cao của đơn vị tham gia NVCL và những ngành/chuyên ngành có nhiều khả năng mở rộng hợp tác, huy động được nguồn lực đầu tư và nhu cầu xã hội cao. Cách thức lựa chọn này đã được qui định rõ theo các tiêu chí và hướng dẫn rất cụ thể các đơn vị trong toàn ÐHQGHN thực hiện.

Sau khi được lựa chọn, việc triển khai các ngành/chuyên ngành được thực hiện theo từng đề án (gọi là đề án thành phần). Ðồng thời, đơn vị thực hiện đề án phải ký hợp đồng với ÐHQGHN, trong đó có những qui định rất cụ thể về các mục tiêu cần đạt được, nội dung thực hiện, kiểm tra đánh giá, chế độ báo cáo và trách nhiệm giữa các bên.

Tình hình triển khai các chương trình đào tạo theo NVCL của ÐHQGHN hiện nay ra sao?

Thực hiện NVCL là việc rất khó, có tính đột phá cao, nên lúc đầu triển khai, còn nhiều người chưa hiểu rõ và chưa thật sự tin tưởng. Tuy nhiên, sau khi đã triển khai được 11 đề án chương trình đào tạo (7 chương trình bậc đại học và 4 chương trình bậc sau đại học) và đã có học viên thạc sĩ tốt nghiệp (ngành Khoa học máy tính của Trường ÐHCN) đạt chất lượng cao (được chấm bởi Hội đồng có thành viên là giáo sư nước ngoài) và đơn vị thực hiện thấy được nhiều cái lợi rõ rệt thì đã thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong ÐHQGHN và ủng hộ cao của xã hội.

Sau hơn hai năm triển khai, các chương trình này đang được đánh giá để thấy được những điểm hợp lý và chưa hợp lý, nhờ đó làm căn cứ để hoàn thiện đề án, sửa đổi cơ chế chính sách, phân bổ các nguồn lực đầu tư và xây dựng thêm các đề án triển khai chương trình mới.

Sắp tới, ÐHQGHN có kế hoạch gì cho việc thực hiện NVCL?

Sau khi rà soát, đánh giá thực hiện các đề án hiện có, chúng tôi sẽ kiện toàn Ban thường trực thực hiện NVCL của ÐHQGHN và các ban quản lý đề án ở các đơn vị thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hơn; đồng thời hoàn thiện các đề án thành phần theo cách tiếp cận sản phẩm đầu ra và hệ thống các hoạt động của đề án theo khung lô gíc (logframe) để tiếp tục phân bổ nguồn lực đầu tư. Năm nay, mức đầu tư cho NVCL sẽ được tăng lên từ tích hợp nhiều nguồn, trong đó NSNN tăng khoảng 25% so với năm trước.

Mặt khác, Ban thường trực các NVCL sẽ phối hợp với các đơn vị để lựa chọn các ngành, chuyên ngành, lĩnh vực nghiên cứu có điều kiện phát triển tốt, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn của NVCL để xây dựng các đề án thành phần. Dự kiến, trong năm 2011, sẽ xây dựng thêm khoảng từ 7-10 đề án thành phần, nâng tổng số đề án thành phần của NVCL lên khoảng 20 đề án vào cuối năm nay.

Cùng với việc củng cố, mở rộng thêm các đề án thành phần, sẽ tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo chất lượng, trong đó đặc biệt là tập trung chỉ đạo thực hiện thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; bổ sung cơ sở học liệu tiên tiến, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tìm thêm nguồn tài chính và đề nghị với các bộ ngành hữu quan được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Ðồng thời, Ban thường trực NVCL phối hợp với các đơn vị rà soát các khâu trong tổ chức đào tạo, trong đó đặc biệt là các môn học chung để xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện đề án và tiến hành đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá NVCL. Nói chung là có rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên chúng tôi biết rõ phải làm cái gì và làm như thế nào, vì thế tôi tin là việc triển khai NVCL sẽ khả thi. Ðiều quan trọng nhất lúc này là cần sự quyết tâm, đồng lòng của đội ngũ thầy, cô giáo, của đông đảo anh chị em sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh cùng chia sẻ khát vọng, hướng tới những đỉnh cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển nhanh của ÐHQGHN và cống hiến nhiều hơn cho Ðất nước, cho Dân tộc chính là cái đảm bảo cho sự thành công của NVCL và các nhiệm vụ khác.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Giám đốc!

 Trần Hằng (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC