Đô thị Hòa Lạc 16:09:43 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Đào tạo chất lượng cao vấn đề quan tâm hàng đầu của ĐHQGHN
ĐHQGHN đã khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đỉnh cao hàng đầu Việt Nam. ngay từ khi mới thành lập ĐHQGHN, GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo đã có nhiều quan điểm giáo dục đại học mà đến nay vẫn còn nhiều giá trị. Bản tin ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trong số bài viết của cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo để thấy được tầm nhìn sáng suốt của ông.
>>> Tải về bản in PDF
Trí tuệ là tài sản quý báu nhất của quốc gia, giáo dục là động lực thúc đẩy xã hội phát triển và đầu tư cho giáo dục phải được xem là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển. Giáo dục phải đi trước, phải phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại và phải phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội... Đó là cách nhìn nhận rất chính xác của Đảng ta.
Tất cả các nước phát triển, những “con hổ” về kinh tế ở châu Á đều rất coi trọng giáo dục và đào tạo đại học. Một số nước, trong giai đoạn khởi đầu của sự phồn vinh, khi nền kinh tế còn non yếu, đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông và giáo dục. Ngày nay, khi phân tích sự suy giảm tốc độ phát triển của một nước nào đó, điều người ta nghĩ đến trước tiên là hệ thống giáo dục và chất lượng đào tạo các chuyên gia.
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học cần phải có: đội ngũ giảng dạy giỏi, những người quản lý giỏi, cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt, công tác tuyển sinh và tổ chức học tập tốt, phương thức và nội dung đào tạo thích hợp, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường, sự hợp tác và quan hệ quốc tế tốt.

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi với GS.Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo về mô hình ĐHQGHN - Ảnh: Bùi Tuấn

Hiện nay, ở ta có trên 100 trường đại học và cao đẳng với cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu. Nhà nước ta chưa thể tăng cường đầu tư lớn cho tất cả các trường, mà chỉ có thể tập trung đầu tư cho một số trường trọng điểm, trong đó có ĐHQGHN. Những giáo sư và cán bộ giảng dạy đại học giỏi cũng được phân bố không đều trong các trường đại học. ĐHQGHN sẽ có điều kiện tập hợp được đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu giỏi, cán bộ quản lý giỏi, hỗ trợ đắc lực cho các trường đại học thành viên. Các trường đại học của ta có quy mô nhỏ so với đại học của các nước, có cơ cấu và quy trình đào tạo khác nhiều nước tiên tiến, do vậy rất khó phát triển sự hợp tác với các trường đại học của nước ngoài. ĐHQGHN sẽ khắc phục được những nhược điểm này và sẽ có quan hệ hợp tác quốc tế tốt. Do vậy, việc thành lập ĐHQGHN là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học lên ngang tầm với đại học của các nước, phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.
ĐHQGHN - nói đầy đủ là Đại học Quốc gia đặt tại Hà Nội - được thành lập dựa trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở khu vực Hà Nội, trước mắt là ba trường: Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - những trường đại học ra đời sớm nhất ở nước ta với một đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học khá mạnh, có nhiều thuận lợi trong việc phối hợp, hỗ trợ cho nhau. Nói “trước mắt” có nghĩa là sau này sẽ còn có thêm các trường đại học khác tham gia vào ĐHQGHN. Ở ba trường kể trên, chủ yếu có các chuyên ngành khoa học cơ bản. Chắc chắn trong ĐHQGHN sẽ phát triển thêm các chuyên ngành đào tạo về công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mũi nhọn, về kinh tế và nhiều chuyên ngành khác. Các viện và các trung tâm nghiên cứu hiện có trong các trường đại học thành viên cũng sẽ được tăng cường về số lượng và chất lượng cho phù hợp với nội dung và phương thức đào tạo, phù hợp với yêu cầu kinh tế - xã hội.
Việc thành lập ĐHQGHN không đơn thuần chỉ là việc ghép một cách cơ học các trường đại học thành viên, mà thực chất là tạo ra một tổ chức đại học mới nhằm đảm bảo đào tạo chất lượng cao. Trong thời gian tới, ba trường đại học thành viên sẽ được tổ chức lại thành năm trường đại học: Trường Đại học Đại cương và 4 trường đại học chuyên ngành: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Ngoại ngữ. Quy trình đào tạo ở ĐHQGHN cũng sẽ được thay đổi: đào tạo theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn I (1,5 đến 2 năm), sinh viên sẽ học qua Trường Đại học Đại cương với những nội dung khác nhau theo từng nhóm ngành: Khoa học Xã hội, Khoa học Nhân văn, Ngoại ngữ, và các nhóm ngành khác lấy một trong các khoa học sau đây làm cơ sở: Sinh, Hoá và Toán - Lý. Sinh viên từng nhóm ngành sẽ có kiến thức cơ sở và kiến thức xã hội rộng, sau này dễ dịch chuyển ngành nghề theo yêu cầu của xã hội, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Các thầy, cô giáo dạy cho trường đại học đại cương cũng sẽ được tuyển lựa kỹ, gồm những người có trình độ cao, thuộc hoặc không thuộc biên chế của ĐHQGHN. Sau khi học xong giai đoạn I, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ đại học đại cương. Vào giai đoạn II, sinh viên sẽ học lên theo các chuyên ngành. Kết thúc giai đoạn II, sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân. ĐHQGHN còn mở cao học với thời gian hai năm nhằm đào tạo chuyên môn sâu (bằng thạc sĩ) và đào tạo cao hơn nữa để có học vị tiến sĩ.

>> GS.Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo trong lần gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Ảnh: Bùi Tuấn

ĐHQGHN sẽ thực hiện kết hợp hữu cơ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những nghiên cứu cơ bản. Việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu cơ bản ở ĐHQGHN là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao khả năng cống hiến cho các nghiên cứu cơ bản. Việc kết hợp giữa đào tạo và các hoạt động ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và hoạt động kinh tế cũng là vấn đề cần thiết nhằm gắn nhà trường với xã hội, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ, cải thiện đời sống của đội ngũ cán bộ, sinh viên. ĐHQGHN sẽ phấn đấu để những công trình nghiên cứu cơ bản đạt được trình độ cao, những ứng dụng thực tế có hiệu quả lớn, để những sản phẩm mang tên ĐHQGHN phải là những sản phẩm được tín nhiệm cao trong xã hội.
Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào sự phối hợp hoạt động chung của các trường thành viên nhằm: nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập, đặc biệt quan tâm đến chương trình đào tạo, sử dụng và phát huy các tài năng, trẻ hoá đội ngũ giáo viên, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của cán bộ và sinh viên, chuẩn bị xây dựng lớn cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng cường trang thiết bị cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác với các trường đại học, các viện và các trung tâm nghiên cứu ở trong nước và hợp tác quốc tế. Sự nghiệp xây dựng ĐHQGHN chỉ có thể được thực hiện thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, ĐHQGHN đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh, công tác chính trị, tư tưởng và công tác đoàn thể.
ĐHQGHN sẽ được Nhà nước đầu tư xây dựng lớn. Một khu trường đại học với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ được xây dựng ở khu vực Cầu Giấy rộng trên ba chục héc ta.
Nhiều trường đại học của các nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Úc rất quan tâm đến việc hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với ĐHQGHN theo hướng: trao đổi chuyên gia, trao đổi sinh viên, tài liệu, kinh nghiệm, nghiên cứu chung những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm..., giúp tăng cường tiềm lực cho ĐHQGHN.
Việc xây dựng ĐHQGHN có những khó khăn. Trước hết, đây là một việc mới đối với ta, phải thiết kế mô hình của ĐHQGHN sao cho thích hợp và có hiệu quả. Cần có những định hướng chính xác về mục tiêu, nội dung và phương thức đào tạo. Sau nữa, một mặt vừa phải giữ tính ổn định của các trường thành viên, mặt khác lại phải khắc phục quán tính, sự trì trệ, khẩn trương tiến tới một cơ cấu tổ chức thống nhất của ĐHQGHN. Chúng tôi hiểu rất rõ rằng: Phương pháp và cách thức tiến hành việc sắp xếp lại tổ chức sẽ có ảnh hưởng - nhiều khi là quyết định - tới thành công hay thất bại của một tổ chức mới. Do đó, quá trình sắp xếp tổ chức và đổi mới phương thức đào tạo của ĐHQGHN phải tiến hành hết sức thận trọng, chắc chắn, theo một kế hoạch được chuẩn bị chu đáo, nhất quán. Ở đây cần khắc phục hai khuynh hướng cực đoan, hoặc là ngại đổi mới, né tránh phức tạp, làm cho mục tiêu của việc sắp xếp lại các trường đại học không được thực hiện, hoặc là nóng vội, đốt cháy giai đoạn, dẫn đến sự xáo trộn lớn, làm mất ổn định nhà trường, ảnh hưởng xấu đến việc giảng dạy và học tập. Vì vậy, đổi mới và phát triển trong thế ổn định là một nguyên tắc chỉ đạo trong quá trình xây dựng ĐHQGHN. Những khó khăn trên đây càng trở nên gay gắt trong điều kiện cơ sở vật chất của các trường còn nghèo, đời sống của cán bộ và sinh viên còn nhiều khó khăn.

GS.Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo trong lần gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt  - Ảnh: Bùi Tuấn

Để ĐHQGHN có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và rất khó khăn của mình, không biến thành một cấp quản lý trung gian giữa các trường thành viên và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cản trở công việc, cần cho nó một quy chế tổ chức và hoạt động thích hợp với những quyền hạn đủ rộng, đặc biệt là quyền tự chủ về tài chính, về tổ chức, nhân sự và hợp tác quốc tế. Chúng tôi đang xây dựng dự thảo quy chế để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là công việc quan trọng, cần có sự đóng góp ý kiến của đông đảo các giáo sư, các nhà khoa học, các nhà quản lý.
Chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và các cấp ủy, sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự ủng hộ của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, sự nỗ lực của tất cả cán bộ và sinh viên, với sự hợp tác, giúp đỡ của các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu trong cả nước và sự hợp tác quốc tế, ĐHQGHN sẽ hoàn thành được sứ mệnh của mình, trở thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao, Trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của cả nước.

 

 GS.VIỆN SĨ NGUYỄN VĂN ĐẠO - Nguyên Giám đốc ĐHQGHN - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC