Đô thị Hòa Lạc 19:39:05 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Hiệu trưởng đầu tiên và lâu nhất của Trường ĐHTH Hà Nội
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu năm 1954, là một trong 5 trường Đại học đầu tiên được thành lập tại miền Bắc – trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu các lĩnh vực khoa học cơ bản. Cơ sở chính của Trường đặt tại 19 Lê Thánh Tông- toà nhà của Đại học Việt Nam ( Đại học Đông Dương) trước đây – một trong số ít các công trình kiến trúc độc đáo và đẹp do Pháp xây dựng còn giữ được tương đối nguyên vẹn cho tới nay. Thầy Hiệu trưởng đầu tiên và lâu nhất của Trường ĐHTH Hà Nôi được chính Bác Hồ chỉ định là cố Giáo sư – Nhà Giáo nhân dân Nguỵ Như Kon Tum. Lễ khai giảng khoá 1 của Trường được tổ chức ngày 15/10/1956 tại Đại Giảng đường – nay là Giảng đường Nguỵ Như Kon Tum.
Lớp chúng tôi – những sinh viên khoá đầu tiên của Trường ( 1956 – 1959) gồm hơn 430 người từ mọi miền, từ nhiều nguồn thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau nhập học vào đầu tháng 10 năm 1956. Còn nhớ cảm giác vui sướng đến ngỡ ngàng khi cùng nhau tề tựu trong Giảng đường lớn nhất của Đại học Việt Nam – nơi trước đây nhiều trí thức danh tiếng của đất nước đã từng thụ giảng.
GS. Ngụy Như Kontum thăm nhà ăn tại nơi sơ tán Bắc Thái
Đêm văn nghệ chào mừng ngày khai trường được tổ chức tại Thư viện lớn – nay là Giảng đường Lê Văn Thiêm. Tham gia văn nghệ có đội Văn công Quân đội, Thầy Hiệu trưởng mở đầu buổi Dancing bằng điệu Tango với phong cách lịch lãm, thanh thoát làm khán phòng sôi động hẳn lên !
Đầu năm học thứ 3 của khoá 1, sau phần lễ tổng kết năm học thứ 2 có tuyên dương khen thưởng – tôi được lãnh đạo Trường khen và đề nghị Bộ Giáo dục cấp bằng khen. Cầm tấm giấy khen do Giáo sư Hiệu trưởng ký ( với số vào sổ khen thưởng 00001), tôi vui mừng không cầm được nước mắt. Tiếp đó Nhà trường phát động đợt tham gia lao động ở nông thôn. Mùa thu năm 1958 toàn trường tham gia đợt lao động nông nghiệp tại Bình Đà, Hà Đông. Quên sao được hình ảnh thầy Hiệu trưởng cùng các thầy Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hoán…. đi chăn trâu, gánh lúa, đào kênh tại Bình Đà, Yên Viên hay tham gia bổ những nhát cuốc đầu tiên để xây dựng công viên Thống Nhất ( tại Hồ Bảy Mẫu) sau khi toàn trường nghe lời kêu gọi “ biến căm thù thành hành động” do Cố Giáo sư Trần Văn Giàu thay mặt lãnh đạo phát động sau vụ thảm sát Phú Lợi.
Trong những năm theo học chúng tôi được chứng kiến thầy Hiệu trưởng đã cùng lãnh đạo nhà trường nhiều lần chủ trì đón tiếp các vị lãnh đạo quốc gia và quốc tế đến thăm Trường. Bác Hồ cùng với các Tổng thống, Chủ tịch, Thủ tướng các nước như E. Vôrôsilôv( Liên Xô), MicôiĂng ( Liên Xô), Chu Ân Lai ( Trung Quốc), Xucácnô ( Inđônêxia), Praxat (ấn Độ) đến thăm và nói chuyện với sinh viên.
Khoá 1 dự định học 4 năm nhưng do nhu cầu cán bộ đồng thời để chuẩn bị tốt cho chương trình giảng dạy năm thứ 4 có chất lượng, nhà trường làm lễ tốt nghiệp cho chúng tôi sau khi kết thúc 3 năm học ( trước chúng tôi là khoá học của trường Đại học Sư phạm cũng chỉ được học 2 năm có bổ túc vài tháng hè). Một số được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, phần lớn đi giảng dạy phổ thông hay công tác tại các Viện, số ít chúng tôi được chọn đi học tiếp tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp Matxcơva Liên Xô. Tiễn chúng tôi, Giáo sư Hiệu trưởng cùng bí thư Đảng uỷ Lê Hoàng Linh dặn dò : các em qua đó nhớ học tập đầy đủ các kiến thức về ngành khoa học được phân công vì đây là lớp đầu tiên được Nhà trường gửi đi, đồng thời tìm hiểu học thêm được những điều hay trong việc tổ chức bộ môn, phòng thí nghiệm, khoa, trường để về xây dựng Trường ta. Giáo sư đã cùng lãnh đạo Trường chụp ảnh lưu niệm với từng nhóm cán bộ sinh viên vừa tốt nghiệp trước khi lên đường.
Sau 3 năm học chuyên ngành theo phân công nhiều anh chị em đã trở về công tác, giảng dạy tại trường, trở thành nòng cốt trong việc xây dựng một số bộ môn khoa học. Ba chúng tôi gồm Đào Huy Bích, Nguyễn Hữu Ngự và Phan Văn Hạp ở khoa Toán được tiếp tục làm nghiên cứu sinh thêm một thời gian để bảo vệ luận án Tiến sĩ ( Tên gọi trước đây là Phó Tiến sĩ của Liên Xô).
Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, 3 anh em chúng tôi được Thầy Hiệu trưởng đón về tiếp tục công tác tại Trường, Khoa vào nửa đầu năm 1965 khi miền Bắc bước vào thời kỳ chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ.
Trường sơ tán, Thầy Hiệu trưởng cùng Hiệu bộ đóng tại xóm Đình, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Bắc Thái. ấn tượng đẹp về Thầy Hiệu trưởng tóc bạc phơ, hàng ngày tập thể dục, đi lại ở khu vực Hiệu Bộ gần “ núi Xem” vẫn sâu đậm trong tâm khảm chúng tôi.
Tuy chỉ là một trong số hàng trăm cán bộ giảng dạy của Trường, song mỗi lần được gặp Giáo sư Hiệu trưởng tôi vẫn được Thầy ân cần thăm hỏi cả về công việc lẫn tình hình gia đình (nhất là sau khi Thầy biết bố tôi đã có những năm học tại trường Bưởi). Biết tôi tham gia công tác Đoàn Thanh niên Trường nên mỗi lần gặp Thầy đều lưu ý thăm hỏi về tâm tư, nguyện vọng, về phong trào của các Thầy, cô giáo trẻ, của sinh viên.
 Vào những tháng cuối năm 1969 khi tình hình cho phép ( đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20), Trường chuyển dần về Hà Nội – Khoa Toán chúng tôi chuyển về Đông Hội – Cổ Loa, Đông Anh.
Đầu năm 1970 tôi được Bộ trưởng chỉ định làm Chủ nhiệm khoa Toán của Trường, vì vậy có nhiều dịp được gặp Thầy hơn. Kỳ thi tuyển sinh Đại học đầu tiên được tổ chức trở lại theo chỉ đạo trực tiếp của cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Hình thức thi được tổ chức theo đề thi chung từng khối và địa điểm thi theo từng tỉnh, thành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được phân công phụ trách Hội đồng thi Nghệ An – tỉnh có số thí sinh đông nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Tôi được lãnh đạo nhà trường cử làm Phó Chủ tịch trực tiếp giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng thi là Giáo sư Hiệu trưởng. Thầy nói với tôi khi nhận nhiệm vụ “Tôi đề nghị chỉ định anh làm Phó Chủ tịch Hội đồng vì anh là Chủ nhiệm khoa trẻ đồng thời lại có chuyên môn Toán – một môn thi trọng điểm”.
Đón tiếp Bác Hồ và Tổng thống Xucacno tới thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Lần đầu tiên tôi được ở cùng Thầy và cố Giáo sư Nguyễn Thạc Cát trong nhà dân ( nhà cụ Thông) ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong những ngày tổ chức thi tuyển sinh. Chổ ở của Thầy và chúng tôi cũng là nơi họp Ban chỉ đạo với các cụm trưởng các điểm thi. Địa điểm bảo vệ và phân phối đề thi ở ngay nhà bên cạnh do anh Phạm Kim Toả - Phó phòng tổ chức phụ trách an ninh. Mỗi sáng vào lúc 4h, Thầy đã dậy tập thể dục, sau đó ăn sáng qua loa để chuẩn bị cho buổi giao đề thi, dặn dò cán bộ trước khi các cụm trưởng đưa xe phân phối đề thi tới các điểm thi đặt tại các trường học trên khắp huyện Diễn Châu trải dài từ km 35 đến km 60 phía Bắc thành phố Vinh.
Là đợt thi đầu tiên được tổ chức sau chiến tranh phá hoại đợt 1 của đế quốc Mỹ , hơn nữa lại thi tại các địa phương nên đích thân Bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra. Ngay sau buổi thi đầu tiên Bộ trưởng đã vào Nghệ An và ở lại cùng chúng tôi cho tới kết thúc môn thi thứ ba. Sau khi nghe Giáo sư Hiệu trưởng – Chủ tịch Hội đồng thi và đại diện Ty Giáo dục Nghệ An báo cáo về tổ chức thi, Bộ trưởng hỏi tôi nhận xét về đề thi môn Toán. Tôi xin phép nói nhận xét cá nhân : “ Thưa Bộ trưởng, đề Toán rất hay nhưng khó phân loại vì có 2 câu hỏi ( bài toán) hơi lạ đối với thí sinh!”. Bộ trưởng tỏ ra băn khoăn và nói ngay : “Hay mà khó phân loại là hỏng vì thiếu gì bài toán hay nhưng cho kỳ thi tuyển sinh thì phải phân loại được!”. Bộ trưởng trầm ngâm cho tới lúc ăn chiều! Thầy Hiệu trưởng nói nhỏ với tôi : “ Nhận xét của anh về đề Toán làm Bộ trưởng suy tư nhiều, tính của ông là như vậy, hễ có điều gì chưa hài lòng là ông luôn suy nghĩ, tìm nguyên nhân và cách xử lý!”. Kết thúc môn thi thứ 3 : Hoá học, Thầy trao đổi với Giáo sư Nguyễn Thạc Cát rồi cho gọi một thí sinh người miền núi Nghệ An lên gặp khi biết em này vì đau bụng nên không thi hết buổi. Nghe trình bày, được biết vì đau bụng đột ngột nhưng nhờ một viên thuốc mang theo người, em đã bình ổn và chỉ mất khoảng 30 phút thời gian làm bài nên bài thi không hoàn thành tốt. Thầy đã nhắc tôi ghi lại hoàn cảnh cụ thể để phản ánh lên Ban chỉ đạo thi của Bộ. Tác phong sâu sát của Thầy được thể hiện trong mọi công việc và đối với mọi người.
Người dân trong vùng quanh nơi Ban chỉ đạo thi ở vẫn truyền miệng nhau về một “ Ông Tiên tóc bạc phơ” múa Thái cực quyền vào sáng sớm. Những năm tháng ở trường, được học rồi làm việc và trực tiếp giúp việc Thầy, tôi học tập được rất nhiều, đặc biệt là lòng nhân ái, đức độ, tư cách của người thầy.
Đợt tuyển quân đầu năm học 1971 – 1972 nhiều sinh viên và cả cán bộ giảng dạy trẻ của Trường viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Việc tiễn đưa hơn 400 cán bộ và sinh viên lên đường được tổ chức trang trọng và cảm động. Những thanh niên sinh viên đang học năm thứ 2, thứ 3 hay vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh mới nhập học, nhiều thầy giáo trẻ được giữ lại làm cán bộ của Trường chưa bao lâu đã theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường. Sân vận động sau nhà Liên Hợp khu Thượng Đình ( nay là vườn hoa của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) – nơi làm lễ xuất quân) – được trang hoàng đơn giản nhưng nghiêm túc. Sau lời phát biểu ngắn của cố Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Anh Tuấn, Thầy Hiệu trưởng thay mặt lãnh đạo Trường và toàn thể cán bộ, sinh viên ở lại tâm tình với những người ra đi. Không cao giọng hiệu triệu, kêu gọi mà chỉ nói lên tấm lòng của Thầy, của toàn Trường với các em, đồng thời không quên nhắc nhở như một lời hứa: “ Chiến thắng trở về, Thầy và toàn trường chắc chắn vẫn mở rộng cửa chào đón các em!”.
Vừa tiễn quân xong, Thầy lại lo cùng toàn trường tham gia khắc phục hậu quả của trận lụt thế kỷ đối với miền Bắc. Cùng toàn Trường đi cứu gạo bị ngập tại Yên Viên, Thầy nghĩ tới việc phải dùng chuyên môn của Trường để góp phần giải quyết hậu quả. Chỉ đạo cán bộ khoa Vật lý khôi phục máy móc điện tử, các khoa ngành khác tìm cách ứng dụng chuyên môn của mình để vừa khắc phục hậu quả vừa lo đề phòng lâu dài như việc chống mối thân đê, khắc phục các cản trở dòng chảy … Tuy trường vừa được bổ sung lãnh đạo như các đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Đình Tứ, Đỗ Tư, Đặng Huy Chi… nhưng với cương vị Hiệu trưởng Thầy vẫn chăm lo mọi mặt cho sinh viên, thầy giáo cô giáo và cán bộ nhân viên của nhà trường.
Là nhà khoa học đã từng làm nghiên cứu sinh rồi trợ giảng cho Nhà Bác học lớn Jolio – Curie nhưng rất khiêm tốn, ít khi Thầy nói ra. Một lần, khi tiếp khách nước ngoài là những nhà khoa học lớn, khi nghe tôi giới thiệu về Thầy, họ rất khâm phục, ngưỡng mộ. Việc Thầy được chính Bác Hồ cử làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng không nhiều người biết vì theo Thầy chính Thầy cũng chỉ biết điều này khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói. Năm 1981 – một năm trước khi Thầy nghỉ hưu, do việc phân công tác cho sinh viên tốt nghiệp có khó khăn, Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước đã thông báo cắt chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐHTH Hà Nội. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã bó tay. Chính Thầy đã nhờ sự can thiệp của Thủ Tướng nên Trường vẫn được tuyển sinh. ý kiến của Thủ tướng rất rõ ràng : “ Bất kỳ hoàn cảnh nào, trường ĐHTH Hà Nội – bộ mặt của giáo dục Đại học Việt Nam – cũng phải có chỉ tiêu tuyển sinh!”.
Từ năm 1977, trường ĐHTH Hà Nội còn được Bộ giao thêm nhiệm vụ cử các Trưởng Tiểu ban và tổ chức thi các môn khoa học cơ bản cho việc tuyển Nghiên cứu sinh đi nước ngoài, đồng thời cấp xác nhận cho một số cán bộ khoa học, giảng dạy có thâm niên thuộc các Trường, các Viện về các môn khoa học cơ bản để hoàn tất thủ tục về hồ sơ phong học hàm mà do hoàn cảnh khách quan của chiến tranh, trước đây họ chưa có điều kiện thực hiện. Thầy đã lắng nghe kỹ lưỡng từng trường hợp để cho ý kiến chỉ đạo cách thực hiện sao cho vừa công bằng vừa có chất lượng.
Trong những năm được giúp việc Thầy trong công tác đào tạo và có thời gian công tác Nghiên cứu Khoa học ( khi anh Phan Tống Sơn đi thực tập ở CHDC Đức) duy nhất một lần tôi thấy Thầy nóng giận.
Hôm đó, có 2 vợ chồng đeo hàm Thượng tá và Trung tá Quân Y( tự giới thiệu là Chủ nhiệm khoa thụôc Viện Quân Y) xin gặp Thầy Hiệu trưởng. Con gái của 2 vị đó thi vào khoa Sinh trường ĐHTH Hà Nội. Hồi đó các bài thi do Trường tổ chức chấm nhưng kết quả chỉ được công bố một lần sau khi Bộ duyệt và trước đó các bài thi chưa được phép ráp phách. Công việc rọc phách, lên điểm, ráp phách đều do cán bộ giáo vụ cùng một số cán bộ được chọn và thực hiện thủ công. Một cán bộ phòng giáo vụ do đã xem trước và thông báo điểm thi cho gia đình. Do việc xem điểm lén lút nên không chính xác và gia đình được báo điểm sai, từ trượt thành đỗ! Việc gia đình thắc mắc là dễ hiểu, song thái độ 2 vị phụ huynh lại khẳng định là Trường có tiêu cực và hơn thế còn tỏ ra hách dịch muốn kiện cáo lên cấp trên. Thầy cho gọi tôi sang và giao trách nhiệm trực tiếp giải quyết đến cùng, đồng thời thẳng thắn nói với các vị đó là thái độ của họ không phải của những người hiểu biết! Vấn đề sau đó được giải quyết sáng tỏ. Đối chiếu bài thi với chữ viết trong các vở học thường ngày của thí sinh mà tôi đã yêu cầu gia đình cung cấp, họ phải công nhận không có dấu hiệu của sự đánh tráo bài thi. Thêm nữa được biết đây là lần thi thứ 2 còn lần thi thứ nhất thí sinh chỉ đạt tổng 3 môn dưới 5 điểm. Kết quả khá có hậu là hai vợ chồng đến xin lỗi Thầy Hiệu trưởng và Trường về cách hành xử thiếu thận trọng.
Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, vào một đêm cuối tháng 2 đã xảy ra một vụ sập nhà ( cấp 4) ở ký túc xá Lò Đúc. Một nửa dãy nhà 6 gian bị đổ nát vụn giữa đêm khuya, ba gian nhà bị sập gồm một gian là nơi ở của gia đình tôi, 2 gian còn lại là chỗ ở của 3 gia đình khác. Rất may cả 3 gia đình đều không gặp tai nạn về người. Trời chưa sáng, Thầy Hiệu trưởng đã có mặt để thăm hỏi tình hình. Khi cháu Phan Quốc Bình – con trai út của tôi- bị sốt cao, biết tin Thầy đã cho xe đưa cháu đi cấp cứu, mặc dầu hôm đó có cuộc họp lãnh đạo Trường do Thầy chủ trì.
Hồi tưởng lại những kỷ niệm, tôi cứ như thấy hiện lên trước mắt mình bóng dáng thân thương, tác phong mẫu mực, sâu sát và cách ứng xử lịch thiệp đầy trí tuệ của Thầy – Cố Giáo sư Nhà Giáo nhân dân, Hiệu trưởng đầu tiên và lâu nhất của Trường ĐHTH Hà Nội – ngôi trường nay tuy không còn tên nhưng đã tạo dấu ấn sâu sắc trong phong cách giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học mà lớp lớp sinh viên những năm trước đây đã tiếp thu được từ Thầy và các Thầy giáo, cô giáo khác đã từng làm việc tại Trường.
Tên của Thầy đã được Nhà nước đặt cho một đường phố, cho một Giảng đường lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội, song sâu sắc và quan trọng hơn, bất diệt hơn là lòng biết ơn của lớp lớp sinh viên đã trưởng thành từ ngôi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và nối tiếp là những học trò, con cháu của họ.
 GS.TS Phan Văn Hạp - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC