Đô thị Hòa Lạc 11:32:29 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Bay lên từ bờ vai truyền thống
65 năm qua, Trường ĐHKHXH&NV đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, khẳng địnhvị trí là trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có sứ mệnh đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, hướng tới tiếp cận và hội nhập với khoa học – giáo dục thế giới. “Lấy khoa học cơ bản và truyền thống lâu đời làm nền tảng, lấy tri thức hiện đại và chất lượng cao làm đích đến – đó là định hướng của chúng tôi” – GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ:

Truyền thống hào hùng điểm tựa của sức mạnh

Thưa Giáo sư, mốc truyền thống của Trường ÐHKHXH&NV - ÐHQGN bắt đầu từ sự hình thành Ðại học Văn khoa năm 1945, cũng là mốc khởi đầu quan trọng của nền giáo dục đại học nước nhà, xin ông cho biết đôi nét về sự kiện này ?

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ðại học Văn khoa (lúc đầu gọi là Ban Ðại học Văn khoa thuộc Trường Ðại học Quốc gia Việt Nam) tại Hà Nội. Giáo sư Ðặng Thai Mai được cử làm Giám đốc. Ðội ngũ giáo viên đầu tiên đều là những học giả lỗi lạc như các giáo sư: Ðặng Thai Mai, Ðào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên... cho đến các đồng chí lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp. Những người thầy tài danh ấy đã mang cả tâm, trí nuôi dưỡng Ðại học này trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và đào tạo được một thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nhiều giáo sư của Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội sau này như: Ðinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Cự Ðệ, Hà Minh Ðức...

GS.TS Nguyễn Văn Khánh

Có thể nói quyết định thành lập Ðại học Văn khoa giữa lúc chính quyền dân chủ nhân dân đang trong giai đoạn trứng nước thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của KHXH&NV đối với sự nghiệp kiến quốc và trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc. Nó cũng có ý nghĩa khởi đầu cho việc xây dựng những thế hệ nhà khoa học xuất sắc đầu tiên của KHXH&NV Việt Nam.

Giáo sư có thể cho biết những thành tích nổi bật của trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là những gì?

Ðại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1956 và rất may mắn được đào tạo bởi đội ngũ những người thầy tài năng, trực tiếp tham gia xây dựng Trường, và triển khai nhiệm vụ đào tạo ở hai ngành khoa học quan trọng là Văn học và Sử học. Phải nói rằng đội ngũ nhà giáo tài năng ấy đã đặt những viên đá tảng đầu tiên làm nền cho những thành tựu về nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV hơn nửa thế kỷ qua.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra rất ác liệt, Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội vẫn phát triển mạnh mẽ và trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước, là nơi đến quen thuộc của nhiều nhà khoa học quốc tế. Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội là nhân tố quan trọng góp phần định hình nền KHXH&NV Việt Nam lúc đó với các lĩnh vực, ngành cụ thể. Uy tín và ảnh hưởng của Trường rất lớn trong xã hội. Những công trình nghiên cứu của cán bộ và sinh viên góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng lúc bấy giờ là giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn ra đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị kinh điển trong KHXH&NV cho đến tận sau này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - Cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội và các giáo sư Hiệu trưởng các thời kỳ. Ảnh từ trái sang, các giáo sư: Nguyễn Văn Khánh, Phạm Xuân Hằng, Nguyễn Phú Trọng, Phùng Hữu Phú và Phạm Quang Long

Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội cũng đã tiễn biệt nhiều thầy giáo và sinh viên ưu tú lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ và giải phóng đất nước. Nhiều cái tên đã khắc ghi vào lịch sử oai hùng của dân tộc và làm rạng danh truyền thống của Nhà trường như Lê Anh Xuân, Phạm Văn Phong, Ngô Văn Sở, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Ðịnh, Ðặng Luân...

Có tiền thân là hai đại học nổi tiếng với bề dày thành tựu và những đóng góp lớn cho đất nước, điều ấy tạo áp lực gì cho đội ngũ cán bộ của Nhà trường hôm nay thưa Giáo sư?

Trước tiên, chúng tôi thấy vô cùng tự hào bởi không có nhiều trường đại học ở Việt Nam có chặng đường phát triển gắn chặt với các giai đoạn thăng trầm mà oai hùng của lịch sử dân tộc như vậy. Truyền thống hào hùng và những thành tựu, vị thế đã đạt được trong quá khứ là tài sản vô giá có ý nghĩa lớn về cả vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ và sinh viên Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, hôm nay. Ðó là cội nguồn, là điểm tựa sức mạnh nội lực cho những phấn đấu và cố gắng của chúng tôi trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Còn áp lực, tất nhiên cũng rất lớn, đó là phải có những công trình nghiên cứu có giá trị hơn nữa, phải giữ vững chất lượng đào tạo và vị trí hàng đầu trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi hiện nay, nâng tầm vị thế và vai trò của KHXH&NV đóng góp cho sự phát triển của đất nước, khẳng định vị thế của mình khi hội nhập với thế giới. Chúng ta không thể tụt hậu so với chính các thế hệ cha anh của mình, mà phải tiếp tục vươn lên bay cao và bay xa hơn nữa từ “bờ vai” thành tựu của những thế hệ đi trước.

Truyền thống ấy giúp Nhà trường rút ra được những kinh nghiệm gì trong quá trình phát triển hiện nay, thưa Giáo sư?

Từ lịch sử ấy, nếu có thời gian nghiên cứu và tổng kết thì có thể đúc rút rất nhiều kinh nghiệm không chỉ cho Nhà trường mà còn cho nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung. Tuy nhiên tôi chỉ xin nhấn mạnh đến hai điều:

Một là khoa học và giáo dục, đặc biệt là KHXH&NV phải luôn giữ vững mục tiêu phục vụ sự phát triển của đất nước, phục vụ yêu cầu thực tiễn xã hội của lịch sử. Chỉ khi gắn mình vào các điều kiện thực tiễn và mục tiêu phục vụ dân tộc thì khoa học mới có động lực thật sự để làm ra những công trình có giá trị thật sự, phục vụ xã hội và con người.

Hai là trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nếu biết phát huy tinh thần tập thể, biết khơi dậy tinh thần yêu nước, khơi dậy sự say mê nghiên cứu và cống hiến trong mỗi cá nhân thì sẽ tạo nên sức mạnh hết sức to lớn. Phát huy được tốt nhân tố con người để làm việc vì con người, cộng đồng thì chắc chắn sẽ đem đến thành công.

Là trụ cột nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV của cả nước

Giáo sư, nhận định gì về những thách thức và xu hướng phát triển của KHXH&NV trong giai đoạn hiện nay ?

Thế giới hiện nay đang đổi thay đến chóng mặt; công nghệ thông tin và nền kinh tế dựa vào tri thức đang chi phối tốc độ phát triển của xã hội loài người. KHXH&NV Việt Nam cũng gặp những khó khăn trong việc bắt kịp với thực tiễn cuộc sống và hội nhập quốc tế. Giờ đây nghiên cứu và đào tạo phụ thuộc rất lớn vào phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất hiện đại. Con người cũng đa dạng, phức tạp hơn với nhiều nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh với mức độ phức tạp ngày càng cao. Do điều kiện phát triển của nước ta còn thua kém nhiều quốc gia khác nên KHXH&NV Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình hội nhập với thế giới bên ngoài...

Thực tiễn ấy đã dẫn đến một số xu hướng phát triển mới như: nhu cầu liên ngành trong nghiên cứu KHXH&NV, sự đan xen và kết hợp chặt chẽ giữa KHXH&NV với các ngành khoa học khác; sự ra đời của nhiều ngành, chuyên ngành mới, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, đặc biệt là các khoa học về con người; các nghiên cứu KHXH&NV ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao về tính ứng dụng...

Trên cơ sở ấy, Nhà trường xác định những thách thức lớn phải đối mặt là gì?

Là đơn vị nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao về KHXH&NV, Nhà trường nhận diện ba thách thức căn bản sau: Thách thức về tầm nhìn và tư duy đổi mới trong lãnh đạo và quản lý bắt kịp với xu thế phát triển của thực tiễn xã hội; Thách thức về xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn nghiên cứu và đào tạo đạt trình độ quốc tế; Thách thức về cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị hiện đại cho đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các đại học lớn và có bề dày không thể năng động, nhạy bén và dễ thích nghi bằng các đại học trẻ hơn, đó có phải là một thực tế và là điều bất lợi?

Tôi nghĩ nói thế chưa hoàn toàn đúng vì cái gì cũng có hai mặt của nó. Một đại học trẻ năng động nhưng nếu không có nội lực, mà ở đây là đội ngũ giảng viên có trình độ cao, là bề dày thành tựu nghiên cứu và đào tạo thì khó có thể tồn tại và phát triển bền vững. Một đại học được tạm hiểu nôm na là “già” hơn mà có bề dày nội lực thì chỉ cần có định hướng đúng và giải pháp tốt thì sẽ đủ sức mạnh để thích nghi và tiến nhanh. Vấn đề là cần tư duy đổi mới và có mục đích cụ thể trong từng giai đoạn phát triển, trên cơ sở hiểu rõ những lợi thế và cả những điểm hạn chế của mình.

Giáo sư có thể cho biết những thành tựu nổi bật mà Trường ÐHKHXH&NV đạt được thời gian qua?

Là thành viên của ÐHQGHN từ năm 1993, Trường ÐHKHXH&NV đã tiếp tục khẳng định vị trí đi đầu, trụ cột trong nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV của cả nước. Nhà trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” vào năm 2005 vì những đóng góp xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.

Về đào tạo, Nhà trường đã năng động trong việc mở rộng các ngành nghề đào tạo mới phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, giúp tăng khả năng cạnh tranh với các đại học khác như: Báo chí và Truyền thông, Ðông phương học, Quốc tế học, Tâm lý học, Công tác Xã hội, Khoa học Quản lý, Nhân học, Sở hữu trí tuệ... Ðây không chỉ là các ngành học mới xuất hiện ở Việt Nam, mà chất lượng đào tạo cũng được đánh giá tốt, có nhiều ngành rất được người học ưa chuộng và điểm tuyển sinh luôn ở mức cao. Nhà trường cũng mở nhiều chương trình chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, trong đó chú trọng mở rộng đào tạo liên hết quốc tế với các đại học tiên tiến trên thế giới, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đồng thời chuyển giao công nghệ và quy trình giảng dạy từ các đại học tiên tiến, góp phần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn quốc tế.

Hướng tới mục tiêu đào tạo chất lượng cao, Trường ÐHKHXH&NV là đợn vị đầu tiên trong ÐHQGHN về cơ bản đã chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ, cập nhật và đổi mới giáo trình và phương pháp dạy-học. Nhà trường cũng đi tiên phong trong kiểm định chất lượng đào tạo, đã tham gia tự đánh giá và đánh giá ngoài theo chuẩn của ÐHQGHN và Bộ Giáo dục và Ðào tạo; sẽ tham gia kiểm định theo chuẩn AUN (Hiệp hội các trường đại học Ðông Nam Á) vào năm 2012.

Về nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường liên tục cung cấp các luận cứ khoa học giải quyết nhiều bài toán của phát triển xã hội, thể hiện qua nhiều công trình, dự án nghiên cứu liên ngành qui mô lớn, có giá trị thực tiễn cao; tiên phong trong việc khai phá các lĩnh vực nghiên cứu mới.

Trong quan hệ quốc tế, Nhà trường là điểm đến uy tín của các học giả và đối tác nước ngoài, mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 100 trường đại học và các tổ chức quốc tế, là đại diện tiêu biểu của KHXH&NV Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Phát huy mọi nguồn lực để hội nhập với thế giới

Ðược biết vào tháng 6 vừa qua, Ðại hội Ðảng bộ lần thứ XXVI của Trường ÐHKHXH&NV đã thông qua mục tiêu phấn đấu đưa Trường lọt vào top 200 đại học hàng đầu của châu Á trong thập niên tới. Những cơ sở nào đảm bảo thành công cho mục tiêu trên thưa Giáo sư?

Ðây là một mục tiêu rất cao và để thực hiện được cần định tính và định lượng cụ thể từng yếu tố. Tuy nhiên Nhà trường đã nhìn thấy những tiền đề cơ bản đề hiện thực hóa mục tiêu trên, đó là: Thứ nhất, truyền thống và bề dày thành tựu nghiên cứu KHXH&NV đã được tích lũy qua hơn nửa thế kỷ; Thứ hai, sự năng động, sáng tạo và vị thế của Nhà trường đã được xác lập và khẳng định trong thời gian vừa qua, nhất là việc triển khai thành công nhiều hoạt động hợp tác, nhiều chương trình liên kết quốc tế với các đại học lớn trên thế giới, sự tham gia của Nhà trường và của ÐHQGHN vào nhiều diễn đàn khoa học giáo dục quốc tế trong khu vực và trên thế giới; Thứ ba, quyết tâm mạnh mẽ của Nhà trường nhằm phát huy mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu quan trọng trên.

Giáo sư có kiến nghị hoặc đề xuất gì đối với ÐHQGHN nói riêng và Nhà nước nói chung để nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo các ngành KHXH&NV hiện nay?

Tôi xin có mấy đề xuất như sau:

Một là Nhà nước cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi về ÐHQG nhằm tiếp tục khẳng định mô hình và tính ưu việt của mô hình ÐHQG, về căn bản khác với đại học vùng trong cơ cấu tổ chức và phương thức vận hành, hoạt động; qua đó nâng cao vị trí, vai trò nòng cột của ÐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học cả nước.

Hai là cần có cơ chế, chính sách đầu tư đặc biệt để Trường ÐHKHXH&NV có thể thực hiện tốt sứ mệnh đầu đàn của mình; có chính sách đặc biệt trong thu hút, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, trên cơ sở được giao quyền tự chủ cao trong tuyển sinh, thu, chi tài chính, kể cả mức thu học phí.

Ba là Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần nhanh chóng công nhận và cấp mã ngành đào tạo cho một số ngành đào tạo bậc cử nhân và chuyên ngành sau đại học đã được cho phép đào tạo thí điểm, và được kiểm tra chất lượng tốt như Du lịch học...

Bốn là cho phép Nhà trường đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất tại nội thành Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của trường trong khi chờ xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 Thanh Hà (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC