06:05:22 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Đào tạo lĩnh vực y dược ở ĐHQGHN
Năm 2012, ĐHQGHN chuẩn bị tổ chức tuyển sinh đào tạo hai ngành: Bác sĩ đa khoa và Dược học. Đây là niềm vui mới, ghi dấu ấn đầu tiên của Khoa Y – Dược và là bước phát triển mới của ĐHQGHN. Nhân dịp này, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN:
Thưa Phó Giám đốc, việc bắt đầu tổ chức tuyển sinh các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Y – Dược ở ĐHQGHN hẳn mang lại rất nhiều cảm xúc?
Năm 2010, Giám đốc ĐHQGHN đã ra quyết định thành lập Khoa Y – Dược để tổ chức đào tạo đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, cung cấp các dịch vụ và kỹ thuật chất lượng cao trong các lĩnh vực của y học và dược học trên cơ sở khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn.
Sau gần hai năm chuẩn bị, năm 2012, Khoa Y – Dược đã xây dựng xong chương trình đào tạo, xây dựng được các điều kiện cơ bản đảm bảo chất lượng và đang chuẩn bị tuyển sinh đào tạo hai ngành Bác sĩ đa khoa và Dược học. Đây là tín hiệu vui của ĐHQGHN trong năm mới, bắt nhịp với xu hướng chung của các đại học tiên tiến trên thế giới về phát triển lĩnh vực y dược.
Việc tổ chức tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực Y - Dược trong ĐHQGHN cũng là sự tiếp nối thú vị truyền thống của Đại học Đông Dương – tiền thân của ĐHQGHN. Năm 1906, khi mới thành lập, ĐH Đông Dương cũng đã được tổ chức với 5 trường thành viên, trong đó có Trường Y khoa (Ecole supérieure de Médecine), từng đặt tại phố Lê Thánh Tông – cơ sở của ĐHQGHN bây giờ và đằng sau trường là bệnh viện thực hành nay phát triển thành Bệnh viện 108.
>> Giám đốc ĐHQGHN trao Quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa Y-Dược
Sau hơn 100 năm, chúng ta đã tổ chức lại được cơ cấu khá hiện đại, hoàn chỉnh và hữu cơ của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Điều khác biệt là hiện nay một số lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ cao của ĐHQGHN đã phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế. Lĩnh vực Y – Dược của ĐHQGHN không chỉ được phát triển dựa trên nền tảng vững chắc của khoa học cơ bản và công nghệ cao đó mà còn là đối tượng nghiên cứu, phát triển của khoa học cơ bản và công nghệ cao. Mối liên hệ như vậy rất phù hợp với cơ chế liên thông, liên kết, phát huy các nguồn lực dùng chung của ĐHQGHN.
Các nét độc đáo trong tổ chức đào tạo của lĩnh vực Y – Dược là gì, thưa Phó Giám đốc?
Trước hết phải khẳng định rằng đào tạo Y – Dược ở ĐHQGHN nằm trong hệ thống và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia của Việt Nam. Trên cơ sở như vậy, ĐHQGHN phát triển thêm triết lý đào tạo của mình hướng tới mục tiêu đào tạo bác sĩ – nhà khoa học và dược sĩ - nhà khoa học có đủ y đức, kiến thức về khoa học cơ bản và khoa học y dược vững chắc, có kiến thức và kĩ năng cơ bản về lâm sàng và cộng đồng; có tầm nhìn, năng lực sáng tạo và khả năng hội nhập, có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu y dược học hiện đại trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chương trình Dược sĩ học của Khoa Y – Dược đã được tiếp cận theo chương trình của ĐH Califonia (San Francisco). Chương trình đào tạo Bác sĩ đa khoa được xây dựng trên cơ sở tiếp cận chương trình đào tạo bác sĩ của Khoa Y của ĐH Havard. Đây là hai trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực Y dược. Ngoài vị trí xếp hạng cao, đào tạo và nghiên cứu Y dược ở 2 trường này có sự kết hợp rất tốt cả nghiên cứu lâm sàng và khoa học cơ bản. Các chương trình đào tạo này giúp cho sinh viên tiếp cận với khoa học, kỹ thuật về y dược, hiện đại và phát triển khả năng sáng tạo.
Hai chương trình đào tạo đầu tiên của Khoa Y – Dược triển khai trong năm 2012 mặc dù là các chương trình đào tạo chuẩn, nhưng Khoa mạnh dạn áp dụng một số quy trình của các mô hình đào tạo chất lượng cao và đào tạo đạt chuẩn quốc tế của ĐHQGHN để hướng tới các sản phẩm đạt chuẩn quốc gia về y tế đồng thời đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Trong khi yêu cầu ngoại ngữ chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đại học chuẩn của ĐHQGHN là trình độ B1 (tương đương với 4.0 IELTS) thì đối với 2 chương trình của Khoa Y – Dược sinh viên sẽ được hỗ trợ để đạt trình độ B2 (tương đương với 5.0 IELTS).
Trong quy trình tổ chức đào tạo, sinh viên sẽ được thực hành trong hệ thống các bệnh viện ở Thủ đô và tuyến huyện ngay từ những năm học đầu tiên. Ngoài ra, trên cơ sở khai thác thế mạnh hợp tác quốc tế, Khoa Y - Dược sẽ mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy và một số môn học học bằng tiếng Anh sẽ được thực hiện trong các năm cuối. Khoa có kế hoạch phấn đấu để đạt số lượng sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp và bảo vệ được bằng tiếng Anh sẽ trên 70%.
ĐHQGHN đặt mục tiêu rất cao trong việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Khoa Y – Dược. Vậy tính khả thi của mô hình này, thưa Phó Giám đốc?
Trên cơ sở phát huy các nguồn lực về đội ngũ và cơ sở vật chất dùng chung, việc tổ chức đào tạo của Khoa Y – Dược có điểm xuất phát khá cao nhờ thực hiện theo mô hình đào tạo a+b, cụ thể là mô hình 2+4 đối với đào tạo bác sĩ và 2+3 đối với đào tạo dược sĩ. Trong đó 2 năm đầu sinh viên y dược được học tập tại các trường ĐHKHTN, Trường ĐHNN và một số đơn vị đào tạo khác của ĐHQGHN để được trang bị các kiến thức khoa học cơ bản và cơ sở tốt. Cùng với đó, sinh viên y dược có thể được nhúng trong môi trường nghiên cứu khoa học và ngoại ngữ chuyên nghiệp để phát triển tầm nhìn, khả năng sáng tạo và hội nhập.
Về chuyên môn Y dược, trong thời gian qua, với thế mạnh về khoa học cơ bản, ĐHQGHN đã thực hiện nhiều đề tài khoa học có liên quan đến y học, dược học có giá trị về công nghệ sinh học phân tử, tế bào gốc, công nghệ nano sinh học. Các chương trình đào tạo liên quan đến y - dược, y - sinh đã được bắt đầu. Trường ĐH Công nghệ đã bắt đầu đào tạo chuyên ngành công nghệ - y sinh trong ngành Điện tử - Viễn thông (nhiệm vụ chiến lược), chuyên ngành công nghệ nano sinh học trong ngành vật lý kỹ thuật; Trường ĐHKHTN đang xây dựng đề án mở ngành hoá - dược và y - sinh… Đây là những khởi động đúng hướng để góp phần chuẩn bị đội ngũ, định hướng nghiên cứu phù hợp với mục tiêu phát triển lĩnh vực khoa học sức khỏe của ĐHQGHN.
Khoa Quốc tế của ĐHQGHN cũng đã liên kết với các đại học của Pháp để đào tạo bác sĩ nha khoa, liên kết với các đại học Trung quốc để đào tạo cử nhân Trung y – dược… Những bước đi ban đầu của Khoa quốc tế đã góp phần bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng để Khoa Y - Dược triển khai 2 chương trình đào tạo mới. Ngoài nguồn tài liệu của Trường ĐH Nantes cung cấp, Khoa Y - Dược có thể sử dụng các phòng thí nghiệm của Khoa Quốc tế. Đội ngũ cán bộ giảng dạy bác sĩ nha khoa cũng là nguồn giảng viên bổ sung cho Khoa Y - Dược.
Trong y học không chỉ bao gồm chữa trị lâm sàng mà còn cả cận lâm sàng như các bệnh liên quan đến tâm thần, tâm lý trị liệu, y học dự phòng,… Khoa Tâm lý học, ngành Nhân học hay Bộ môn Triết học Phương Đông của Trường ĐHKHXH&NV đều có những ứng dụng thiết thực cho việc phát triển một số chuyên ngành y khoa phù hợp.
Trong thời gian vừa qua, Khoa Y - Dược cũng đã tích cực chuẩn bị đội ngũ cán bộ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ của Khoa tuy chưa đông nhưng 100% giảng viên đều đạt trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó có một số giáo sư, phó giáo sư. Cùng với đó, Khoa Y – Dược đã thiết lập được quan hệ hợp tác rộng rãi với các trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều bệnh viện. Khoa Y – Dược cũng có lộ trình tuyển dụng cán bộ trẻ để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng tại các trường đại học đối tác có uy tín theo quy trình đào tạo và chuyển giao công nghệ của các chương trình tiên tiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chương trình đào tạo thuộc Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN, đảm bảo các môn học đều có đủ giảng viên và được tổ chức đào tạo theo phương thức dạy - học tiên tiến của các đại học đối tác.
Đặc biệt, Khoa đã được phê duyệt và đang triển khai Dự án đầu tư chiều sâu “Xây dựng và phát triển mô hình mới về đào tạo và nghiên cứu Y – Dược hiện đại, đạt chuẩn quốc tế”, trong đó có việc xây dựng Phòng thí nghiệm trung tâm y học và kỹ năng tiền lâm sàng, Phòng thí nghiệm trung tâm dược học và Vườn dược liệu thực hành,... theo đúng chuẩn quốc tế để phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu.
Ngoài ra, ĐHQGHN đang có kế hoạch thành lập một tổ hợp đào tạo và nghiên cứu y dược trong đó có Bệnh viện đa khoa để kết hợp việc khám chữa bệnh, nghiên cứu và đào tạo thực hành.
- ĐHQGHN rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển tài nguyên số. Chủ trương này có được tiếp tục áp dụng vào việc phát triển Khoa Y – Dược, thưa Phó Giám đốc?
Đồng thời với việc phát triển định hướng nghiên cứu, ĐHQGHN đang tích cực xây dựng theo định hướng đại học số hóa, trong đó công nghệ thông tin được ứng dụng sâu rộng trong phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý. Tài nguyên số sẽ được phát triển đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, sinh viên và cộng đồng trong thời kỳ thế giới phẳng.
Hiện nay, các Khoa Y - Dược và Bệnh viện của các trường ĐH tiên tiến đã thực hiện rộng rãi mô hình bệnh viện với bệnh án số, cơ sở dữ liệu tích hợp các thông tin về sức khỏe với việc chẩn đoán và điều trị. ĐHQGHN đang có chủ trương hợp tác với các đối tác quốc tế triển khai xây dựng các phần mềm quản lý bệnh viện theo hướng đó. Có thể tin tưởng rằng Khoa Y – Dược và Bệnh viện đa khoa ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên được áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin này ở Việt Nam.
Xin cảm ơn Phó Giám đốc!
 Đỗ Ngọc Diệp (thực hiện) - Bản tin số 250 - Tháng 01/2012
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC