11:41:26 Ngày 20/04/2024 GMT+7
VNU-VSL: Kết nối cộng đồng khoa học - Lan tỏa văn hóa nghiên cứu - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Trong năm qua, với nhiều hoạt động thiết thực, Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (VNU-VSL) đã thúc đẩy, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học trong các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn của ĐHQGHN, trong đó có chiến lược phát triển ĐHQGHN. VNU-VSL đã phát huy hiệu quả vai trò tiên phong trong việc kết nối cộng đồng nhà khoa học, lan toả văn hoá nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại ĐHQGHN.

Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Trưởng ban điều hành VNU-VSL, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật về những hoạt động của CLB trong năm qua cũng như định hướng phát triển trong năm 2022.

GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQGHN và PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, Trưởng ban Điều hành VNU-VSL tại hoạt động khoa học thường kỳ

Một năm đã qua, VNU-VSL đã kiến tạo văn hoá nghiên cứu và kết nối cộng đồng nhà khoa học thông qua nhiều hoạt động thiết thực, xin PGS cho biết cụ thể?

Có thể nói, năm 2021 là năm VNU-VSL thích ứng một cách tối ưu nhất với Covid 19 và một năm của hoạt động đổi mới sáng tạo kết nối các nhà khoa học. Hầu hết các hoạt động của VNU-VSL được triển khai dưới hình thức trực tuyến hoặc hybrid, kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp với sự hỗ trợ kĩ thuật của nền tảng cầu truyền hình trực tiếp của Viện pháp ngữ quốc tế IFI.

Trước tiên, chuỗi VSL - TALK đã tạo thành một diễn đàn chia sẻ học thuật giữa các nhà khoa học, chuyên gia của ĐHQGHN với các nhà khoa học quốc tế, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách ở Việt nam. Có thể kể đến chuỗi “Triết học trong khoa học tự nhiên” với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Furuta Motoo - Hiệu trưởng trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN, TS. Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ; chuỗi “Đổi mới sáng tạo Đại học” với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQGHN, TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, GS.TSKH. Trung tướng Phạm Thế Long, TS. Nguyễn Thành Nam (Funix)… Thông qua chuỗi VSL-TALK, các nhà khoa học có cơ hội được chia sẻ, học hỏi và trao đổi hoàn toàn mang tinh thần “vị khoa học”, để mong muốn đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học công nghệ Việt nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng.

Bên cạnh đó, chuỗi Trại sáng tác “VSL- Writing Camp” lần đầu tiên được tổ chức tại khu campus của ĐHQGHN tại Hòa Lạc theo đúng mô hình quốc tế vào tháng 10/2021 đã tạo ra một không gian sáng tác cho các nhà khoa học. Các nhà khoa học tham gia Trại sáng tác đã trải nghiệm 3 ngày vừa giao lưu, kết nối, vừa chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia quốc gia và quốc tế, vừa thực hành viết Đề xuất - Proposal cho Hội đồng Anh. Một trong hai đề xuất đã được phê duyệt vào tháng 12/2021 và triển khai ngay vào tháng 1/2022. Trong thời gian tới, với sự ủng hộ của lãnh đạo ĐHQGHN và tài trợ của Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, VNU-VSL sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN nhằm lan tỏa mô hình VSL-Writing Camp để thúc đẩy năng lực sáng tác và công bố quốc tế của các nhà khoa học trẻ.

Các hội thảo quốc gia và quốc tế do VNU-VSL chủ trì và phối hợp, hỗ trợ truyền thông trong năm vừa qua cũng hết sức ấn tượng. Có thể kể đến như Hội thảo quốc tế “Công nghệ AI trong Giáo dục và Y học” phối hợp với Viện Quốc tế pháp ngữ, “Các vấn đề đương đại trong phát triển bền vững” phối hợp giữa Trường ĐH Việt Nhật và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, “Thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành – tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục ĐH” phối hợp với Đoàn thanh niên ĐHQGHN, hướng tới Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu; Tham gia điều phối “Mạng lưới nghiên cứu và chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Cục phát triển khởi nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức… Có thể nói, VNU-VSL vừa đóng vai trò là đơn vị kết nối, đồng tổ chức, vừa là kênh kết nối các chuyên gia, nhà khoa học tham gia các hội thảo quốc gia và quốc tế, góp phần khẳng định thương hiệu nghiên cứu của ĐHQGHN trên trường quốc gia và quốc tế.

Năm 2021 cũng là năm thành công với các hoạt động đào tạo, tập huấn do VNU-VSL chủ trì và phối hợp tổ chức. Dưới sự chủ trì của Ban Tổ chức Cán bộ, VNU- VSL đã phối hợp với EdLab – một tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu theo hướng coaching – “cầm tay chỉ việc” để đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học, gần 200 cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh có thể chủ trì viết bài hay đứng tên đồng tác giả trên các tạp chí xếp hạng Scopus. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ kết nối của Ban Hợp tác và phát triển và sự chủ trì của Ban Tổ chức Cán bộ, VNU-VSL đã nhận được tài trợ của Hội đồng Anh cho 60 nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN tham gia khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu - Research Connect để nâng cao năng lực nghiên cứu, đồng thời tăng cường khả năng kết nối với nhà khoa học tham gia dự án đào tạo đến từ các trường ĐH ở Thái Lan và Bangladesh.

Bên cạnh đó, Ban điều hành VNU-VSL còn tích cực tham gia vào các đề án chuyên môn, đề tài nghiên cứu lớn của ĐHQGHN như: tham gia xây dựng “Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2035”; khung “Chiến lược KHCN phát triển các tỉnh ven biển Việt Nam”; đề án “Thúc đẩy khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Kết nối doanh nghiệp”; đề án “Nâng cao năng lực công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn”; đề án “Thu hút học bổng nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ”. Có thể nói, việc tham gia vào các đề án quan trọng của các thành viên Ban điều hành thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo ĐHQGHN với VNU-VSL; đồng thời, cũng tạo cơ hội để các nhà khoa học của ĐHQGHN được trực tiếp tham gia và quá trình xây dựng, hoạch định chính sách điều tiết hoạt động khoa học công nghệ, thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, xuyên ngành.

Đâu là điều ấn tượng nhất đối với PGS trong hoạt động của VNU-VSL năm vừa qua?

Có lẽ điều ấn tượng nhất đối với cá nhân tôi là sự hoạt động rất tâm huyết, đều tay của các thành viên Ban điều hành, góp phần quan trọng vào những kết quả đạt được của VNU-VSL trong năm vừa qua. Có lẽ tôi may mắn hơn Trưởng ban nhiệm kì trước (cười) là có đến 2 Phó Ban điều hành, 1 Chánh văn phòng và 1 Phó chánh văn phòng full- time. Tất cả 17 thành viên Ban điều hành đều đa dạng về chuyên môn, kinh nghiệm, độ tuổi, đơn vị, giới tính, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc ĐHQGHN. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến lãnh đạo ĐHQGHN, các Ban chức năng đã hỗ trợ, ủng hộ VNU-VSL trong năm qua và đặc biệt là các thành viên Ban điều hành đã tận tâm cống hiến, đóng góp, không ngừng đổi mới sáng tạo để có thể có được một năm với những kết quả rất đáng tư hào hôm nay.

VSL-TALK là một “đặc sản” và đã cho thấy đây là một hoạt động học thuật được cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN đón nhận và đánh giá cao. Trong thời gian tới, VNU-VSL sẽ có thêm những “đặc sản” nào khác, thưa PGS?

Năm 2021, Trại sáng tác quốc tế VSL - Writing Camp lần thứ nhất đã được triển khai thành công trong tháng 10/2021. Từ khi có ý tưởng của GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch VNU-VSL, các thành viên Ban điều hành đã lên kế hoạch, gắn kết với cơ hội tài trợ của Hội đồng Anh, rồi lựa chọn địa điểm tổ chức… chỉ mất chưa đến 3 tuần.

Sản phẩm thành công đầu tay của VSL-Writing Camp 1 chính là đề xuất cho Dự án” Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới chuyển đổi số và toàn cầu hóa”, được Hội đồng Anh tài trợ, trị giá 50,000 GBP đã tạo động lực, tăng thêm niềm tin về một mô hình trại sáng tác quốc tế hoàn toàn có thể triển khai tại ĐHQGHN. Ban điều hành đã có kế hoạch tổ chức định kì Trại sáng tác cho năm 2022, với mục tiêu hình thành, kết nối các nhóm nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu không chỉ trong ĐHQGHN mà còn với các đối tác ngoài ĐHQGHN, là cách thức để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế một cách bền vững.

Nhà khoa học trẻ là những đối tượng mà VNU-VSL đặc biệt quan tâm. Vậy câu lạc bộ đã có hỗ trợ các nhà khoa học trẻ để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học đỉnh cao, đặc biệt là thúc đẩy văn hoá công bố quốc tế, thưa PGS?

Ở VNU-VSL, không có khái niệm nhà khoa học “trẻ” vì mọi nhà khoa học đều trẻ (cười). Chúng tôi mong muốn VNU-VSL chính là diễn đàn không có sự phân biệt về độ tuổi, giới tính hay chức vụ, mà tất cả đều bình đẳng trước các cơ hội nghiên cứu, tham gia vào các đề tài, dự án nghiên cứu. Là một đơn vị kết nối, mọi thông tin khoa học đều được công bố, chia sẻ công khai trên các kênh website, email, fanpage của VNU-VSL và ĐHQGHN.

Tuy nhiên, có một số dự án, chương trình nghiên cứu hay đào tạo, theo yêu cầu của nhà tài trợ, sẽ có giới hạn về độ tuổi hoặc yêu cầu về kinh nghiệm nghiên cứu, VNU-VSL sẽ lựa chọn các đối tượng tham gia phù hợp nhất với mục đích của nhà tài trợ, một cách công khai, minh bạch.

ĐHQGHN triển khai đề án Ươm tạo các nhà khoa học trẻ, vậy VNU-VSL sẽ cùng “cộng hưởng” như thế nào, thưa PGS?

Có thể nói, đề án “Ươm tạo các nhà khoa học trẻ” là chính sách vô cùng táo bạo của ĐHQGHN nhưng hoàn toàn có tính khả thi với nền tảng là tiềm lực khoa học công nghệ mà ĐHQGHN đã ươm tạo từ hơn 20 năm nay.

Với vai trò là đơn vị kết nối các nhà khoa học, VNU-VSL sẽ chú trọng vào việc tổ chức hoạt động khoa học một cách đa dạng và sáng tạo, thậm chí tiên phong như chương trình “Junior Scientist” cho các nhà khoa học nhí, chương trình “Kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp”, chương trình “Kết nối nhà khoa học với cộng đồng quốc tế”… Khi đó, các hoạt động của VNU-VSL sẽ “cộng hưởng” với các chính sách cụ thể của Đề án, gắn với sản phẩm thật, con người thật để tạo nên một cộng đồng khoa học trẻ tại ĐHQGHN.

Bên cạnh thúc đẩy “văn hoá công bố quốc tế”, VNU-VSL có những hoạt động gì để thúc đẩy hoạt động chuyển giao tri thức, phát huy giá trị trách nhiệm xã hội trong nghiên cứu khoa học?

VNU-VSL được giao vai trò chủ trì về chuyên môn trong đề án “Nâng cao năng lực công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn”. Đây sẽ là một chuỗi các hoạt động liên quan đến đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực công bố quốc tế. Tuy nhiên, uy tín và trình độ khoa học của một cơ sở giáo dục đại học không chỉ là công bố quốc tế mà còn là chuyển giao tri thức, đóng góp vào sự lan tỏa giá trị tri thức, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện trách nhiệm quốc gia của ĐHQGHN.

Trong thời gian tới, VNU-VSL sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối chuyển giao tri thức, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc kết nối các hoạt động chuyên môn với Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp, Kênh Kết nối doanh nghiệp và các đơn vị: Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ Phát triển ĐHQGHN để đóng góp vào sứ mệnh chung của ĐHQGHN.

Bước sang năm mới 2022, những điểm nhấn và đường hướng phát triển trong hoạt động của VNU- VSL là gì, thưa PGS?

Có thể nói, năm mới 2022 sẽ là một năm đầy cơ hội cũng như thử thách với VNU-VSL. Cơ hội mới khi các nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN đã được đặt lên bệ phóng: Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc có sự chuyển mình mạnh mẽ; Dự án Đại học số, Dự án WorldBank, các kênh hỗ trợ và kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp… Khi đó, VNU-VSL mong muốn được đồng hành cùng các nhà khoa học, là “cầu nối không biên giới” giữa lãnh đạo cao nhất của ĐHQGHN với các nhà khoa học, để thúc đẩy, hỗ trợ, tạo dựng một môi trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của ĐHQGHN. Chuỗi VSL - Writing Camp sẽ là đặc sản nổi bật trong các hoạt động với sản phẩm cụ thể, chuỗi VSL - Honor Talk mời các nhà khoa học tầm cỡ xếp hạng thế giới đến nói chuyện, chuỗi VSL - Startup mời các doanh nhân khởi nghiệp thành công đến chia sẻ… Đặc biệt, các hoạt động chuyên môn, chủ trì các dự án quốc tế, các chương trình NCKH trọng điểm sẽ là điểm nhấn của VNU-VSL trong những năm tới, trên cơ sở huy động các nguồn lực ngoài ĐHQGHN.

Chắc chắn sẽ có những thử thách mới, khó khăn mới, nhưng Ban điều hành tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc ĐHQGHN, sự ủng hộ của các Ban chức năng và đơn vị thành viên, nhiệt huyết và tham gia tích cực của các nhà khoa học, VNU-VSL sẽ đủ tự tin để vượt qua các thách thức mới! (Cười)

Nhân dịp Xuân mới sắp tới, cho phép tôi được thay mặt Ban điều hành VNU-VSL xin kính chúc các Thầy Cô, các nhà khoa học một năm mới mạnh khỏe, bình an, và luôn tìm được hạnh phúc trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học!

Trân trọng cảm ơn PGS!

 Bảo Anh - Bản tin ĐHQGHN số 361
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC