00:46:52 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Xây dựng đội ngủ giảng viên, cán bộ quản lí đạt chuẩn quốc tế
Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lí ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế vừa là mục tiêu, vừa là động lực và được coi là một trong các yếu tố quan trọng nhất để xây dựng và phát triển các khoa, trường đại học, viện nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Căn cứ ở chức năng, nhiệm vụ và bề dày truyền thống, ĐHQGHN có những quy định về tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ quản lí đạt chuẩn quốc tế. Về vấn đề này, bản tin đhqghn đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lê Kim Long, Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ, ĐHQGHN
Vừa qua, ĐHQGHN đã quy định tiêu chuẩn giảng viên và cán bộ quản lí thuộc Nhiệm vụ chiến lược (NVCL), xin Phó Giáo sư cho biết tiêu chuẩn đó được xây dựng trên cơ sở nào?
Trong Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài quy định về phẩm chất, sức khỏe và lí lịch, giảng viên đại học phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có bằng thạc sĩ trở lên đối với giảng viên giảng dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo đại học; có bằng tiến sĩ đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc. Tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ quản lí theo yêu cầu NVCL của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn của Nhà nước. Với kì vọng giảng viên, cán bộ quản lí NVCL phải tương đương với giảng viên, cán bộ quản lí ở các đại học tiên tiến trên thế giới, ĐHQGHN yêu cầu cao đối với giảng viên giảng dạy chuyên môn, giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh, hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của NVCL.
Phó Giáo sư đánh giá thế nào về đội ngũ cán bộ thuộc Nhiệm vụ chiến lược hiện nay của ĐHQGHN?
Hiện nay, ở ĐHQGHN, đội ngũ giảng viên khá mạnh, họ vừa có chuyên môn sâu, phương pháp giảng dạy tốt, nhiều kinh nghiệm, nhất là những thầy cô đã có tuổi, tuy nhiên đội ngũ này lại không giỏi đủ 4 kỹ năng ngoại ngữ sẽ gặp khó khăn khi phải giảng bài bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, ở ĐHQGHN hiện nay có một đội ngũ hùng hậu các giảng viên trẻ được đào tạo bậc tiến sĩ ở nước ngoài hoặc ở ngay trong ĐHQGHN, họ có trình độ chuyên môn sâu, giỏi ngoại ngữ, nhưng chưa “điêu luyện” trong giảng dạy – có nghĩa là còn ít kinh nghiệm giảng dạy, hay phương pháp giảng dạy chưa được khẳng định. Các giảng viên trẻ phải phấn đấu ở nhiều mặt mới đáp ứng yêu cầu của NVCL.
Ở các đại học tiên tiến, tỉ lệ sinh viên trên giảng viên thường thấp (khoảng 10SV/GV), giảng viên có nhiều thời gian và điều kiện để hướng dẫn nghiên cứu khoa học được hiệu quả hơn. Hiện tại, ở ĐHQGHN tỉ lệ SV/GV là khoảng 16SV/GV. ĐHQGHN đã và đang phấn đấu giảm tỉ lệ này tiệm cận đến tiêu chí của các trường tiên tiến dần dần nhỏ đi. Như vậy số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu i của NVCL.
Với tiêu chuẩn cao như vậy thì ĐHQGHN sẽ lấy nguồn cán bộ, giảng viên đó từ đâu?
Việc đầu tiên là ĐHQGHN phải rà soát lại toàn bộ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí của ĐHQGHN. Sau đó, ĐHQGHN cùng với các đơn vị có kế hoạch, đầu tư, bồi dưỡng cho đạt chuẩn. Thí dụ có thể gửi các thầy cô có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cận kề, gần đạt chuẩn quốc tế sang nước ngoài khoảng 3 - 4 tháng để nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Mong muốn cao nhất là gửi giảng viên sang các trường là đối tác của các đơn vị có đề án thành phần của NVCL để họ có điều kiện hòa mình vào công việc thực tế của đối tác cả về giảng dạy, nghiên cứu và quản lý sinh viên.
Thứ hai là phải giảm tỉ lệ sinh viên/giảng viên tiến tới chuẩn của các trường đại học mạnh trên thế giới. Với tỉ lệ sinh viên/giảng viên thấp, giảng viên sẽ có điều kiện nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp hơn. Điều đó giải thích tại sao lâu nay chủ trương của lãnh đạo ĐHQGHN không tăng quy mô đào tạo - ổn định quy mô đào tạo đại học bậc chính quy, giảm quy mô đào tạo đại học bậc không chính quy và tăng quy mô đào tạo bậc sau đại học.
Thứ ba, ĐHQGHN có chính sách tốt để thu hút giảng viên từ bên ngoài, tuyển chọn và tạo điều kiện cho những người tốt nghiệp sau đại học ở trong và ngoài nước đạt loại giỏi.
Thứ tư là chúng ta có chính sách để giữ được những sinh viên giỏi, học viên cao học giỏi ở lại ĐHQGHN để đào tạo lên tiến sĩ, giữ được tiến sĩ giỏi để làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý. Bên cạnh đó, trong xu thế mở cửa hiện nay, có rất nhiều giảng viên quốc tế muốn đến Việt Nam nói chung và ĐQHGHN nói riêng để làm việc. Đối với những giảng viên nước ngoài, bước đầu chúng ta cần sử dụng hình thức kết hợp do sự bàn bạc thống nhất giữa hai bên: giảng viên Việt Nam giảng dạy, giảng viên nước ngoài ôn luyện, tổ chức thi cho sinh viên để đánh giá so sánh kết quả đào tạo với sinh viên nước ngoài hoặc ngược lại.
Vậy có những giải pháp gì để thu hút những giảng viên, lãnh đạo quản lí giỏi làm việc cho ĐHQGHN?
Đó là trả lương tương xứng và tạo điều kiện cơ hội làm việc tốt nhất. Nếu được như vậy thì thật là dễ. Tuy nhiên, hiện nay ở ĐHQGHN lương giảng viên trả theo quy định của Nhà nước. Để thu hút ta phải có những cách khác như tạo điều kiện cho giảng viên có nhiều cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học mức độ cao và tiên tiến. Như vậy thu nhập của giảng viên sẽ được cải thiện bằng chính hoạt động nghiên cứu khoa học của mình.
Xây dựng và phát triển được đội ngũ giảng viên giỏi và nghiên cứu chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý giỏi và tâm huyết là công việc có tính quyết định để từng bước xây dựng ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế. Việc này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức của ĐHQGHN đồng lòng, đồng thuận, tỉnh táo, không nóng vội, có kế hoạch và quyết tâm tự mình hoàn thiện, giúp nhau cùng hoàn thiện theo hướng chuẩn quốc tế.
XIn cảm ơn Phó Giáo sư!
Tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ quản lí đạt chuẩn quốc tế
1. Giảng viên cơ hữu (bao gồm viên chức ở ngạch giảng viên trở lên và giảng viên hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội) tham gia thực hiện NVCL phải đạt các tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Ngoài ra còn phải đáp ứng một số yêu cầu sau của ĐHQGHN:
a. Tiêu chuẩn chung
- Có hiểu biết cần thiết về quản trị đại học hiện đại;
- Có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về NVCL;
- Cam kết thực hiện nghiêm túc quy định này.
b. Tiêu chuẩn riêng cho từng đối tượng giảng viên
- Giảng viên dạy môn tiếng Anh tham gia đào tạo sinh viên năm thứ nhất chương trình đạt chuẩn quốc tế là các giảng viên ở trong và ngoài Trường ĐHNN, có trình độ cao, có phương pháp giảng dạy tiên tiến và được Trường ĐHNN thẩm định và mời giảng dạy.
- Giảng viên tham gia giảng dạy các môn giáo dục lí luận chính trị, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh cho sinh viên các chương trình đạt chuẩn quốc tế đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn như đối với giảng viên chương trình đào tạo hệ chuẩn;
- Giảng viên giảng dạy các môn chuyên môn, hướng dẫn sinh viên NCKH, thực hiện khóa luận tốt nghiệp, ngoài các quy định của Bộ GD&ĐT phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
+ Có học vị từ tiến sĩ trở lên; giảng dạy và trao đổi chuyên môn bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của chương trình đạt chuẩn quốc tế; có năng lực và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu tiên tiến;
+ Có năng lực và khả năng NCKH, sẵn sàng làm việc trong một tập thể hoặc nhóm nghiên cứu của đơn vị và của ĐHQGHN; có mối quan hệ và có khả năng hợp tác với các nhà khoa học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước; luôn phấn đấu nâng cao trình độ khoa học và công nghệ hiện đại; thường xuyên chủ trì tham gia đề tài NCKH; hoặc có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, sách chuyên khảo, bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; tích cực góp phần xây dựng nhóm nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ giỏi của ĐHQGHN.
+ Sẵn sàng thực hiện và tuân thủ các yêu cầu đào tạo theo tín chỉ do ĐHQGHN quy định.
2. Cán bộ quản lí tham gia thực hiện NVCL bao gồm lãnh đạo ĐHQGHN và các đơn vị; các thành viên Ban chỉ đạo NVCL và Ban điều hành NVCL; Văn phòng và tổ thư kí Ban chỉ đạo NVCL; một số cán bộ, chuyên viên của văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN, các phòng, bộ phận chức năng các đơn vị có đề án thành phần; điều phối viên, cán bộ quản lí trực tiếp tại các đề án thành phần; Giám đốc đề án thành phần; giảng viên kiêm nhiệm công tác quản lí (kể cả cán bộ đã tuyển dụng vào ngạch viên chức và cán bộ kí hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội) phải đạt các tiêu chuẩn và thực hiện các nghĩa vụ do Bộ GD&ĐT quy định. Ngoài ra còn phải đáp ứng một số yêu cầu sau của ĐHQGHN:
a. Có hiểu biết đầy đủ sâu sắc về NVCL;
b. Cam kết thực hiện nghiêm túc Quy định này;
c. Có tư duy, phương pháp và kĩ năng quản trị đại học tiên tiến, sử dụng tốt công nghệ thông tin và tiếng Anh (đạt chuẩn 5,5 IELTS hoặc tương đương) trong công tác, giao tiếp với đối tác nước ngoài; có năng lực tạo ra môi trường học thuật, làm việc thuận lợi cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới;
d. Đối với lãnh đạo đơn vị, cán bộ quản lí cấp khoa, bộ môn, cần đạt tiêu chuẩn lãnh đạo quản lí theo quy định của ĐHQGHN về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ; đối với Giám đốc đề án thành phần phải là chủ nhiệm khoa (đối với đề án thành phần thuộc trường đại học, khoa trực thuộc) hoặc là viện trưởng (đối với đề án thành phần thuộc viện nghiên cứu);
- Sử dụng tiếng Anh thành thạo trong quản lí điều hành
- Có cam kết đồng thuận, trách nhiệm cao và quyết tâm thực hiện đề án thành phần.
 Việt Hà (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC