22:44:58 Ngày 18/04/2024 GMT+7
GS. Ngô Bảo Châu “kể chuyện” Toán học
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 23/6/2011, tại trụ sở của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT), GS.TSKH Ngô Bảo Châu, người vừa được tặng Giải thưởng Fields đã có bài giảng đầu tiên để bắt đầu một chuỗi các hoạt động khoa học tại Viện này.
XÂY
DỰNG VIỆN VÀ CHƯƠNG TRÌNH TOÁN HỌC
Sau thành tựu toán học xuất sắc và vang dội thế giới của GS. Ngô Bảo Châu, được sự quan tâm của đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Viện NCCCT và phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Chương trình). Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&đT), GS.TS Phạm Vũ Luận, cũng đã kí Quyết định bổ nhiệm GS.TSKH Ngô Bảo Châu làm Giám đốc khoa học, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa làm Giám đốc điều hành của Viện, GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&đT, làm Trưởng Ban điều hành và GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư kí Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, làm Phó trưởng Ban điều hành Chương trình. Sau bài giảng đầu tiên, GS. Ngô Bảo Châu, GS. Lê Tuấn Hoa, GS. Ngô Việt Trung đã được GS. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, GS. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và GS. Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao đổi về công việc và những khó khăn cụ thể để Chính phủ và các Bộ, Ngành, trong đó có Bộ GD&đT, hỗ trợ Viện sớm đưa các hoạt động khoa học vào hoạt động. Nghe tin Việt Nam đã thành lập Viện NCCCT, một số nước, nhà khoa học, cả những nhà toán học đã từng nhận Giải thưởng Fields, đã chúc mừng và nhận lời sang thăm, giảng bài và hợp tác nghiên cứu toán học tại Viện. đáng lẽ một số nhà toán học nổi tiếng thế giới, trong đó có người đã được nhận Giải thưởng Fields như GS. Ngô Bảo Châu, sang giảng bài kỳ này và hợp tác nghiên cứu với Viện, nhưng vì Viện mới được thành lập, nên chưa kịp dự trù kinh phí.
Trước khi bắt đầu bài giảng của GS. Ngô Bảo Châu, GS. Lê Tuấn Hoa đã thông báo cho các thính giả biết việc bổ nhiệm hai đồng Giám đốc và chương trình khoa học kỳ này của Viện. Thay mặt Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HđCDGSNN), Tổng thư kí GS.TSKH Trần Văn Nhung, GS.TS Nguyễn Ngọc Thanh, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng và Chánh Văn phòng PGS.TS đỗ Tất Ngọc đã tặng hoa và chúc mừng Giám đốc khoa học GS. Ngô Bảo Châu và Giám đốc điều hành GS. Lê Tuấn Hoa. Xin nhắc lại rằng TSKH. Ngô Bảo Châu đã được phong GS của đH Paris 11 năm 2004 khi anh 32 tuổi và được HđCDGSNN phong đặc cách GS Việt Nam năm 2005 khi anh 33 tuổi. Khi đó, Chủ tịch HđCDGSNN, GS.TSKH Phạm Minh Hạc, GS.VS Nguyễn Văn đạo, GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến và Viện Toán học (Viện KH-CN VN) ủng hộ mạnh mẽ việc phong đặc cách giáo sư Việt Nam cho TSKH. Ngô Bảo Châu. Năm 2004, anh mới được trao Giải thưởng Clay cùng với thầy mình là GS. G. Laumon vì chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita, chứ chưa được trao Giải thưởng Fields. Cho đến nay anh vẫn là người giữ kỷ lục GS trẻ nhất khi được phong và hiện vẫn đang là GS trẻ nhất Việt Nam (39 tuổi, vào năm 2011).
GS. Ngô Bảo Châu sẽ làm việc ba tháng hè này tại Việt Nam. Trước khi đến làm việc và giảng bài tại Viện NCCCT trong Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, GS. Ngô Bảo Châu đã dâng hương, hoa trước tượng của GS. Tạ Quang Bửu (1910-1986) để tưởng nhớ đến Cố Hiệu trưởng Trường đHBKHN và Cố Bộ trưởng Bộ đH-THCN, người đã có công lao to lớn xây dựng và phát triển nền giáo dục đại học, khoa học, nói riêng là Toán học và đào tạo nhân tài cho đất nước, cùng với những nhà toán học lão thành xuất sắc khác, như GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Tụy, GS. Nguyễn Cảnh Toàn, GS. Phan đình Diệu, GS. Nguyễn Thúc Hào, … GS. Ngô Bảo. Châu nguyên là học sinh Khối chuyên Toán Ao khóa 12 của Trường đH Tổng hợp Hà Nội, nay là đại học Quốc gia Hà Nội, mà sự ra đời của hệ này do đề xuất của GS. Hoàng Tụy đã nhận được sự ủng hộ của các GS nói trên. Thật là có ý nghĩa khi nhớ lại: Năm 1974 (khi ấy GS. Châu mới 2 tuổi), GS. Tạ Quang Bửu đã mời một số nhà toán học giỏi người Pháp và người Việt Nam ở Pháp, như GS. B. Malgrange, GS. F. Phạm, GS. Lê Dũng Tráng và GS. A. Chenciner sang Việt Nam để tổ chức một chuỗi bài giảng về Lý thuyết các kỳ dị, cũng tại Trường đHBKHN. Là sinh viên Trường đH Tổng hợp Hà Nội mới ra trường, tôi cũng được đến nghe giảng. Khi đó lý thuyết này còn rất mới mẻ trên thế giới nhưng đã hứa hẹn nhiều ứng dụng quan trọng. Nhờ vậy mà đến nay Việt Nam đã hình thành được một nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực này.
Khác với năm 1974, lần này ta đã có hẳn một viện để tổ chức các bài giảng một cách bài bản, đó là Viện NCCCT, và giảng viên là GS. Ngô Bảo Châu và các giáo sư, các nhà toán học xuất sắc trong nước và ngoài nước, 100% là người Việt Nam. Tất nhiên nay mai sẽ có thêm những bài giảng của các nhà khoa học hàng đầu thế giới và sự tham gia của các thính giả quốc tế. Chỉ qua ví dụ so sánh đơn giản này, chúng ta đã có thể thấy một bước tiến đáng trân trọng của nền Toán học nước nhà. Càng tự hào bao nhiêu chúng ta càng nhớ đến công lao to lớn của các bậc thầy đi trước bấy nhiêu, những nhà toán học đã có tầm nhìn chiến lược tạo nên đội ngũ hôm nay những người Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng toán học ở trong và ngoài nước. đồng thời chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ sự giúp đỡ và hợp tác của bạn bè, đồng nghiệp quốc tế, phải “fairplay”, và hậu thế phải tiếp bước các bậc tiền bối để phát triển Toán học Việt Nam lên một tầm cao mới.
Theo tôi được biết thì từ năm 1967 đến nay đã có một số nhà toán học hàng đầu thế giới sau khi nhận Giải thưởng Fields, như GS. A. Grothendieck (Pháp), GS. L. Schwartz (Pháp), GS. A. Hironaka (Nhật Bản), và một số nhà khoa học xuất sắc khác, sau khi nhận Giải Nobel, như GS. J. E. Stiglitz (Hoa Kỳ, về kinh tế), GS. R. J. Aumann (Israel-Hoa Kỳ-đức, về kinh tế), …, đã từng sang thăm và giảng bài tại Việt Nam. Ba nhà toán học nói trên đã đến thăm cả khu sơ tán trên Việt Bắc, ngay trong thời gian máy bay Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc năm 1967 và đến thăm cả những tỉnh sát biên giới phía Bắc sau chiến tranh biên giới năm 1979. Năm 1967, khi đang học lớp 10 (trên 10) Chuyên toán Ao khóa I của Trường đH Tổng hợp Hà Nội, tôi đã thấy GS. Grothendieck, khi ông lên thăm và giảng bài về đại số đồng điều, ở khu sơ tán huyện đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy con trâu đen, ông đòi cưỡi. Mọi người đành phải chiều ông, nhưng sợ ông bị ngã. Nguyên khí quốc tế mà! Thế là, với cái đầu trọc, ông vừa đội mũ rơm vừa cưỡi trâu. Những nhà bác học hàng đầu thế giới nói trên đã từng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống Mỹ và bọn xâm lược và ủng hộ công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước ta, gần ba mươi năm qua, bằng cả trái tim và khối óc của mình.
GIẢNG TOÁN HẤP DẪN NHƯ KỂ CHUYỆN
Trước đây tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến sẽ có một ngày mà người được mời về giảng bài tại Việt Nam, sau khi nhận Giải thưởng Fields hoặc Nobel, lại chính là một người Việt Nam, nói tiếng Việt! Tôi đã cùng các thính giả khác nghe từ đầu đến cuối hơn hai giờ bài giảng đầu tiên tại Viện NCCCT của GS. Ngô Bảo Châu trong chuỗi bài giảng của anh về các dạng tự đẳng cấu và các dạng modular (automorphic and modular forms). Thật xúc động và tự hào khi lần đầu tiên chúng tôi được nghe một bài giảng trực tiếp bằng tiếng Việt giọng Hà Nội thứ thiệt, không cần ai phiên dịch, mà giảng viên lại là người vừa được trao Giải thưởng Fields cao quý nhất về Toán học trên thế giới.
GS. Ngô Bảo Châu giảng bài trong một căn phòng khá rộng và lịch sự. 45 thính giả với mái tóc bạc có, hoa râm có, đen có, ngồi chật kín, lắng nghe rất chăm chú và ghi chép cẩn thận. Mọi người đều biết đây là một cơ hội quý, một cơ hội hiếm có, nên phải tận dụng, vì được nghe một bài giảng ở tầm cao, chiều sâu và tổng hợp như vậy sẽ rất bổ ích cho bất kỳ ai, dù người đó muốn có cái nhìn tổng quan hay muốn tìm vấn đề cụ thể để đi sâu nghiên cứu. GS. Châu nói: "Sau khi kết thúc, loạt bài giảng của mình và các đồng nghiệp sẽ được tập hợp và biên tập lại thành tập bài giảng của Viện bằng tiếng Anh (Lecture Notes Series of VIASM)".
Tôi để ý theo dõi cách GS. Châu giảng bài. Anh nói hoàn toàn bằng tiếng Việt, không lai từ Tây, vừa nói vừa dùng phấn viết nhanh lên bảng bằng tiếng Anh rất chuẩn mực, theo thói quen vì anh đã từng giảng bài ở nhiều nơi trên thế giới bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi lại rất thích kiểu "2 trong 1" này, vì ở dưới các thính giả toán học trẻ Việt Nam còn được học thêm từ vựng toán học bằng tiếng Anh. Tất nhiên sau này khi có cả giảng viên và thính giả quốc tế đến Viện thì cả nói và viết sẽ đều bằng tiếng Anh. Trong suốt bài giảng hơn hai giờ, GS. Châu không hề dùng powerpoint, không hề nhìn một trang tài liệu, giáo án nào, tất cả đều từ đầu mà ra, vừa nói vừa viết một cách từ tốn, sinh động, hấp dẫn. Khi vào phòng seminar, anh có đeo một chiếc túi da nhỏ, nhưng chắc trong đó không có “giáo án”. Trong một bức thư điện tử trước lúc về Việt Nam lần này, anh viết một cách rất khiêm tốn: “Tôi đang dạy một chuyên đề về các dạng tự đẳng cấu ở đH Chicago nên đang còn nhớ nhiều chi tiết, có thể kể lại, sợ sang năm lại quên mất. Ngoài ra vì tôi cũng hiểu mỗi thứ một chút, nên sẽ chịu trách nhiệm tổ chức, giữ nhịp cho seminar”. Mặc dù trong phòng lớn có micro, nhưng anh không dùng và nói đủ to để mọi người vẫn nghe rõ. Tất cả người nghe đều bị cuốn hút, cho đến khi kết thúc bài giảng không một ai ra về trước và cuối cùng là một tràng vỗ tay vang dội.
Chỉ trong một khoảng thời gian hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng với tầm hiểu biết sâu rộng và với tài thuyết giảng của mình, GS. Châu đã "kể" cho người nghe một câu chuyện toán học dài xuyên qua gần hai mươi thế kỷ, từ thế kỷ thứ III sau Công nguyên với các phương trình nghiệm nguyên cổ điển của Diophantine thành Alexandria, từ Bài toán lớn Phéc-ma được phát biểu năm 1637, cho đến những thành tựu toán học kiệt xuất của nhân loại trong thế kỷ XX, XXI, trong đó có những phần liên quan đến Chứng minh của anh cho Bổ đề cơ bản do R. Langlands phỏng đoán. Anh cũng đã "vẽ" ra một bức tranh toàn cảnh “nối những bến bờ xa lạ” trong toán học và vật lý lại với nhau, như phương trình Diophantine, lý thuyết số, biểu diễn Galois, biểu diễn các nhóm Lie, dạng modular và dạng tự đẳng cấu, đường cong elliptic, hình học, tô pô, vật lý, …Nói là một bức tranh toàn cảnh vừa đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì anh đã để lại một bức tranh "kí họa" chiếm hết cả một cái bảng to, gồm nhiều lĩnh vực của toán học và vật lý được mô tả như những “hòn đảo cô lập”, chúng được nối lại với nhau bởi các “nhịp cầu” nhằng nhịt. Mỗi "đảo", mỗi "cầu" đều có tên, có đảo hai ba tên, có cầu hai ba bốn người cùng tham gia "bắc". Rồi còn chi tiết hơn nữa, nhịp cầu đó được bắc khi nào, trong bối cảnh nào. Và cuối cùng thì Bổ đề cơ bản nằm ở đâu trong bức tranh này? Nó liên quan đến nhiều đảo và cầu trong bức tranh, vì nó là cả một chương trình do R. Langlands đề xuất từ 30 năm trước.
Trước khi GS. Châu giảng bài đầu tiên, tôi đã nói nhỏ với anh: “Hôm nay là ngày 23 tháng 6, thường là ngày nóng nhất ở Việt Nam, vì theo các nhà khí tượng học, đúng giờ Ngọ ngày này thì mặt trời ở trên đỉnh đầu chúng ta theo phương thẳng đứng như pháp tuyến. Như vậy trời hôm nay vốn đã nóng rồi, nên anh cố chọn cách diễn đạt sơ cấp, đại chúng, để chúng tôi dễ hiểu anh hơn, để bài giảng bớt khó, bớt "hot" đi”. Và anh đã làm như vậy. Mấy ngày trước khi về Việt Nam lần này, anh viết e-mail cho tôi: "Anh Nhung chịu "khổ" nghe mấy bài giảng này, sau đó là có thể hiểu được chứng minh của A. Wiles cho định lý lớn Phéc-ma". Cũng may là trong các năm 1984-1987, tôi có tìm hiểu chút ít về chứng minh của G. Faltings cho Giả thuyết Mordell và năm 2000, khi cùng hai đồng nghiệp dịch cuốn sách bằng tiếng Anh của Tác giả Amir D. Aczel ra tiếng Việt nhan đề "Câu chuyện hấp dẫn về bài toán Phéc-ma", tôi đã được làm quen với các khái niệm như phương trình Diophantine, đường cong elliptic, dạng modular, phỏng đoán của hai nhà toán học Nhật Taniyama-Shimura, ..., và lược đồ chứng minh của A. Wiles. Mặt khác, cũng nhờ cách diễn đạt “dân dã” của anh, nên mặc dù lĩnh vực toán học chuyên ngành của tôi hơi xa những vấn đề mà anh đề cập đến trong bài giảng, nhưng tôi cũng hiểu được phần nào “câu chuyện dài vừa cổ tích vừa hiện đại” do anh "kể".
Trong bài giảng của mình, GS. Ngô Bảo Châu có nhắc đến tên và thành tựu khoa học của nhiều nhà toán học kiệt xuất đã từng giành được Giải thưởng Fields, trong đó có A. Wiles (1953-) người Anh và G. Faltings (1954-) người đức. Trong vòng 20-30 năm gần đây, khi theo dõi tiến độ giải quyết Bài toán lớn Phéc-ma trên thế giới, tôi để ý nhiều hơn đến hai nhà toán học này. Wiles có công lớn vì vào năm 1994 đã chứng minh được định lý lớn Phéc-ma sau hơn ba thế kỷ rưỡi tồn tại. Khi đó anh đã 41 tuổi nên không được trao Giải thưởng Fields, mà chỉ được trao Kỷ niệm chương bằng bạc của Hội Toán học thế giới năm 1998. Năm 1983, Faltings đã chứng minh được giả thuyết do một nhà toán học người Anh là L.J. Mordell (1888-1972) nêu ra năm 1922, sau hơn 60 năm tồn tại, và anh đã được trao Giải thưởng Fields năm 1986. Còn Ngô Bảo Châu (1972-) của chúng ta thì sao? Năm 2008, anh đã chứng minh xong Bổ đề cơ bản do nhà toán học Canada R. Langlands (1936-) nêu ra trước đó 30 năm. So với hai người trước, GS. Châu "may mắn hơn" theo nghĩa: Khi anh giải quyết xong vấn đề được nêu ra thì người "ra đề" vẫn còn sống và anh còn được gặp, được cùng làm việc với ông này một thời gian tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (IAS, Hoa Kỳ).
Sáng 28/6/2011, đúng vào ngày sinh của mình, GS. Ngô Bảo Châu đã tiếp tục giảng bài thứ hai tại Viện, với 50 thính giả tham dự. Buổi chiều, GS.TSKH đỗ Ngọc Diệp giảng về biểu diễn các nhóm Lie. Sáng 30/6, GS. Châu giảng bài thứ ba cho 57 thính giả. Tới nghe các bài giảng của GS. Ngô Bảo Châu và sau này còn có thể phối hợp với GS. Châu giảng bài cho trường trong ba tháng hè là các giáo sư toán học hàng đầu trong nước gần chuyên ngành và các nhà toán học trẻ của Việt Nam từ trong nước (có cả một số “bóng hồng toán học”) và từ Pháp, Mỹ, …, về, như GS. đoàn Quỳnh, GS.TSKH Hà Huy Khoái, GS.TSKH Ngô Việt Trung, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS.TSKH Nguyễn Tự Cường, GS.TSKH đỗ Ngọc Diệp, GS.TSKH đỗ đức Thái, GS.TS Nguyễn Quốc Thắng, PGS.TS Bùi Thế Tâm, GS.TSKH Lê Hải Khôi, GS.TSKH Phùng Hồ Hải, TS. Nguyễn Chu Gia Vượng, TS. Lê Hùng Việt Bảo (đH Harvard, Mỹ), TS. Ngô đắc Tuấn (đH Paris 13), TS. Bùi Hùng, TS. Lê Minh Hà, TS. Phan Dương Hiệu (đH Paris 8-13), TS. Ngô Quang Hưng (đH Suny Buffalo, Mỹ), … Trong số các thính giả đến nghe bài giảng có nhiều nhà toán học giỏi và nhà toán học trẻ. Họ cũng đã từng được mời đi giảng bài và hợp tác nghiên cứu khoa học ở nhiều nước trên thế giới.
Trước khi kết thúc bài viết, Tác giả xin chúc cho Viện NCCCT của GS. Ngô Bảo Châu, GS. Lê Tuấn Hoa và Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 thành công tốt đẹp, góp phần phát triển Tóan học Việt Nam, và xin chúc GS. Ngô Bảo Châu bước sang tuổi 40 khỏe mạnh, tiếp tục thành đạt và cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc Việt Nam và thế giới!
 GS.TSKH. Trần Văn Nhung - Bản tin ĐHQGHN số 245, tháng 7/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC