10:46:17 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Để những thanh âm mãi vang xa
Chúng tôi tìm về làng sản xuất nhạc cụ truyền thống Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội vào những ngày đầu tháng 9 khi những ruộng lúa vụ hè thu hai bên đường đang bắt đầu trổ bông và không khó khăn gì để tìm gặp những nghệ nhân cuối cùng của làng nghề.
Thăng trầm cùng thời cuộc
Nghề sản xuất nhạc cụ cổ truyền của làng Đào Xá đã có ngót 200 năm. Người đầu tiên khai sinh ra nghề này là cụ Đào Xuân Lan, sau khi học ở Trung Quốc về, cụ đã truyền dạy cho những người dân trong làng. Từ đó, nghề chế tác nhạc cụ cổ truyền dân tộc đã là thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân trong làng.
Từ năm 1945, làng chuyên sản xuất những loại đàn Tây như đàn ăng tô, ghi ta… vì những nhạc cụ này rất thịnh hành lúc bấy giờ. Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhà nước có lập xưởng sản xuất nhạc cụ truyền thống ở Ô Chợ Dừa, Quốc Oai,… thì khoảng 90% lao động của xưởng là người làng Đào Xá. Nghề làm đàn phát triển ngày càng hưng thịnh, hầu như nhà nào cũng có xưởng chế tác nhạc cụ cổ truyền. Qua thời gian, tay nghề của những người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Có một điều lạ là hầu như những người làm nghề nơi đây không có kiến thức về âm nhạc nhưng âm sắc của mỗi cây đàn họ làm ra lại rất chính xác. Sản phẩm của làng cũng khá đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, nguyệt, tỳ bà... cho đến những cây nhị, hồ, líu... đều có mặt trên thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí còn được nhiều khách nước ngoài biết đến.
Tuy nhiên, sau giải phóng miền Nam, người ta dường như lãng quên Đào Xá, quên đi những nhạc cụ gắn liền với những bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, tuồng,… Do đó, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, không còn được bao cấp như trước nên những xưởng sản xuất nhạc cụ - nơi gắn liền với những nghệ nhân nổi tiếng của làng Đào Xá đều tan rã, những người gắn bó với nghề chế tác nhạc cụ lâm vào cảnh thất nghiệp. Họ phải chuyển sang làm mộc, làm những ngành nghề khác để kiếm sống.
Khi được nhà nước khôi phục những giá trị văn hóa cổ truyền, nghề đàn Đào Xá mới dần được phục hồi. Tuy nhiên, những người chế tác được những nhạc cụ truyền thống của làng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người có công vực dậy làng nghề sản xuất nhạc cụ của làng là nghệ nhân Đào Ngọc Soạn. Đã ngoài 70 và có thâm niên hơn 40 năm gắn bó, ông không khỏi băn khoăn, trăn trở trước sự mai một của nghề làm đàn nên sau khoảng thời gian dài (độ 5 đến 6 năm) phải chuyển qua đóng bàn ghế làm kế sinh nhai, ông Soạn đã đứng ra mở lớp dạy kế cận cách làm đàn nhằm phục dựng nghề truyền thống của cha ông. Từ đó đến giờ, gia đình ông cùng với 10 hộ trong làng ngày ngày vẫn cần mẫn làm ra những chiếc nhạc cụ phục vụ cho nhu cầu học tập, biểu diễn những loại hình nghệ thuật truyền thống.
Nguy cơ mai một làng nghề
Hiện tại, cả làng chỉ còn khoảng chục người còn gắn bó với nghề cổ truyền của ông cha. Ông Soạn là nghệ nhân cao tuổi nhất còn người ít tuổi nhất là anh Đào Văn Khương (30 tuổi). Căn nguyên chính của thực trạng này là do để trở thành một nghệ nhân chế tác đàn không dễ. Học nghề này rất lâu vì nó đòi hỏi thời gian dài để sau khi vận dụng có thể làm bất cứ nhạc cụ nào, nên phải tỉ mỉ. Nếu một người tiếp thu nhanh nhất cũng phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm. Ngoài ra, ban đầu do tay nghề còn yếu nên thu nhập thấp.
Hơn nữa, để hoàn thiện được một cây đàn phải trải qua rất nhiều công đoạn cùng với sự tài hoa, tỉ mẩn của những người thợ lành nghề. Làm được điều này, người thợ phải thành thạo hoặc ít ra phải biết nghề mộc, đó là chưa nói đến nghề làm đàn trọng cái tai, cái mắt. Bởi cái chuẩn của một sản phẩm phục vụ cho nghệ thuật không chỉ phải đẹp mà còn phải chuẩn xác. “Cái khó nhất khi làm một chiếc đàn là khâu âm thanh. Người thợ phải biết căn chỉnh, vừa phải biết thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được chuẩn mực nhất định”, ông Soạn cho hay.
Được biết, ngoài Đào Xá thì ở Việt Nam không có làng nào sản xuất nhạc cụ cổ truyền. Năm 2009, nghề sản xuất nhạc cụ cổ truyền của làng Đào Xá chính thức được UBND Thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Hiện giờ, do nhu cầu sử dụng những loại hình nhạc cụ cổ truyền tăng cao nên những hộ gia đình làm nhạc cụ vẫn cho thu nhập từ 6-10 triệu đồng/tháng, nhưng điều đó vẫn không làm cho giới trẻ trong làng mặn mà với nghề cổ truyền. “Thay vì học nghề này, thanh niên trong làng không đi học ở xa cũng thường đến khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) để kiếm tháng từ một triệu rưỡi đến hai triệu đồng còn hơn thu nhập từ làng nghề truyền thống. Mong sao các cấp, các ngành quan tâm làm sao để duy trì và bảo tồn làng nghề chứ chỉ những người thợ nghề chúng tôi thì khó lắm. Tôi cũng cố gắng truyền dạy cho các cháu thanh, thiếu niên nhưng chẳng đứa nào chịu học. Mai này khi thế hệ chúng tôi nhắm mắt xuôi tay mà không có hậu duệ nối dõi thì nghề tổ tiên để lại chắc sẽ mai một và thất truyền”. Mong mỏi và trăn trở của ông Soạn cũng là mong mỏi của những nghệ nhân cuối cùng còn theo tổ nghiệp của ông cha.
Liệu rồi một ngày kia, khi về nơi này, ta có còn nghe những âm thanh bào, đẽo gỗ làm đàn, có còn được thấy những biển hiệu sản xuất và bán nhạc cụ cổ truyền như của ông Soạn, ông Đức hay chỉ còn là chút hoài niệm của một thời quá vãng xa xôi. Nghề đàn Đào Xá đang trông chờ sự hỗ trợ và những giải pháp từ phía nhà nước để tránh nguy cơ bị xóa sổ khỏi danh sách làng nghề truyền thống Việt Nam.
 

 

 Duy Văn - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC