10:53:33 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Đại tá Phan Mạc Lâm - Người “lập hồ sơ B-52” giữa lòng Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, vợ nhà tình báo Phan Mạc Lâm, năm nay vào tuổi 74, cẩn thận đẩy chiếc thùng sắt to được khóa kỹ về phía tôi và nhẹ nhàng nói: “Cả cuộc đời ông ấy nằm ở đây. Lúc còn sống, ông ấy chẳng cho ai đụng vào. Nay tôi tin tưởng nhà báo quân đội, cho phép anh đọc, thấy cái gì có thể thông tin được đến bạn đọc thì khai thác”.
Trước mắt tôi là hàng nghìn trang tài liệu, nhật ký, hồi ký của Đại tá Phan Mạc Lâm, cán bộ tình báo chuyên hỏi cung tù binh trong suốt các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đặc biệt, trong 8 năm (1964-1972), ông đã khai thác thông tin từ tù binh là các phi công Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.
Kỳ 1: Lật tẩy “siêu pháo đài”
Năm 2007, kỷ niệm 35 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, một số cựu chiến binh khi trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho rằng: “Để đánh thắng B-52, có sự đóng góp công sức, trí tuệ của rất nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng tình báo quân sự, nhưng từ trước đến nay, ít người đề cập đến. Thời gian ngày càng lùi xa, có những điều trước đây là bí mật quân sự, không thể đề cập thì nay có thể đã được giải mật rồi nhưng thế hệ những nhà tình báo từng thầm lặng đóng góp vào chiến công kỳ diệu của năm 1972 thì ngày càng già đi, phải nhanh thì may ra mới khai thác được”.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa xem lại hồ sơ, tư liệu của Đại tá Phan Mạc Lâm.
Chúng tôi đã vào cuộc ngay sau đó. Tìm đọc rất nhiều tài liệu, trao đổi với các cơ quan chức năng, kiên trì gặp gỡ các cựu chiến binh tình báo... nhưng những thông tin về hoạt động của tình báo quân sự trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 vẫn chỉ biết dưới những dòng tin khái quát, chung chung. Thật may, cũng tháng 12-1972, trên Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trợ lý tên lửa, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (năm 1972) với tựa đề “Những ngày tháng Chạp ở Tổng hành dinh”. Vệt bài này, đã giúp bạn đọc thấy rõ hơn sự chủ động trong chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong việc hoạch định kế sách đối phó với máy bay ném bom chiến lược B-52. Đáng chú ý, trong bài viết, tác giả nhắc đến tên một nhà tình báo mà chúng tôi đang cất công tìm hiểu về ông: “Ngày 6-7 (năm 1972-PV), tại ngôi nhà khép kín trong góc Thành cổ Hà Nội, các Phó tổng Tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ, Phùng Thế Tài đã chủ trì hội nghị về đánh thắng B-52. Sau khi nghe 8 đồng chí có trọng trách lớn phát biểu ý kiến (Mạc Lâm, cán bộ Cục Quân báo; Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không-Không quân; Đào Đình Luyện, Tư lệnh Không quân; Dương Hán, Phó tham mưu trưởng Phòng không-Không quân); Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự; Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Nguyễn Văn Ninh”; đồng chí Phùng Thế Tài kết luận: Mỹ sẽ đem B-52 đến ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận vào lúc ta đang thắng lớn ở miền Nam mà Mỹ lại ngoan cố muốn ép ta ở Hội nghị Pa-ri. Chúng sẽ đánh tất cả các mục tiêu, kể cả khu đông dân. B-52 sẽ ném bom đêm, gây nhiễu rất nặng, bay cao 10-11km. Chiến thuật địch rất máy móc, lệ thuộc vào điều kiện sẵn có. Không quân chiến thuật bảo vệ đội hình B-52, dùng nhiều tên lửa sơ-rai để chế áp trận địa tên lửa, ra-đa của ta. B-52 bay bằng cắt bom…”.
Trong số “8 đồng chí có trọng trách” mà Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhắc đến, đều là những cán bộ cấp cao của quân đội mà tiểu sử, sự nghiệp đã được đông đảo nhân dân biết đến, duy cái tên Mạc Lâm vẫn rất “bí ẩn”. Trong suốt 40 năm qua, hàng nghìn bài báo, cuốn sách trong nước đã được xuất bản xung quanh chiến thắng B-52, nhưng tìm kiếm trên mạng, cái tên Mạc Lâm vẫn hoàn toàn không xuất hiện.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo Phan Mạc Lâm, thông qua “kho” tư liệu mà bà Nguyễn Thị Nghĩa cung cấp, thật vô cùng phong phú, thú vị với nhiều tình tiết hấp dẫn của nghề tình báo. Ông được cử tham gia Ban hỏi cung của Cục Quân báo ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từng được tin tưởng giao nhiệm vụ hỏi cung tướng Đờ Cát ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Nhưng, trong khuôn khổ của bài báo này, chúng tôi xin phép chỉ kể xung quanh chủ đề chính.
Sơ đồ đội hình B-52 bay vào đánh phá Hà Nội do cơ quan tình báo quân sự của ta
vẽ lại từ lời khai của tù binh Mỹ.
Như chúng ta đã biết, theo chỉ đạo của Bác Hồ, ngay từ khi giặc Mỹ gây hấn, mang bom đạn ra đánh phá miền Bắc, Bộ đội Phòng không-Không quân và ngành quân báo đã để mắt nghiên cứu về B-52. Còn Mạc Lâm, ông thực sự thu thập tài liệu về B-52 từ khi nào? Đọc trong nhật ký, hồi ký, có thể khẳng định: Ông bắt đầu “lập hồ sơ B-52” từ cuối năm 1968. Đó là thời điểm sau khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân: “Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vừa nhận định: Mỹ tạm ngừng ném bom là vừa để tỏ vẻ thiện chí, vừa để tập trung không quân đánh phá quyết liệt ngăn chặn giao thông của ta từ Nghệ An trở vào. Tuy xuống thang, địch có khả năng đánh phá trở lại phía Bắc. Vì vậy, đi đôi với việc đẩy mạnh cuộc chiến đấu bảo vệ giao thông ở Quân khu 4, bộ đội phòng không-không quân cần tăng cường cảnh giác, tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đánh bại âm mưu địch đánh phá trở lại các tỉnh phía Bắc nhất là Hà Nội. Tuyệt đối không để bị bất ngờ”.
Với trách nhiệm của nhà tình báo, Mạc Lâm tập trung khai thác hàng trăm phi công Mỹ, lúc đó bị bắt tập trung về nhà giam Hỏa Lò, nơi phi công Mỹ tự ví von là “khách sạn Hin-tơn”. Lúc đó, “khách hàng” của Mạc Lâm không có ai là phi công B-52, nhưng bằng mẫn cảm nghề nghiệp, ông hiểu rằng, khai thác từ phi công lái các loại máy bay chiến thuật F4, F105 thì cũng sẽ “vỡ” ra nhiều điều về B-52, với mệnh danh “siêu pháo đài bay”, lúc đó đang được Mỹ huênh hoang tuyên truyền về sức mạnh vô song của nó. Đúng như dự đoán của Mạc Lâm, nhiều viên phi công đã khai rằng, thời kỳ huấn luyện trước khi tham chiến tại Việt Nam, họ đều được tham gia diễn tập với B-52 về tập kích đường không chiến lược.
Thông tin từ tù binh Mỹ cũng hé lộ rằng: Đội hình B-52 đánh vào Hà Nội, tất sẽ có nhiều thành phần máy bay khác trong hoạt động yểm trợ như hộ tống, chế áp tên lửa, cao xạ đối phương kể cả việc chiếm lĩnh ưu thế trên cao của các máy bay F4, F105 được bố trí ở các căn cứ không quân được đặt xung quanh miền Bắc Việt Nam.
Kiên nhẫn khai thác, cẩn trọng kiểm tra đối chứng lời khai của từng phi công, trong đó có cả những phi công kỳ cựu có từ 5000 đến 6000 giờ bay; có tên từng là chỉ huy cấp cao của đối phương, Mạc Lâm đã có trong tay hàng nghìn trang tài liệu cần thiết về tính năng, đặc điểm của máy bay B-52 với những ưu điểm, nhược điểm vốn có của nó; trang thiết bị, kỹ thuật điện tử cũng như khả năng mang bom và các loại bom của B-52. Đội hình cơ bản của một biên đội B-52; cơ cấu thành phần một trận tập kích bằng B-52 vào một mục tiêu nào đó và khu vực dự kiến mục tiêu đánh phá sắp tới; đường bay các hướng từ các căn cứ không quân ở Nhật Bản, Thái Lan, đảo Gu-am… đến Việt Nam-Hà Nội; khu vực tiếp dầu trên không, sở chỉ huy trên không; đường rút lui của B-52… Tất cả đều được “lập hồ sơ” kỹ càng. Vào thời điểm đầu năm 1972, những hiểu biết này về B-52 có tác dụng rất cần thiết đối với bộ đội ta, nhất là với lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân để bổ sung hoàn chỉnh các phương án tác chiến mà những đơn vị đã dày công nghiên cứu xây dựng trong quá trình chuẩn bị. Con đường “vào hang bắt cọp” của bộ đội ta, không chỉ được thực hiện bằng sự hy sinh xương máu trên chiến trường Khu 4, mà bằng cả cuộc đấu trí của các nhà tình báo hỏi cung giữa lòng Hà Nội.
Vào đầu tháng 6-1972, Mạc Lâm và một số cán bộ tình báo khác được giao nhiệm vụ đặc biệt: Tìm hiểu khả năng leo thang cao nhất về cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ trên miền Bắc, trong đó chủ yếu là đánh giá lực lượng không quân chiến lược của Mỹ và dự kiến cuộc tập kích bằng B-52 vào Hà Nội. Cục trưởng Cục Tình báo Phan Bình chỉ định: “Mạc Lâm tổng hợp tình hình, chuẩn bị tài liệu tham gia hội nghị của Bộ Tổng tham mưu ngày 6-7-1972 để trình bày nội dung chuyên đề đặc biệt vừa nghiên cứu”.
Trước khi hội nghị diễn ra, bằng sự chuẩn bị công phu, có kết hợp kiểm chứng thông qua các nguồn tin khác, Mạc Lâm đã nắm chắc thông tin về các loại máy bay, về kỹ thuật, chiến thuật của từng loại mà Mỹ đã, đang và sẽ sử dụng khi đánh vào Hà Nội… Hơn thế nữa, tin tức tình báo chiến lược còn giúp ông đánh giá được cả tiềm lực quốc phòng của Mỹ vào thời điểm đó, từ lực lượng thường trực, lực lượng dự bị chiến lược của không quân, hải quân Mỹ cũng như các quân chủng, binh chủng. Đây là những thông tin rất quan trọng để chúng ta có thể hình dung toàn thể khả năng leo thang chiến tranh của Mỹ. Riêng về không quân, Mạc Lâm đã có thêm nguồn tin về khả năng sản xuất máy bay hằng năm, về các loại máy bay, các loại bom đạn, các loại máy móc, thiết bị điện tử mới sản xuất của đế quốc Mỹ. Thông qua hỏi cung, ta cũng nắm được sự bố trí của lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và ngay tại nước Mỹ; tình hình luân phiên, điều chỉnh lực lượng, đặc biệt là bố trí lực lượng không quân chiến thuật, không quân của hải quân ở vịnh Bắc Bộ, ở miền Nam và ở các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Lan, Nhật Bản, Gu-am… Tất cả những thông tin đó, đều vô cùng cần thiết cho sự chuẩn bị đáp trả, giáng những đòn đích đáng nhất lên đầu bè lũ Ních-xơn đang lồng lộn “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá”.
Kỳ 2: Lời thú tội đầu năm
Hội nghị ngày 6-7-1972 do Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Vương Thừa Vũ chủ trì, đã nhấn mạnh các nội dung then chốt và phác thảo kế hoạch ban đầu trong triển khai để đánh thắng cuộc tập kích B-52 của đế quốc Mỹ. Mạc Lâm là người đầu tiên trong hội nghị, đại diện Cục Quân báo trình bày những nội dung làm cơ sở cho việc thảo luận. Tại hội nghị, ông đã trình bày các nội dung cơ bản về lực lượng không quân chiến lược B-52 và bố trí lực lượng B-52 của Mỹ; đặc điểm, tính năng của B-52, đội hình cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các loại máy bay yểm trợ khác, cách ném bom bay bằng của B-52 (tốc độ, độ cao, khả năng mang bom, đạn…); về các loại máy bay yểm trợ trên không như F105, F4; thủ đoạn gây nhiễu của các loại máy bay, liên lạc trên không... Bản báo cáo của ông cũng đề xuất, kiến nghị cách đánh của ta (tên lửa, cao xạ, MiG và các loại súng phòng không khác); hoạt động của ra-đa, cách chống nhiễu…
Cùng với việc báo cáo, Mạc Lâm đã giải đáp những câu hỏi đặt ra của các đại biểu trong hội nghị. Đó là cơ sở quan trọng để hội nghị đánh giá tình hình địch, về lực lượng và khả năng của ta, đề xuất nhiều kế hoạch và biện pháp triển khai trên tinh thần khẩn trương đối phó kịp thời trong mọi tình huống.
Đại tướng Văn Tiến Dũng (bên trái) và Đại tá Phan Mạc Lâm.
Sau này, trong hồi ký, nhớ lại những ngày chuẩn bị cho việc đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng; Mạc Lâm ghi lại cuộc gặp ngắn ngủi mà xúc động với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, tôi dậy sớm để đến nơi làm việc. Hồi đó, chúng tôi ở tập trung tại cơ quan trong thành nhưng đi làm việc ở nơi sơ tán. Đang loay hoay xỏ giày thì có người báo: “Mạc Lâm lên gặp Bộ trưởng gấp”. Anh bạn còn nói thêm: “Bộ trưởng đang chờ anh ở phòng Thủ trưởng Cục”. Tôi thoáng chút ngạc nhiên. Thực ra thì tôi cũng đã nhiều lần gặp Bộ trưởng. Bận trăm công ngàn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến công tác tình báo, trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều tin tức chúng tôi khai thác từ tù binh sau khi nghe Thủ trưởng Cục báo cáo, Đại tướng còn trực tiếp gặp chúng tôi để xác minh lại. Tôi đoán chắc là tin về B-52 đánh Hà Nội mà tôi vừa báo cáo làm cho Bộ trưởng quan tâm. Bước vào phòng, tôi nhận ra Bộ trưởng ngồi ở đấy rồi. Gương mặt Bộ trưởng tươi cười nhưng đượm vẻ lo âu, vẫy tay gọi tôi lại ngồi bên cạnh. Đúng như điều tôi suy nghĩ. Ông hỏi thăm về sức khỏe, về tình hình mới nhất chúng tôi vừa thu thập được về “B-52 sẽ đánh Hà Nội vào thời gian tới”. Bộ trưởng hỏi rất kỹ về thực lực không quân chiến lược, về điểm mạnh và điểm yếu của B-52. Kể cả những suy nghĩ băn khoăn của tôi không thể hiện qua báo cáo. Tôi bình tĩnh báo cáo. Bộ trưởng nói rất nhẹ nhàng, hỏi rất chi tiết, hình như cần sự khẳng định của tôi về những điều đã báo cáo. Hỏi xong, Bộ trưởng bắt tay chúng tôi, ra về trên gương mặt bình thản”.
Để có được thông tin “tương đối” về B-52 khi báo cáo Đại tướng-Tổng tư lệnh, Mạc Lâm thầm “cảm ơn” một tên phi công Mỹ đã thành khẩn khai nhận những thông tin quý giá đầu năm 1972. Người phi công này, cho đến nay ông vẫn giữ bí mật tên họ, vào cuối buổi hỏi cung đã nói nhỏ với ông:
- Các ông chú ý, người ta đang chuẩn bị B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng.
Bằng nghiệp vụ của mình, Mạc Lâm bình tĩnh giấu tâm lý hồi hộp, hỏi bâng quơ:
- Anh nói thật sao, Mỹ sẽ dùng B-52 đánh Hà Nội?
Người phi công tù binh thoát khỏi vẻ sợ sệt, anh ta thành khẩn:
- Tôi không mong rằng, tội ác này sẽ xảy ra. Nhưng khi đã tổ chức diễn tập thì việc Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng chắc chắn đã có trù liệu của Lầu Năm Góc.
Mạc Lâm nhìn chăm chú vào người phi công tù binh, hạ giọng:
- Anh có thể nói rõ hơn?
- Thưa ông, cách đây mười ngày, tôi tham gia trong đội hình diễn tập dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Đó là một cuộc tập trận quy mô lớn phối hợp tác chiến mà lực lượng chủ yếu là B-52. Trong đội hình chiến đấu, ngoài B-52 còn có máy bay trinh sát RF 4C, QF 4C, các loại máy bay F105, F4D, máy bay gây nhiễu điện tử EC 121, đội cấp cứu và chỉ huy trên không…
Tù binh phi công Mỹ tại “khách sạn Hin-tơn” - nhiều người trong số họ đã hối lỗi,
thành khẩn cung cấp cho ta nhiều tin tức có giá trị.
Lời thú tội của viên phi công, nếu xét về dự báo chiến lược thì không có gì bất ngờ, nhưng xét về thời điểm, lại vô cùng quý giá. Bấy lâu nay, câu hỏi “Khi nào Mỹ dùng đến B-52 làm nước cờ tàn cho cuộc chiến?” đặt ra, đã đến lúc có tín hiệu trả lời. Mạc Lâm đã hỏi kỹ, đưa ra nhiều tình huống để kiểm tra tính xác thực của những thông tin từ người phi công tù binh vừa khai báo. Ông đối chiếu với những tin tức đã khai thác ở các phi công tù binh khác rồi đi đến khẳng định: Tin về Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng là đúng. Mạc Lâm mừng lo lẫn lộn. Mừng vì có thông tin mới mà cấp trên đang cần sẽ giúp ta chuẩn bị để không bị bất ngờ trước âm mưu thâm độc của kẻ thù. Nhưng khi nghĩ đến hàng trăm chiếc B-52 ném bom rải thảm xuống Thủ đô thân yêu, nơi đầu não lãnh đạo cách mạng và cũng là nơi tập trung đông dân, lòng ông thắt lại. Sau những giây phút bàng hoàng, Mạc Lâm ngồi vào bàn, giở lại cuốn sổ ghi chép, nhớ lại những gì vừa xảy ra, ông làm báo cáo gửi ngay lãnh đạo Cục Quân báo.
Cuối tháng 11-1972, toàn miền Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với cuộc leo thang quân sự tàn bạo nhất của Ních-xơn. Một kế hoạch của phòng không và không quân ta đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng được triển khai trong toàn quân. Đầu tháng 12, địch tiếp tục leo thang mạnh. Có thêm nhiều tin tức tình báo mới liên quan đến việc Mỹ chuẩn bị khẩn trương cho chiến dịch dùng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng. Từ tháng 10-1972, chúng tăng thêm lực lượng không quân chiến thuật, không quân, hải quân đến chiến trường Đông Nam Á. Bộ chỉ huy liên quân Mỹ điều chỉnh lực lượng B-52 ở căn cứ quân sự Gu-am và Thái Lan. Chúng ra lệnh kéo dài thời gian phục vụ tác chiến của phi công Mỹ ở chiến trường Thái Bình Dương, Đông Nam Á. Phi công Mỹ đều được phổ biến kế hoạch đánh lớn sắp tới và dự đoán được mục tiêu cụ thể!
Ngày 13-12-1972, Hội nghị Pa-ri bế tắc do thái độ ngoan cố lật lọng của phía Mỹ. Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ là Kít-xinh-giơ tuyên bố đình chỉ vô thời hạn Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chính thức thông qua kế hoạch tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” từ 17-12-1972 giờ Hoa Kỳ tức là ngày 18-12-1972 theo giờ Hà Nội. Lập tức, Mỹ triển khai thành lập Bộ chỉ huy Sư đoàn không quân chiến lược lâm thời số 57 để chỉ huy 3 liên đội máy bay B-52 gồm 193 chiếc với 250 tổ lái ở hai sân bay U-ta-pao (Thái Lan) và En-đơ-xơn (Gu-am). Chúng huy động thêm 50 máy bay KC 135 để tiếp dầu cho B-52 từ Mỹ sang Phi-líp-pin; đồng thời điều tiếp hai tàu sân bay In-téc-prai-đơ và Sa-ra-to-ga từ Hồng Công và Su-bích sang vịnh Bắc Bộ. Tham gia tập kích chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II còn có hơn 1000 máy bay chiến thuật được huy động từ khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Ních-xơn "hy vọng" có thể dùng B-52 tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng hòng lật lại thế cờ trên bàn Hội nghị Pa-ri.
Phía ta đã chủ động xây dựng lực lượng phòng không nhân dân sẵn sàng giáng trả đích đáng máy bay của Mỹ. Một thế trận phòng không "thiên la địa võng" đủ cả tầm cao, tầm trung và tầm thấp đã được ta chuẩn bị.
Chiều 18-12-1972, Cục Quân báo đã báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu dự kiến thời gian Mỹ tập kích B-52 vào Hà Nội. Đến khoảng 18 giờ thì hầu như khẳng định điều đó. Tức thì, Bộ Tổng tham mưu, Cục Tác chiến phổ biến đầy đủ đến từng đơn vị phòng không.
Thời điểm lịch sử đó, Mạc Lâm đã ghi vào nhật ký: "Hôm ấy tôi, Nguyễn Anh Lân, Lê Đạt, Lâm Hoài trực ban ở sở chỉ huy. Căn hầm trực chỉ huy của Cục không lớn, cạnh lầu Hoàng Diệu nằm sâu dưới khu vườn tăng gia có giàn mướp che phủ. Hầm đặt 3 bàn làm việc với đủ các hệ thống thông tin, liên lạc, bản đồ các loại và tài liệu cần thiết... Tuy vẫn nói chuyện bình thường, nhưng trong thâm tâm mọi người đều lo lắng. B-52 đánh bom, Hà Nội sẽ ra sao?".
Trong hồi ký của mình, Mạc Lâm viết: "Sau hội nghị ngày 6-7-1972, dù đã báo cáo xong phần tin tức mình cung cấp nhưng tôi vẫn không thôi suy nghĩ về những thông tin của mình. Cảm giác hồi hộp, lo lắng, cứ ong ong trong đầu. Liệu những gì mình cung cấp cho cấp trên có chính xác không? Cái gì sẽ xảy ra, có điểm nào phi công tù binh khai man không? Có điểm gì mà mình chưa dự kiến hết không? Mỗi lần, nghĩ đến cuộc gặp Bộ trưởng tôi quên ăn, quên ngủ. Các tháng sau đó, chúng tôi thu thập thêm nhiều tư liệu, những dấu hiệu, động thái về sự chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược ngày càng rõ dần. Không quân Mỹ đang chuẩn bị về công tác hiệp đồng của không quân chiến lược với một số đơn vị ở Thái Lan đã được tiết lộ".
Tự đánh giá lại lo lắng, băn khoăn trên, sau ngày chiến thắng vẻ vang, Mạc Lâm viết thêm: “Trong 12 ngày đêm (năm 1972 - PV), Bộ phận hỏi cung theo chỉ đạo của Bộ, Cục Tác chiến và Cục đã hỏi và giải đáp được 3 yêu cầu chính: Kiểm tra lại và bổ sung các số liệu liên quan đến trận tập kích; khó khăn của địch và thiệt hại; mục tiêu đánh phá và thời gian của đợt tập kích...”.
Những thông tin quý giá trên đã góp phần để quân dân miền Bắc bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng giáng trả B-52 những đòn đích đáng.
Kỳ 3: Cùng “cất vó B-52” (Tiếp theo và hết)
Chiều 18-12-1972, Mạc Lâm đang trực chiến tại cơ quan, bỗng có tiếng điện thoại réo vang. Người gọi là Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài. Nhấc điện thoại, Mạc Lâm nói nhanh:
- Vâng. Tôi là Mạc Lâm!
- Này cậu, B-52 đến đâu rồi?
Mạc Lâm khẳng định:
- Giữa đường rồi, thưa Thủ trưởng - có cả hướng Gu-am và Thái Lan.
Phó tổng Tham mưu trưởng cười, bảo Mạc Lâm:
- Tối hôm nay, bộ đội ta bắn rơi B-52 thì Bộ sẽ thưởng cho Cục 2 một tấn lương khô và một con bò mộng nhé.
Một lát, ông nói:
- Nhưng nếu B-52 không vào đúng dự kiến thì cậu chết trước!
Đơn vị kỹ thuật của Cục Quân báo, nay là Tổng cục 2 cùng các đơn vị phòng không-không quân lúc đó vẫn bám sát B-52, tính từng giây, từng phút. Không khí chờ đợi căng thẳng, hồi hộp, mọi người im lặng theo dõi… Trước những công việc trọng đại, con người thường có những trạng thái tâm lý như thế. Lời nói của Phó tổng Tham mưu trưởng với Mạc Lâm: “Nếu B-52 không vào đúng dự kiến thì cậu chết trước” chứa đựng nỗi băn khoăn ấy!
Đại tá Phan Mạc Lâm và Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ. Ảnh tư liệu.
Là cơ quan tình báo chiến lược giúp Bộ mấy chục năm nay, Cục Quân báo khẳng định nguồn tin của mình từ nhiều nguồn thông tin, nhiều phương tiện kỹ thuật và bộ đội đã chuẩn bị sẵn sàng đánh trả, vậy mà ngồi trong phòng trực ban chiến đấu không ai khỏi băn khoăn.
Trực ban thông báo:
- Tín hiệu đặc biệt: B-52 gần vào đất liền!
Cục trưởng Phan Bình ra lệnh:
- Báo ngay cho Sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu và Cục Tác chiến!
Vài phút sau, Cục Tác chiến cũng thông báo:
- Đã xuất hiện trên màn hình ra-đa: B-52! Đúng là B-52 rồi!
Cả Hà Nội vang lên tiếng còi báo động!
Từ Sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu, mệnh lệnh chiến đấu được truyền đi các đơn vị. Các trạm ra-đa cũng liên tiếp báo cáo tình hình B-52 từ các hướng.
Mạc Lâm chạy sang Sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu, tất cả đang tập trung vào công việc. Nguyễn Văn Ninh, Cục Tác chiến cùng nhiều sĩ quan đang dán mắt vào màn huỳnh quang. Ba chiến sĩ tiêu đồ: Thanh, Nhung và Khánh tai quàng ống nghe, tay cầm bút chì vẽ đường bay B-52 vào các vòng tròn xung quanh khu vực Hà Nội: 200km, 150km, 100km… Về phòng trực ban Cục, Mạc Lâm biết là có khoảng 100 máy bay B-52 vào khu vực Hà Nội. Tin từ các trận địa phòng không của ta cho biết, hầu hết đều bắt được tín hiệu B-52 nhưng nhiễu rất mạnh - tất cả đều nằm trong phương án chuẩn bị.
Bỗng có tiếng reo to bên ngoài Sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu. Chuông điện thoại đổ dồn:
- Đánh trúng B-52 rồi! Những khối lửa từ trên cao đang rơi lả tả!
- Dân báo, có dù đang rơi.
Một sĩ quan tác chiến chạy sang hầm chỉ huy Cục truyền đạt mệnh lệnh:
- Đồng chí Mạc Lâm, theo lệnh Bộ Tổng tham mưu, sẵn sàng đi hỏi cung giặc lái! Đơn vị báo cáo có dù rơi, đang lùng bắt giặc lái ở ngoại thành. Mạc Lâm đi nhận nhiệm vụ ngay. Lệnh: Phải hỏi phi công tù binh gấp: Kế hoạch sắp tới? Những mục tiêu đánh phá tiếp theo? Về các loại máy bay tiêm kích, cường kích hiệp đồng cùng B-52?…
Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài hạ lệnh:
- Mạc Lâm đi ngay. Về báo cáo trước 5 giờ! Sáng mai sang nhận thưởng cho Cục Quân báo.
Cuộc chiến còn tiếp diễn, địch sẽ còn làm gì nữa đây? Ngày mai, ngày kia và sau đó nữa? Phải hỏi cung ngay để báo lên cấp trên càng sớm càng tốt. Nghĩ thế, Mạc Lâm sung sướng lên đường. Tất cả các yêu cầu của trên về B-52 cần được nhanh chóng xác định lại và báo cáo trước 5 giờ để chuẩn bị đánh tiếp.
Giặc lái B-52 bị bắt đã được đưa về Hỏa Lò. Nhân dân Hà Nội biết tin và nhiều người đến chờ sẵn ở cổng trại giam để nhìn rõ mặt quân cướp trời dã man.
Hai phi công đầu tiên "vào" Hỏa Lò thuộc tốp B-52 xuất phát chiều 18-12-1972 từ căn cứ không quân An-đơ-xơn (Gu-am) bị quân và dân Hà Nội bắn rơi là Đại úy hoa tiêu Rô-bớt Glen Xéc-ten, sinh năm 1947, cùng với hoa tiêu là đại úy, sĩ quan điện tử Ri-sớt Tô-mát Sim-sơn, sinh năm 1941.
Chúng đều nói đến nỗi kinh hoàng khi bay vào Việt Nam, khai báo trong nỗi lo sợ:
- Chúng tôi từ Gu-am tới, bay qua biển, thực hiện tiếp dầu trên không. Chúng tôi bay vào đất liền, liên lạc với chỉ huy trên không và các đơn vị yểm trợ khác, mọi việc hoàn toàn đúng theo phương án. Bắt đầu đến điểm triển khai đội hình tập kích để thông qua mục tiêu, chuẩn bị cắt bom… một cảnh tượng thật là khủng khiếp, pháo phòng không, tên lửa của các ông đổ lửa lên trời. Chúng tôi hốt hoảng, máy bay bị trúng đạn. Chúng tôi nhảy dù rồi bị bắt! Tất cả đều rất nhanh. Thật, chúng tôi không thể tưởng tượng được về lưới lửa phòng không của các ông ghê gớm không như chỉ huy chúng tôi dự đoán! Chúa cứu chúng tôi. Thoát chết! Chiến dịch này kéo dài bao lâu là phụ thuộc vào trận đầu tiên hôm nay!
Rô-bớt Glen Xéc-ten lần đầu tiên bay vào vùng trời Hà Nội, chưa kịp làm nhiệm vụ thì đã bị bắn rơi. Thực ra thì anh ta đã là một phi công lão luyện, từng bay một trăm phi vụ ở chiến trường miền Nam gây bao tang tóc cho dân lành. Cũng đã từng bay 1.200 giờ trên chiếc "siêu pháo đài bay" B-52G. Trước mặt Mạc Lâm, anh ta liến thoắng:
- Điều lệ quân đội Mỹ quy định rằng, một phi vụ được coi là một chuyến bay tới đích, nghĩa là có đi và có về. Máy bay của chúng tôi còn cách mục tiêu khoảng 20 dặm thì đã bị bắn rơi. Chúng tôi mới được nửa phi vụ.
Mạc Lâm tập trung khai thác theo yêu cầu của cấp trên từng tù binh một, đối chiếu về từng chi tiết giữa lời khai từng phi công để có những tin tức chính xác.
Tốp phi công lái B-52 xuất phát đêm 18-12-1972 từ căn cứ U-ta-pao (Thái Lan) bị bắn rơi còn 4 tên sống sót: Thiếu tá, lái B-52 Phéc-năng-đơ A-lếch-xăng-đơ, 43 tuổi; Đại úy, lái B-52 Hao Uyn-xơn, 34 tuổi; Đại úy, hoa tiêu Hăng-ri Sác-ba-râu, 26 tuổi và Đại úy, sĩ quan điện tử Sa-các-tơ Brao-uan, 26 tuổi.
Phéc-năng-đơ A-lếch-xăng-đơ khai trong tâm trạng chưa hết sợ hãi:
- Chúng tôi bay từ U-ta-pao (Thái Lan) đến, không tiếp dầu, bay triển khai đội hình hoàn chỉnh, theo đường Thượng Lào vào Việt Nam. Lúc đang bay, có sĩ quan điện tử thông báo: Có thể Việt Nam đang theo dõi chúng ta. Mọi người vô cùng lo sợ.
Đại úy hoa tiêu Hăng-ri Sác-ba-râu kể với tâm trạng bực dọc vì bị đánh lừa:
- Lực lượng B-52 không phải là vô địch, không phải là át chủ bài như các loa tuyên truyền thổi phồng lên. Họ giết chết chúng tôi, may mà được Việt Nam cứu sống, tha tội chết. Lúc còn ở trường họ dạy cho chúng tôi rằng, B-52 chỉ thích ứng đánh mục tiêu lớn, khu quân sự lớn có diện tích hàng chục dặm vuông. Ở miền Bắc Việt Nam, ngay Hà Nội, qua bản đồ không có mục tiêu nào như vậy. Chúng tôi hiểu rằng, đánh vào Hà Nội là vùng đông dân cư là nhằm mục đích khác. Chúng tôi được hội ý tác chiến kỹ trên bản đồ, không thể nhầm lẫn được. Họ không phổ biến mục tiêu gì. Nếu có hỏi thì họ bảo cứ theo bản đồ tác chiến. Mệnh lệnh mà! Họ bảo đánh đêm sẽ loại trừ, hạn chế tối đa tên lửa SAM và máy bay MiG của các ông, không có gì phải lo. Tất cả băn khoăn của chúng tôi đều được họ lập luận biến báo thuyết phục. Nhưng sự thật thì khác hẳn. Nhiều thiết bị trên máy bay ít tác dụng, đội hình cồng kềnh, thông qua mục tiêu rất khó, rút ra không dễ. Vào ra đều có những nhược điểm, mục tiêu to làm mồi cho pháo lớn, tên lửa và cả MiG của các ông. Thế chủ động thuộc về các ông. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Lúc chúng tôi vừa đến địa điểm để triển khai đội hình ổn định thông qua mục tiêu thì phòng không các ông đã bắn rực đỏ cả trời. Thế là các ông đã thấy chúng tôi từ xa!
Những ngày tiếp theo lại có thêm nhiều phi công bị ta bắt sống ở Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo nhau vào làm khách không mời trại giam Hỏa Lò. Họ cùng có chung một nỗi khiếp sợ lưới lửa phòng không Hà Nội. Một trong số những phi công bị bắt, thú nhận:
- Máy bay chúng tôi bị tên lửa bắn trúng. Chúng tôi sợ quá phải nhảy dù từ 9000m. Đêm tối như mực phía dưới, chưa có đêm nào trong đời khủng khiếp đến như thế. Đó có lẽ là nỗi kinh hoàng nhất đời tôi. Hình như các máy điện tử trên B-52 không có tác dụng gì hết về nhiễu. Các ông dưới đất vẫn thấy rõ chúng tôi. Hệ thống nhiễu không có hiệu quả thì hệ thống tác chiến điện tử mất tác dụng. B-52 bị các ông bắn hạ là tất yếu thôi".
Các Hơ-bớt Gip-cốt bị bắt ngày 28-12-1972 khai:
- Tại căn cứ An-đơ-sơn, thiệt hại của không quân chiến lược coi là rất nặng nề. Đơn vị tôi tham gia đánh phá Hà Nội. Từ ngày đầu có nhiều máy bay B-52 bị bắn rơi, những ngày sau, ngày sau nữa tiếp theo, ngày nào cũng có B-52 không trở về… Thật là khủng khiếp!
12 ngày đêm B-52 đánh phá Hà Nội, số phi công tù binh Mỹ ở trại giam Hỏa Lò ngày càng đông thêm. Các phi công tù binh im lặng, trong tâm trạng hồi hộp lẫn lo sợ. Họ nằm nghe B-52 rải thảm Hà Nội, miệng lẩm nhẩm cầu chúa. Họ hiểu, chính quyền Mỹ đã phạm tội hủy diệt đối với loài người. Nhiều người tỏ ra xấu hổ, ân hận, có người nói lên tiếng nói phản đối mục đích giết người hàng loạt của chính quyền Mỹ.
Như vậy, chỉ trong 12 ngày đêm, Mỹ đã mở một cuộc tập kích chiến lược đường không chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Từ ngày 18 đến 29-12-1972 Mỹ đã dùng các loại bom đạn rải thảm hòng hủy diệt Hà Nội với hàng chục nghìn tấn, làm chết 1.300 người dân vô tội. Nhà Trắng và Lầu Năm góc tin chắc rằng, bằng cuộc tập kích bất ngờ với sức mạnh lớn nhất của máy bay chiến lược B-52 sẽ đè bẹp được ý chí của Việt Nam, bắt Việt Nam chấp nhận mọi yêu cầu ngang ngược của Mỹ tại Hội nghị Pa-ri. Nhưng thực tế hoàn toàn không theo ý đồ ngông cuồng của giới quan chức chóp bu Nhà Trắng và Lầu Năm góc, sức mạnh Việt Nam đã một lần nữa làm nên một Điện Biên Phủ mới - "Điện Biên Phủ trên không".
Sau này, Ních-xơn đã phải cay đắng thừa nhận trong hồi ký của mình "No more Vietnams": "Thất bại ở Việt Nam buộc chúng tôi phải ký kết hiệp định Pa-ri, là thảm họa lớn nhất của nước Mỹ. Từ nay không ai còn muốn những Việt Nam nữa".
 Bài và ảnh: HỒNG HẢI-NGUYỄN NGỌC - QĐND Online
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC