Tham dự buổi làm việc có các Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Hiệu và Phạm Bảo Sơn; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu của ĐHQGHN gồm: Viện Công nghệ thông tin, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Trần Nhân Tông. Tại buổi làm việc, đại diện các viện nghiên cứu của ĐHQGHN đã báo cáo về hoạt động của đơn vị theo các mảng công tác gồm: tổ chức cán bộ, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác và phát triển, đánh giá mức độ hoàn thành các KPI được giao. Đồng thời, các viện nghiên cứu cũng nêu những tồn tại, hạn chế cũng như những đề xuất, kiến nghị để phát triển đơn vị trong thời gian tới. Thông tin tới các viện nghiên cứu của ĐHQGHN, Giám đốc Lê Quân cho biết, nhiều nội dung liên quan giáo dục và đào tạo nói chung, về ĐHQG nói riêng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XIII. Trong đó, ĐHQGHN được giao xây dựng đề án phát triển trở thành đại học trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt. Giám đốc Lê Quân đề nghị, các đơn vị thành viên và trực thuộc cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm năm học và Chiến lược phát triển ĐHQGHN, nỗ lực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ này; đặc biệt, ưu tiên phát triển các viện nghiên cứu của ĐHQGHN thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc vào năm 2030. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, năm 2023 được ĐHQGHN xác định là năm đột phá về hoạt động KH&CN. Bên cạnh những chính sách về KH&CN đã ban hành và triển khai trong thời gian qua, ĐHQGHN tập trung phát triển các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KH&CN, tháo gỡ vướng mắc về việc thành lập doanh nghiệp KH&CN. Với định hướng phát triển KH&CN tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQGHN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, tạo động lực thúc đẩy phát triển các tiềm lực KH&CN và đổi mới sáng tạo. Các chính sách của ĐHQGHN đưa ra theo hướng đầu tư tập trung “vun cao”, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình/đề tài KH&CN trọng điểm quốc gia. Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành đã và đang được tăng cường, đặc biệt là chiến lược phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành tại Khu 22,9 ha ở Hòa Lạc để đổi mới việc tổ chức nghiên cứu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tới tạo ra các nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và các sản phẩm KH&CN ứng dụng trong thực tiễn. Giám đốc Lê Quân đề nghị các viện nghiên cứu của ĐHQGHN cần ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế, làm hạt nhân tăng cường năng lực KH&CN của đơn vị mình và của ĐHQGHN, gắn các nhóm nghiên cứu mạnh với phát triển đội ngũ; thu hút và đẩy mạnh gắn kết hợp tác với doanh nghiệp, địa phương để đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào đời sống, phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đề nghị, các viện nghiên cứu cần tiếp tục xây dựng và hình thành nhóm nghiên cứu mạnh nhằm tạo các sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu của đơn vị mình; tận dụng các chính sách của ĐHQGHN để thu hút, tuyển dụng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong nước với các địa phương và doanh nghiệp có ký kết thỏa thuận với ĐHQGHN. Các viện nghiên cứu cần đẩy mạnh các nghiên cứu mang tính thực tiễn ứng dụng, tư vấn chính sách cho các địa phương, tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp. Các tin liên quan: - Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo - Cần chính sách ưu đãi dành cho đơn vị nghiên cứu trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh - Giám đốc ĐHQGHN đối thoại cùng các nhà khoa học trẻ - Giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm khoa học công nghệ tại ĐHQGHN cần gắn với thực tiễn xã hội - Tập trung đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia
|