Nghiên cứu của Giáo sư Edmund S. Phelps giúp hiểu biết sâu sắc hơn về mối tương quan giữa hiệu ứng ngắn và dài hạn của chính sách kinh tế. Những phân tích của ông cho phép dung hoà được những yêu cầu cấp bách đôi khi trái ngược nhau, chẳng hạn như yêu cầu về lạm phát và thất nghiệp, để từ đó xác định một chính sách kinh tế vĩ mô. Cụ thể, ông đã chứng minh được tại sao và bằng cách nào chính sách ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai lại phụ thuộc vào những quyết định của ngày hôm nay.
Ông còn cảnh báo rằng không chỉ tiết kiệm và gây vốn, mà sự cân bằng giữa lạm phát và thất nghiệp cũng là nền tảng để phân chia lại của cải. Giáo sư Edmund S. Phelps khẳng định các dự báo về lạm phát có thể ăn sâu vào nền kinh tế, dẫn đến giảm phát bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao. Điều này cũng có nghĩa là nếu các dự báo được kiểm soát, nền kinh tế có thể hoạt động với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn.
Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết công trình nghiên cứu lý thuyết kinh tế của giáo sư Phelps được phát triển từ cuối những năm 1960 đã giúp các chuyên gia kinh tế hiểu được tại sao giá cả và tỷ lệ thất nghiệp lại tăng đột biến trong thập niên 1970. Theo đánh giá của giới chuyên môn, giải Nobel Kinh tế năm nay đánh dấu sự quay trở lại với phương thức tiếp cận kinh tế mang tính truyền thống hơn, vì giải Nobel Kinh tế năm ngoái thuộc về hai chuyên gia về lý thuyết trò chơi.
Giáo sư Phelps cho biết ông nhận được tin báo qua điện thoại vào lúc 6 giờ sáng. Ông cũng cho biết là mình đã chờ đợi rất lâu nhưng không dám nghĩ là năm nay sẽ có được vinh dự này.
 |
Vua Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia của Thụy Điển chụp ảnh cùng Giáo sư Edmund S. Phelps và vợ ông, Viviana, tại lễ công bố giải Nobel. |
|