
Đô thị nào dù lớn dù nhỏ cũng đồng thời là một không gian vật thể, tức là một tập hợp các công trình xây dựng kế tục và kế cận, được phục vụ bởi các mạng lưới của kỹ thuật hạ tầng, tại một địa điểm của môi trường thiên nhiên ít nhiều đã bị khai thác cho các mục tiêu của hoạt động kinh tế - xã hội con người. Nơi đó cũng là một không gian kinh tế mạnh - tập hợp các cơ sở sản xuất ở ba khu vực kinh tế chính quy và cả phi chính quy. Ở đó còn hàm chứa một không gian văn hóa - xã hội có ưu thế của đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của cộng đồng người liên kết với nhau bằng một lối sống chung để làm cho quần cư họ ở trở thành nơi chốn. Đi tìm nguồn gốc từ nguyên của đô thị trong ngôn ngữ các quốc gia trên thế giới cho thấy cách thức diễn ngôn phong phú về đô thị từ cổ chí kim. Chiêm nghiệm sự xuất hiện của đô thị, tới các chức năng nó tự đảm nhận trên con đường tiến hóa, tới hình thể dàn trải của đô thị trên không gian lãnh thổ, ở một mặt là hình chiếu của trình độ phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ và văn hóa. Ở mặt khác, đó là nơi chốn tập thể của cộng đồng người gắn bó với nhau không những trong làm ăn, sinh sống, mà cả trong truyền thống, tập quán, hội hè, lễ nghi và tín ngưỡng. Những phức tạp, rối rắm ấy cộng với những hệ quả của hội nhập kinh tế và giao thoa văn hóa đã làm nảy sinh rất nhiều nghịch lý. Quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam không phải là ngoại lệ. Từ quá trình cộng sinh không gian giữa hai yếu tố “đô” (hay “thành”) và “thị” (hay “phố”) thời kỳ phong kiến, qua sự biến đổi sang mô hình hiện đại trong cuộc gặp gỡ Đông - Tây thời Pháp thuộc, rồi những tác động từ những xu hướng mới từ bên ngoài giai đoạn chiến tranh - cấm vận. Đô thị Việt Nam ngày nay đang nằm trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất lịch sử với 811 đô thị (năm 2020). Đất nước đang phát triển với những bước tiến rất lớn – nếu so sánh với xuất phát điểm “đói nghèo” ở thời điểm “đổi mới”. Động lực của sự phát triển chủ yếu từ khu vực đô thị - với tỉ trọng đóng góp hơn 70% GDP cho cả nước. Cho dù diện tích đất thuộc ranh giới hành chính đô thị chiếm khoảng 10%, với trên 60% dân số . Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam được đánh giá là dẫn đầu Đông Nam Á với mức độ tăng trưởng 3% mỗi năm, số đô thị tăng gấp 13 lần so với hơn 30 năm trước (năm 1989 cả nước mới có 62 đô thị). Đi kèm với sự phát triển là những nghịch lý không hề nhỏ. Theo OECD nghịch lý đô thị hóa ở Việt Nam thể hiện ở chỗ: i) Đô thị hóa xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hóa; ii) Trình độ lao động đô thị thấp (năm 2015 có 80% lao động đô thị không bằng cấp chuyên môn); iii) Hạ tầng giao thông yếu kém (điển hình là đất giao thông Hà Nội bình quân đầu người là 4,8m2, Thành phố Hồ Chí Minh là 2,9m2; và iv) Dân cư đô thị đang thực sự mất kết dính xã hội khi dân nhập cư đổ về các thành phố lớn. 
Sự phát triển của đô thị ở nước ta ngày nay đang được chú ý và luôn tạo nên những ý kiến đa chiều, đa diện, cho dù một công trình nhỏ hay vấn đề lớn. Cây cầu dự kiến xây ở Hà Nội có hơi hướng kiến trúc thời thuộc địa, lại mang tên danh tướng Trần Hưng Đạo đã phải nghiên cứu lại. Những tuyến đường sắt đô thị chậm hoàn thành - đưa vào sử dụng bởi những lý do ngoài lĩnh lực quy hoạch - kiến trúc gây nên nhiều hệ lụy. Việc xây dựng khu đô thị ven biển gần vùng dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, phải tính đến vấn đề bảo vệ sự đa dạng sinh hoạt trong hệ sinh thái tự nhiên - xã hội. Việc bảo tồn những biệt thự Pháp và rừng thông tuyệt đẹp ở Đà Lạt đang hết sức khó khăn trong trào lưu đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa dẫn đến sự phân hóa giàu - nghèo, gia tăng cách biệt về đời sống giữa đô thị và nông thôn, làm thay đổi tập quán văn hóa của người dân cả tích cực và tiêu cực. Ngay giờ đây, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang đặt ra vấn đề về giải quyết nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, cũng như trào lưu di dân tự do từ nông thôn vào đô thị tìm kiếm sinh kế,… Và rất nhiều vấn đề lớn tác động đến đô thị mang tính hệ thống có thể dẫn đến những thay đổi từ gốc rễ - học thuật. Đô thị không xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Nó cũng không được lập ra để tạo công ăn việc làm cho các nhà kiến trúc, quy hoạch, xây dựng mà sự hiện diện của đô thị liên quan với các hiện tượng xã hội và kinh tế, những động lực của lịch sử loài người. Cho nên nghiên cứu về đô thị không chỉ là nghiên cứu về cách thức và phương pháp xây dựng nên nó, dù rằng thoạt nhìn thì đó là điều đập vào mắt ta trước tiên. Cần có sự tham gia và đóng góp của các chuyên gia ở nhiều bộ môn khoa học khác nhau: kinh tế học, địa lý học, nhân học, xã hội học, biểu tượng học,… Trên bình diện đào tạo, nghiên cứu, lĩnh vực đô thị là bộ môn khoa học hết sức phức tạp, nằm tại ranh giới giữa các khoa học xã hội nhân văn và khoa học kỹ thuật, giữa sáng tạo nghệ thuật và các kỹ xảo công nghệ, giữa cuộc sống hằng ngày và các quyết định chính trị, giữa các ước vọng giản đơn của người nghèo và những sở thích đôi khi kỳ cục của người giầu, giữa cái gu chủ quan của nhà kiến trúc với những luận đề lôgic của môi trường xây dựng. Thực tế, các trường đại học ở Việt Nam trước đây và hiện nay vẫn đang đào tạo đô thị thiên về khía cạnh kỹ thuật - nghệ thuật, hoặc mang hơi hướng xã hội mà yếu tố liên ngành còn rất mờ nhạt. 
Đào tạo về đô thị ở Đại học Quốc gia Hà Nội, mới ra đời và sau nhiều cơ sở đào tạo đại học khác ở Việt Nam, nhưng đã lựa chọn một hướng đi một cách khác hẳn, hiện đại và hội nhập quốc tế; dựa trên giá trị cốt lõi đã được định danh: “Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững”. Nhận diện những tồn tại bất cập của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam mà mấu chốt, hiện nay, nằm ở công tác lập chính sách - chiến lược, quản lí phát triển thiếu tính hệ thống, liên vùng, chủ yếu theo hướng đơn ngành. Thực tiễn này đòi hỏi phải thay đổi tư duy về quản lí và phát triển đô thị nhằm khơi thông các tiềm năng đô thị thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh đất nước bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quá trình đô thị hóa đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao với tầm tư duy hệ thống; thay đổi tiếp cận đô thị từ đơn ngành sang liên ngành, từ tư duy quản lí đô thị sang quản lí gắn với phát triển. Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị (QLPTĐT) là chương trình liên ngành định hướng ứng dụng, trang bị cho người học những kiến thức và kĩ năng cần thiết trong thực tế QLPTĐT ở các lĩnh vực chính sách, môi trường, xã hội, dân cư, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, công nghệ. Do vậy, dù chỉ mới tuyển sinh ở bậc sau đại học khóa thứ hai, nhưng chương trình đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ người học và nhiều chuyên gia. 
Một số hoạt động khoa học về đô thị mới chỉ ở mức cấp độ bộ môn, khoa, nhưng đã tạo nên sự chú ý của giới khoa học: Tọa đàm “Lịch sử quy hoạch Hà Nội - những vấn đề đương đại”; “lượng giá di sản văn hóa vật thể lý thuyết và nghiên cứu thực tế tại Phố cổ Hội An”; Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều tại Việt Nam”,… là những ví dụ như vậy. Các hoạt động khoa học này không chỉ gắn với đòi hỏi tích hợp của Luật Quy hoạch hiện nay; mà còn gợi mở ra những hướng nghiên cứu, đào tạo tiếp theo. Khảo sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đô thị thông minh, cũng được khởi nguồn từ sự chủ động phát triển bởi những ý tưởng nghiên cứu về đô thị, trong bối cảnh cần có những đột phá, đi tắt đón đầu xu thế rất hiện đại này. Những kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy nhu cầu học sinh, sinh viên và đơn vị sử dụng lao động ở lĩnh vực đô thị thông minh ở 4 thành phố Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Đào tạo và nghiên cứu về đô thị theo cách tiếp cận liên ngành, hướng đến những kiến tạo nhằm quản trị phát triển đô thị thông minh và bền vững ở Việt Nam thực sự là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Lĩnh vực này hứa hẹn tạo nên nền móng và chìa khóa để giải quyết các vấn đề của quá trình đô thị hóa hiện tại cũng như trong tương lai, một cách khoa học và biện chứng.
|