Nhóm nghiên cứu
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Nhóm nghiên cứu  >  
Nhóm nghiên cứu lịch sử và quan hệ thương mại Châu Á

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÓM NGHIÊN CỨU
1. Tên nhóm:
NHÓM NGHIÊN CỨU THƯƠNG MẠI CHÂU Á
Trưởng nhóm: PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
2. Các thành viên
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn; TS.Nguyễn Mạnh Dũng; TS. Phạm Văn Thủy; ThS. NCS. Bùi Hữu Tiến; ThS. Nguyễn Nhật Linh; ThS.Vũ Thị Xuyến; TS. Dương Văn Huy; NCS. Đỗ Trường Giang; NCS. Nguyễn Tiến Dũng; ThS. NCS.Lê Thị Khánh Ly; ThS. Lê Thế Lâm
3. Thời gian hoạt động
Thành lập năm 1999, “Nhóm Nghiên cứu thương mại châu Á” (Group of Asian Commercial Studies, USSH, VNU) là sự phát triển tiếp nối từ truyền thống và nền tảng học thuật của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhóm thành lập trên cơ sở một số thành viên của Bộ môn Lịch sử thế giới, Khoa Lịch sử. Trong quá trình phát triển, thành viên của Nhóm luôn có sự mở rộng nhưng chủ yếu vẫn là các sinh viên tốt nghiệp từ Bộ môn và Khoa Lịch sử. Đến nay, Nhóm đã trải qua 15 năm xây dựng, phát triển và đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế.
4. Định hướng nghiên cứu
Từ năm 1990, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Trước những điều kiện lịch sử mới và yêu cầu đặt ra đối với giới nghiên cứu, vì sự phát triển của đất nước và yêu cầu tự thân của các ngành học, nhiều nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong đó có đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu về Lịch sử thế giới nhận thấy phải đổi mới trong tư duy và hành động. Trong nhận thức, chúng tôi cho rằng, phải mau chóng thích ứng, hội nhập với môi trường học thuật khu vực, quốc tế đồng thời mạnh dạn đi sâu vào các lĩnh vực nghiên cứu mới, góp phần làm sáng tỏ những đặc tính tiêu biểu và vị thế của Việt Nam với tư cách là một thành viên của cộng đồng thế giới. Nghiên cứu đó còn được thực hiện trong bối cảnh, biển, đại dương ngày càng đóng vai trò quan trong trong sự phát triển của thế giới. Nhiều chuyên gia, nhà phân tích chiến lược cho rằng, thế kỷ XXI là “Thế kỷ của đại dương”.  
Thực hiện phương châm: Nghiên cứu Lịch sử thế giới phải xuất phát từ vị thế của Việt Nam, đặt trong mối quan hệ và vì lợi ích của Việt Nam, Nhóm NCTMCA đã xác định hướng nghiên cứu căn bản, chuyên sâu về thương mại đặc biệt là giao thương trên biển của Việt Nam với các quốc gia Đông Á và thế giới. Định hướng nghiên cứu đó không chỉ góp phần làm rõ truyền thống khai thác biển, phát triển kinh tế biển, các mối giao thương trên biển trong lịch sử Việt Nam mà còn hướng đến một cái nhìn toàn diện về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Từ việc tập trung nghiên cứu thương mại biển, Nhóm cũng quan tâm nghiên cứu quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong quá trình đào tạo, nghiên cứu, Nhóm luôn coi trọng việc tiếp thu, phát triển hệ thống lý thuyết, phương pháp và luôn gắn lý thuyết, lý luận, phương pháp nghiên cứu với thực tiễn để xây dựng, củng cố những nền tảng căn bản nhằm hướng đến sự phát triển lâu dài của Nhóm và của một lĩnh vực nghiên cứu mới.  
Trong thời gian qua, các thành viên Bộ môn Lịch sử thế giới và Nhóm NCTMCA thuộc Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH & NV đã có nhiều cố gắng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Về nghiên cứu, Nhóm đặt trọng tâm vào các vấn đề sau:
1. Truyền thống khai thác biển của Việt Nam và các cộng đồng cư dân khu vực;
2. Tâm thức và tư duy hướng biển của người Việt và các cộng đồng cư dân sống trên lãnh thổ Việt Nam;
3. Các nền văn hóa, không gian văn hóa biển, đặc trưng và vai trò của các không gian văn hóa biển;
4. Sự hình thành, hoạt động và vai trò của các cảng thị, cảng đảo và mối liên hệ của nó với các cảng sông, các trung tâm kinh tế, chính trị trong nước, quốc tế;
5. Các Thể chể biển và mối liên hệ với các Thể chế nông nghiệp, Thể chế lâm nghiệp;
6. Mối quan hệ giữa biển với lục địa, sự hình thành các tuyến giao thương, các nguồn thương phẩm;
7. Hoạt động giao thương trên biển của người Việt và mối liên hệ giữa người Việt với các cộng đồng thương nhân Á - Âu;
8. Quá trình tiếp giao, truyền bá và ứng đối xã hội, văn hóa;
9. Xác lập, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử;
10. Xây dựng nguồn tư liệu, thông tin về biển đảo và các hoạt động kinh tế ngoại thương của Việt Nam cũng như các quốc gia khu vực, các nước có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam...
Những định hướng nghiên cứu trên đây góp phần hướng đến một nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về lịch sử Việt Nam cũng như vị thế, vai trò của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế. Các định hướng nghiên cứu đó cũng sẽ làm rõ hơn tiềm năng của kinh tế biển Việt Nam, chuẩn bị những luận cứ, cơ sở khoa học cho việc xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, khai thác, phát huy các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo và việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG 5 NĂM GẦN ĐÂY
Trong hơn 15 năm qua, nhiều thành viên trong Nhóm đã thực sự trưởng thành. Nhiều anh chị em đã có những tiến bộ vượt bậc. Cho đến nay, tất cả các thành viên chính thức của Nhóm (tuổi đời từ 25 đến 35) đã có học hàm PGS, học vị TS và ThS. Trong 5 năm qua và hy vọng trong khoảng 5 năm tới, hầu hết các thành viên sẽ có học vị Tiến sĩ và khoảng 1 đến 2 người sẽ đạt học hàm PGS. Một số thành viên trong Nhóm đã và sẽ nhận học vị Tiến sĩ ở nước ngoài.
Trong quá trình đào tạo và tự đào tạo, nhiều thành viên của Nhóm có thể sử dụng 2 hoặc 3 ngoại ngữ trong giao tiếp, nghiên cứu. Tất cả các thành viên chủ chốt đều đã có điều kiện đi học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hay trao đổi khoa học, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài: Hà Lan, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan v.v...
Trong phối hợp và được sự giúp đỡ của Nhà trường và Khoa Lịch sử, Nhóm đã tổ chức, tham gia nhiều Hội thảo, tọa đàm khoa học. Trong số đó tiêu biểu là Hội thảo: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á, Thương cảng Vân Đồn - Lịch sử, tiềm năng kinh tế và các mối giao lưu văn hóa, Bốn thế kỷ quan hệ Việt Nam - Hà Lan... Kết quả nghiên cứu, hội thảo khoa học đều có tính xã hội hóa cao và được trích dẫn trong nhiều công trình nghiên cứu. Kết quả của các công trình nghiên cứu còn phục vụ cho công tác quản lý khoa học, xây dựng chính sách. 
Trong những năm qua, chỉ riêng 7 thành viên chủ chốt trong Nhóm đã xuất bản được trên 300 công trình bao gồm sách và bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, quốc tế. Một số thành viên trong Nhóm hiện là giảng viên, cán bộ nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong quá trình hoạt động, tất cả các thành viên của Nhóm đều thường xuyên có điều kiện tham gia các hoạt động khoa học trong nước, quốc tế. Nhiều thành viên hiện đã tốt nghiệp và theo học chương trình NCS tại Đại học Leiden (Hà Lan), Đại học Đài Bắc (Đài Loan), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Inha (Hàn Quốc)... Trong 5 năm qua, có 3 thành viên trong Nhóm đã bao vệ thành công (xuất sắc) luận án tiến sĩ, 1 thành viên của Nhóm được phong Phó Giáo sư năm 2012. Hiện nay, có 5 thành viên trong Nhóm đã và đang hoàn thành luận án để chuẩn bị bảo vệ chính thức.
Trong những năm qua, 100% thành viên của Nhóm đều có cơ hội tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Tất cả các thành viên đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu của Nhóm và một số nhà khoa học khác làm chủ nhiệm. Khuynh hướng đào tạo chuyên sâu, thể hiện tính chuyên nghiệp để tiến tới có thể trở thành chuyên gia trên các lĩnh vực học thuật là mục tiêu đào tạo, gắn với nghiên cứu của Nhóm.
Với sự hỗ trợ, động viên của Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế... Nhóm Nghiên cứu thương mại châu Á đang nỗ lực học tập, nghiên cứu, giảng dạy, hội nhập quốc tế nhằm góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của đất nước và ngành học.
Về lĩnh vực đào tạo: Nhóm đã tham gia hướng dẫn thành công 3 NCS (2 hướng dẫn chính, 1 HD phụ); đang đào tạo 8 NCS; Số lượng thạc sĩ đã đào tạo: 25; Số lượng thạc sĩ đang đào tạo: 12.
III. CÁC ĐỀ TÀI NHÓM THAM GIA VỚI TƯ CÁCH CHỦ NHIỆM, THÀNH VIÊN (Xem chi tiết tại đây)
3.1. Chủ nhiệm (chủ trì) đề tài:
- Nam Bộ từ thế kỷ VII đến XVI. Đề tài khoa học thuộc Đề án “Quá trình hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ” (GS. Phan Huy Lê, Chủ trì). Bộ Khoa học Công nghệ, 2007-2011.
- Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam. Đề tài khoa học Nhóm A (Đề tài trọng điểm), ĐHQGHN. Mã số: QGTĐ 10.25 (Chủ nhiệm), ĐHQG HN, 2010-2012.
- Tác động của tiếp biến và hội nhập văn hóa đến phát triển ở Việt Nam hiện nay. Đề tài khoa học cấp Nhà nước. Mã số KX.03.04/11-15 (Chủ nhiệm, đang thực hiện).
3.2. Tham gia, thành viên đề tài:
- Giáo dục Thăng Long - Hà Nội, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đề tài khoa học cấp Nhà nước. Mã số KX.09.07 (PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm), Bộ Khoa học Công nghệ, 2007-2009.
- Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước - Những bài học về quản lý và phát triển. Đề tài khoa học cấp Nhà nước. Mã số KX.09.02 (PGS.TS. Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm). Bộ Khoa học và Công nghệ, 2007-2009.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức và quản lý nhà nước đặc thù của các đô thị trực thuộc trung ương nước ta hiện nay. Đề tài khoa học cấp Nhà nước. Mã số KX 02-03/06-10 (GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ nhiệm). Bộ Khoa học Công nghệ, 2007-2010.
3.3. Các công trình đã công bố ở nước ngoài
3.3.1.Công bố trên các tạp chí quốc tế (có chỉ số quốc tế)

STT
Tên bài báo

Tên tạp chí
Danh mục
SCI, SCIE, SSCI, A&HCI, SCOPUS
Thời điểm công bố
1
From Japan to Manila and Back to Europe: The English Abortive Trade with Tonkin in the 1670s.
Itinerario: International Journal on the History of European Expansion and Global Interaction, the Netherlands, vol. XXIX, no. 3/2005, pp. 73-92.
ISSN: 0165-1153  EISSN: 2041-2827
2005
2
Formation of the “Oceanic Network” in East Asia before the Opening of Ports and Subsequent Developments: Focusing on Hoi An (Special article).
The Journal of Korean Studies, Inha University
ISSN 1225-469X 
2009
3
Traditon and Trade Activities of Vietnamese: Historical Fact and Understandings.
Journal of the World of the Orient
ISSN 1608-0599
2013
4
The Political Framework of Economic Decision-making in Indonesia and Vietnam, 1945-1950.
Lembaran Sejarah Journal
ISSN: 1410-4962
2013

3.3.2. Các bài báo dự định công bố năm học 2014 - 2015 của nhóm:
STT
Tên bài báo

Tên tạp chí dự đinh đăng tải
Danh mục
(ghi rõ: SCI, SCIE, SSCI, A&HCI, SCOPUS)
Thời điểm công bố
(dự kiến tháng/năm)
1
Indonesia and the Malay World
Origins of Pragmatism: Determinants of Indonesian Economic Policy in the 1950s
A&HCI, ISSN: 1363-9811
2014
2
Journal of Southeast Asia Studies
Same fate, different choices: A comparison of decolonization in Indonesia and Vietnam, 1945-1960
SSCI, ISSN: 0022-4634
2015
IV. KINH NGHIỆM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÓM
Việc tuyển chọn, xây dựng và phát triển nguồn lực nghiên cứu, thành viên chính thức luôn là nhân tố có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Nhóm. Kế hoạch của Nhóm sẽ xây dựng lực lượng nghiên cứu từ 4 đến 5 thế hệ để vừa có sự truyền nối giữa các thế hệ vừa hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Nhóm. Lấy phẩm chất nghiên cứu làm trọng tâm, chúng tôi luôn giữ vững nguyên tắc tuyển chọn theo các tiêu chí cơ bản sau: 1. Say mê nghiên cứu và có năng lực thực sự trong nghiên cứu; 2. Trung thực, luôn xác định rõ mục tiêu và trách nhiệm nghề nghiệp; 3. Có tình cảm dân tộc sâu sắc, tư duy năng động và quan điểm quốc tế trong nghiên cứu.
Trong 15 năm qua, Nhóm nghiên cứu thương mại châu Á luôn không ngừng củng cố, phát triển 3 giá trị cốt lõi: Tình cảm thầy - trò, Tình đồng nghiệp; và Tình cảm “gia đình” gắn bó mật thiết, sẻ chia giữa các thành viên trong Nhóm. Thông thường, từ khoảng năm thứ 2 đại học, lãnh đạo Nhóm đã lựa chọn một số sinh viên có chí hướng, năng lực nghiên cứu để “giao nhiệm vụ”, “thử thách”. Từ đó, lãnh đạo Nhóm có thể tiến tới xác định vấn đề nghiên cứu, phạm vi chuyên môn mà thành viên đó có thể đi sâu và gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu lâu dài. Như vậy, từ khoảng năm thứ hai hay thứ ba, nhiều thành viên đã có thể bắt đầu sưu tầm tư liệu, làm quen với công tác nghiên cứu, với các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể và tích cực học tập lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, ngoại ngữ... Ngoài tiếng Anh, tùy theo định hướng nghiên cứu, các thành viên trong Nhóm còn học thêm tiếng Pháp, Trung, Nhật, Hàn hay tiếng Chăm, tiếng Indonesia, Thái v.v...
Bên cạnh việc kiên định với các định hướng nghiên cứu đã được xác định, lãnh đạo và thành viên trong Nhóm cũng đồng thời tiếp tục đi sâu tìm hiểu, mở rộng không gian, đối tượng nghiên cứu. Các thành viên trong Nhóm luôn có ý thức vươn lên về chuyên môn, không ngừng cập nhật thông tin, tiếp cận với các khuynh hướng, thành tựu nghiên cứu mới về biển và thương mại quốc tế. Nhờ có những nỗ lực trong nghiên cứu mà nhiều công trình nghiên cứu (sách, chuyên luận...) đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế. Chúng tôi luôn coi chất lượng nghiên cứu, trình độ học thuật của Nhóm đó là yếu tố quan trọng nhất đối với sự tồn tại và phát triển của Nhóm hiện tại cũng như trong tương lai.
Về thành phần, một số thành viên của Nhóm là giảng viên của các trường Đại học nhưng cũng có những thành viên khác đang học tập, nghiên cứu, công tác ở các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý khoa học trong và ngoài nước. Trong quan hệ hợp tác, Nhóm nghiên cứu đã có quan hệ hợp tác với nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cùng với các thành viên và thành viên chủ chốt, Nhóm nghiên cứu thương mại châu Á còn mời: GS.NGND. Vũ Dương Ninh, PGS.TS, NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ (Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN), GS.TS Sakurai Yumio (Đại học Quốc gia Tokyo), GS.TS Kikuchi Seiichi (Đại học Chiêu Hòa), GS.TS Momoki Shiro (Đại học Osaka, Nhật Bản), GS.TS Bruce Lockhart (Đại học Quốc gia Singapore)... làm Cố vấn khoa học đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, xuất bản, tăng cường hợp tác quốc tế và sự phát triển của Nhóm.





 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :