NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Hướng dẫn này quy định việc thực hiện công tác trao đổi sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là chương trình trao đổi sinh viên) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) với các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu có uy tín trên thế giới (sau đây gọi chung là các trường đại học đối tác).
2. Hướng dẫn này áp dụng đối với các đơn vị thành viên, trực thuộc của ĐHQGHN (sau đây gọi là các đơn vị) có sinh viên tham gia chương trình trao đổi sinh viên do ĐHQGHN hoặc các đơn vị ký kết với các trường đại học đối tác.
Điều 2. Mục tiêu
1. Tạo cơ hội cho sinh viên của ĐHQGHN được học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường giáo dục quốc tế; tăng cường khả năng học và sử dụng ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
2. Thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu, tăng cường mức độ quốc tế hóa của ĐHQGHN.
3. Tiếp cận và chuyển giao kinh nghiệm quản trị đào tạo và quản trị người học tiên tiến ở ĐHQGHN.
4. Góp phần quảng bá, phát triển thương hiệu và nâng cao vị thế của ĐHQGHN trên trường quốc tế.
Điều 3. Nguyên tắc
1. Thực hiện đúng các điều khoản đã được nêu trong các văn bản ký kết giữa ĐHQGHN hay các đơn vị với các trường đại học đối tác.
2. Thực hiện đúng pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của mỗi nước, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và quyền lợi của mỗi bên và của sinh viên; phù hợp với các chính sách, quy định trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của mỗi quốc gia.
3. Phát huy được hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và hoàn thiện phương thức quản trị đại học.
4. Đảm bảo và huy động được các nguồn kinh phí khác nhau cho hoạt động đào tạo.
5. Thực hiện đúng chế độ báo cáo và quản lý theo quy định.
Điều 4. Chương trình trao đổi sinh viên
Chương trình trao đổi sinh viên là hoạt động tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến tham quan, giao lưu hoặc học tập ngắn hạn ở ĐHQGHN và gửi sinh viên của ĐHQGHN đi tham quan, giao lưu hoặc học tập ngắn hạn ở các trường đại học đối tác trong khuôn khổ các văn bản thỏa thuận mà ĐHQGHN đã ký kết và trong khuôn khổ các hoạt động của các hiệp hội đại học mà ĐHQGHN là thành viên.
Điều 5. Hình thức trao đổi sinh viên
Có hai hình thức trao đổi
1. Trao đổi theo chương trình thiết kế: Là hình thức trao đổi trong đó sinh viên chỉ tham gia các chương trình tham quan, giao lưu, học tập ngắn hạn từ 1 tuần đến 3 tháng nhưng không được cấp chứng nhận hoặc/và chứng chỉ.
2. Trao đổi tín chỉ (credits transfer): Là hình thức trao đổi trong đó sinh viên tham dự một số môn học phù hợp với thời hạn từ 1 tuần đến 1 năm học. Kết thúc chương trình trao đổi, tùy theo kết quả học tập sinh viên được cấp chứng chỉ hoặc/và chứng nhận cho số tín chỉ đã hoàn thành. Với hình thức trao đổi này, ĐHQGHN thừa nhận tín chỉ do các trường đối tác có uy tín cấp dùng để thay thế các môn học tương đương trong chương trình đào tạo của ĐHQGHN.
Điều 6. Ký kết các văn bản trao đổi sinh viên
1. Ngoài các văn bản do ĐHQGHN cam kết thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của các hiệp hội đại học hoặc các văn bản ĐHQGHN ký kết với các trường đại học đối tác, trên cơ sở năng lực thực tế, các đơn vị được chủ động ký kết với các trường đại học đối tác về các chương trình trao đổi sinh viên theo hình thức trao đổi theo chương trình thiết kế hoặc trao đổi tín chỉ.
2. Các đơn vị chỉ ký kết chương trình trao đổi sinh viên với những trường đại học đối tác có uy tín.
3. Các điều khoản trong văn bản ký kết phải có tính khả thi.
4. Đối với những điều khoản ký kết liên quan đến sự phối hợp của các đơn vị thuộc ĐHQGHN để thực hiện, đơn vị chủ trì phải trao đổi thật kỹ với các đơn vị có liên quan để có sự thống nhất cao khi triển khai thực hiện.
Điều 7. Xây dựng nội dung chương trình trao đổi ở ĐHQGHN
1. Chương trình thiết kế chủ yếu là các chương trình tham gia các hội thảo khoa học, lớp học mùa đông, mùa hè, các chương trình giao lưu, tham quan... do ĐHQGHN/các đơn vị tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị tài trợ đồng tổ chức. Nội dung của các chương trình trao đổi này được thiết kế cho mỗi trường hợp cụ thể, phù hợp với mục đích, yêu cầu của từng hoạt động.
2. Chương trình trao đổi tín chỉ
2.1. Chương trình trao đổi tín chỉ có thể tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập đối với các môn học trong các chương trình đào tạo ở ĐHQGHN đang giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
2.2. Sinh viên muốn được tiếp nhận vào học chương trình trao đổi tín chỉ phải có trình độ tiếng Việt hoặc tiếng Anh (tùy thuộc vào môn học đăng ký) đạt yêu cầu quy định được nêu trong “Hướng dẫn quản lý lưu học sinh ở ĐHQGHN” (ban hành theo Quyết định số 3925/QĐ-ĐHQGHN ngày 27/12/2011).
CHƯƠNG TRÌNH TRAO ĐỔI SINH VIÊN NƯỚC NGOÀI
Điều 8. Thông báo về việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài
Hàng năm trên cơ sở các điều khoản đã được ký kết, đơn vị được Giám đốc giao làm đầu mối công tác trao đổi sinh viên của ĐHQGHN hoặc của các đơn vị xây dựng kế hoạch tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến trao đổi, báo cáo Giám đốc ĐHQGHN hoặc Thủ trưởng đơn vị phê duyệt. Sau khi kế hoạch đã được phê duyệt, các đơn vị làm đầu mối công tác trao đổi sinh viên của ĐHQGHN/của các đơn vị có trách nhiệm thông báo tới các trường đại học đối tác về việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến ĐHQGHN hoặc các đơn vị tham gia các chương trình trao đổi. Thông báo cần được gửi đến các trường đối tác và công bố trên trang web tiếng Việt và tiếng Anh của ĐHQGHN và/hoặc của đơn vị trước thời gian nhập học ít nhất 6 tháng.
Nội dung thông báo cần nêu rõ: số lượng sinh viên, các chương trình trao đổi đã thiết kế, các ngành học sẽ tiếp nhận, đơn vị tổ chức, chương trình, các điều kiện xét tuyển (đặc biệt yêu cầu về trình độ tiếng), hỗ trợ về đi lại, chỗ ở, sinh hoạt phí... kể cả các khoản kinh phí sinh viên cần phải đóng góp cho mỗi chương trình (nếu có), thời hạn cuối cùng tiếp nhận/trả lời các hồ sơ được chấp nhận, mẫu hồ sơ đăng ký (bộ hồ sơ, mẫu hồ sơ, phần phụ lục nếu có), cách đăng ký hồ sơ, cán bộ phụ trách việc tiếp nhận hồ sơ (địa chỉ, điện thoại, email,...).
Điều 9. Xét tuyển và tiếp nhận sinh viên nước ngoài
1. Tiếp nhận và xét hồ sơ
a. Đối với chương trình trao đổi sinh viên theo thỏa thuận của các hiệp hội hoặc do ĐHQGHN ký kết với các trường đối tác
Đơn vị được Giám đốc giao nhiệm vụ phụ trách công tác trao đổi sinh viên làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ của sinh viên từ các trường đối tác gửi đến và tổ chức hội đồng xét tuyển. Hội đồng xét tuyển bao gồm đại diện của đơn vị đầu mối, Ban Quan hệ Quốc tế, Ban Đào tạo, Ban Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên và đại diện của đơn vị có chương trình trao đổi mà sinh viên đăng ký tham gia chương trình trao đổi. Căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, chỉ tiêu, Hội đồng xét chọn của ĐHQGHN có trách nhiệm xét chọn những sinh viên đủ điều kiện tham gia cho mỗi chương trình.
b. Đối với sinh viên trao đổi theo thỏa thuận do các đơn vị ký kết với các trường đối tác
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của các phòng chức năng hoặc các khoa, bộ môn trực thuộc, Thủ trưởng các đơn vị quyết định việc giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ sinh viên nước ngoài đăng ký tham gia chương trình trao đổi theo nội dung đã thông báo đến các trường đối tác. Việc tiếp nhận, xét chọn hồ sơ sinh viên cho mỗi chương trình trao đổi được thực hiện như đối với sinh viên trao đổi theo thỏa thuận do ĐHQGHN ký kết với các trường đối tác.
c. Đối với sinh viên đăng ký tự do
Sinh viên đăng ký tham gia học các môn học của đơn vị nào đăng ký qua địa chỉ liên hệ đã được chỉ dẫn trong thông tin của môn học đó. Đơn vị tiếp nhận sinh viên tổ chức xét duyệt hồ sơ và thông báo kết quả cho sinh viên.
2. Thông báo tiếp nhận sinh viên
Căn cứ vào kết quả xét chọn của Hội đồng, đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách công tác trao đổi sinh viên của ĐHQGHN có trách nhiệm gửi giấy thông báo tiếp nhận đến sinh viên đã được xét chọn (với sinh viên trao đổi do ĐHQGHN ký kết) hoặc của các đơn vị (với sinh viên trao đổi do các đơn vị ký kết) trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày bắt đầu nhập học của mỗi chương trình trao đổi. Nội dung giấy thông báo tiếp nhận sinh viên cần ghi rõ thời gian nhập học, việc đón tiếp sinh viên, bố trí chỗ ở, yêu cầu về visa (nếu có) và các vấn đề liên quan khác để sinh viên làm căn cứ chuẩn bị các điều kiện tham gia học tập ở ĐHQGHN. ĐHQGHN làm giấy tiếp nhận đối với sinh viên tham gia trao đổi theo thỏa thuận mà ĐHQGHN ký kết. Các đơn vị đào tạo làm giấy tiếp nhận đối với sinh viên tham gia trao đổi theo thỏa thuận mà các đơn vị ký kết.
3. Đón tiếp sinh viên
ĐHQGHN/các đơn vị cần cử cán bộ đón tiếp sinh viên, kể cả việc đón sinh viên ở sân bay, khi sinh viên đến nhập học. Mọi chi phí cho việc đưa đón sinh viên cũng cần được thông báo cụ thể trong giấy báo tiếp nhận sinh viên.
Cán bộ được cử làm nhiệm vụ đón tiếp sinh viên cần hướng dẫn cho sinh viên các thủ tục nhập học, chỗ ở và các thông tin liên quan khác một cách chi tiết, chu đáo.
Khuyến khích các đơn vị phối hợp với các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên tổ chức cho sinh viên tình nguyện tham gia đón tiếp sinh viên, đặc biệt là sinh viên các ngành ngoại ngữ, du lịch, quốc tế học...
Điều 10. Quản lý, tổ chức đào tạo và triển khai các chương trình trao đổi
1. Quản lý sinh viên trong thời gian ở ĐHQGHN
Các đơn vị có sinh viên nước ngoài đến tham gia các chương trình trao đổi có trách nhiệm quản lý sinh viên theo đúng quy định hiện hành về đào tạo, quản lý sinh viên, quản lý lưu học sinh của ĐHQGHN (Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN ban hành kèm theo Quyết định số 3079/QĐ-ĐHQGHN ngày 26 tháng 10 năm 2010; Quy chế đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN ban hành kèm theo Quyết định số 1555/QĐ-ĐHQGHN ngày 25 tháng 05 năm 2011; Quy định công tác sinh viên ở ĐHQGHN ban hành kèm theo Quyết định số 2875/QĐ-CT&HSSV ngày 18 tháng 8 năm 2009; Hướng dẫn quản lý lưu học sinh ở ĐHQGHN ban hành kèm theo Quyết định số 3925/QĐ- ĐHQGHN ngày 27 tháng 12 năm 2011).
2. Đánh giá, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho sinh viên
Căn cứ vào các quy định hiện hành về đào tạo, quản lý sinh viên, các đơn vị quản lý chương trình đào tạo ngành học, môn học mà sinh viên tham gia chương trình trao đổi chịu trách nhiệm đánh giá sinh viên nước ngoài và cấp chứng nhận/chứng chỉ (nếu có) cho sinh viên khi kết thúc chương trình trao đổi. Kết quả đánh giá sinh viên được lưu trong hồ sơ sinh viên và gửi về trường đối tác khi sinh viên kết thúc chương trình trao đổi.
SINH VIÊN CỦA ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI ĐI TRAO ĐỔI Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỐI TÁC
Điều 11. Tiếp nhận và thông báo thông tin về chương trình trao đổi sinh viên từ các trường đại học đối tác
ĐHQGHN có trách nhiệm tiếp nhận và thông báo các thông tin về các chương trình trao đổi từ các hiệp hội đại học và các trường đối tác đối với các chương trình trao đổi do ĐHQGHN ký kết. Các đơn vị đào tạo tiếp nhận các thông tin về các chương trình trao đổi từ các trường đối tác đối với các chương trình trao đổi do các đơn vị ký kết.
Thông báo tuyển chọn sinh viên đi trao đổi được gửi đến các đơn vị bằng đường văn thư đồng thời công bố trên trang web của ĐHQGHN và/hoặc đơn vị. Nội dung thông báo phải ghi rõ các yêu cầu của trường đối tác và mẫu đăng ký trong đó có ghi rõ các môn học dự kiến tham gia học để trao đổi tín chỉ hoặc chương trình trao đổi tương ứng.
Điều 12. Tuyển chọn và gửi hồ sơ sinh viên đi tham gia các chương trình trao đổi
Trên cơ sở các tiêu chí tuyển chọn của từng chương trình, các đơn vị đào tạo thành lập Hội đồng tuyển chọn sinh viên đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của từng chương trình. Đối với các thỏa thuận do các đơn vị đào tạo ký kết thì các đơn vị ban hành quyết định cử sinh viên tham gia chương trình trao đổi và liên hệ với đối tác để gửi các hồ sơ liên quan đúng thời hạn. Trong quyết định cần ghi rõ những quyền lợi/trách nhiệm của sinh viên khi tham dự chương trình trao đổi.
Đối với các thỏa thuận do ĐHQGHN ký kết, các đơn vị đào tạo gửi danh sách sinh viên đủ điều kiện tham dự chương trình trao đổi về ĐHQGHN. Trên cơ sở danh sách các đơn vị gửi, ĐHQGHN tổ chức Hội đồng xét chọn dựa trên các tiêu chí mà các trường đối tác yêu cầu. ĐHQGHN chịu trách nhiệm liên hệ và gửi danh sách sinh viên đủ điều kiện tham gia chương trình trao đổi theo quyết định của Hội đồng đến các trường đại học đối tác.
Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình trao đổi, tùy thuộc vào kết quả và tính chất của chương trình trao đổi, có thể gia hạn thời gian học tập ở nước ngoài nếu được phía đối tác đồng ý, nhưng tổng thời gian tham gia chương trình trao đổi không quá 1 năm học. Trong trường hợp này, sinh viên phải có đơn đề nghị và phải được sự cho phép của đơn vị quản lý sinh viên bằng văn bản.
Điều 13. Công nhận kết quả chương trình trao đổi sinh viên
1. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của trường đối tác, sinh viên tham gia chương trình trao đổi tín chỉ phải lựa chọn các môn học phù hợp với chương trình đào tạo đang theo học hoặc có khả năng chuyển đổi tương đương.
2. Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình trao đổi, tùy thuộc vào kết quả và tính chất của chương trình trao đổi, các kết quả học tập của sinh viên có thể được xem xét để thay thế các môn học tương ứng (đối với chương trình trao đổi tín chỉ) hoặc môn học kỹ năng mềm (đối với các chương trình tham quan, giao lưu, học tập ngắn hạn...).
3. Thủ trưởng các đơn vị đào tạo quy định xem xét khả năng thay thế môn học và công nhận chuyển đổi tín chỉ. Đối với việc trao đổi tín chỉ thực hiện tại các trường đại học đối tác thuộc nhóm 200 đại học hàng đầu của thế giới khi chuyển đổi sang chương trình đào tạo chuẩn của ĐHQGHN kết quả học tập được cộng thêm 01 điểm.
4. Thủ trưởng các đơn vị đào tạo có trách nhiệm ra quyết định công nhận kết quả các môn học chuyển đổi cho sinh viên nước ngoài đến tham gia chương tình trao đổi tại đơn vị mình và đồng thời công nhận và chuyển đổi kết quả các môn hoc chuyển đổi cho sinh viên của đơn vị mình sau khi kết thúc chương trình trao đổi ở các trường đại học đổi tác.
KINH PHÍ
Điều 14. Kinh phí tham gia chương trình trao đổi của sinh viên
Sinh viên nước ngoài và sinh viên ĐHQGHN tham gia chương trình trao đổi sinh viên một cách tự nguyện, sau khi đã nghiên cứu và chấp thuận tất cả các điều khoản về tài chính mà chương trình đã thông báo.
1. Đối với sinh viên nước ngoài
Kinh phí mà sinh viên được cấp hoặc phải đóng góp phụ thuộc vào điều khoản đã được ký kết giữa ĐHQGHN/ các đơn vị đối với các trường đối tác theo từng chương trình trao đổi cụ thể.
Kinh phí cụ thể mà sinh viên được cấp hoặc phải đóng góp cần được thông báo đầy đủ và rõ ràng ngay trong nội dung thông báo được gửi đến các trường đối tác và được nhắc lại chi tiết trong giấy báo tiếp nhận sinh viên.
Các khoản kinh phí mà sinh viên được ĐHQGHN hoặc các đơn vị hỗ trợ (nếu có), chẳng hạn như học phí, nhà ở, sinh hoạt phí..., ĐHQGHN/ các đơn vị không thực hiện miễn phí trực tiếp mà tính thành tổng kinh phí và cấp học bổng tương đương để sinh viên trực tiếp chi trả cho các khoản mục tương ứng tại các đơn vị trong ĐHQGHN.
2. Đối với sinh viên của ĐHQGHN đến các trường đại học đối tác
Căn cứ vào thông báo của các trường đối tác về việc tiếp nhận sinh viên của ĐHQGHN tham gia chương trình trao đổi, ĐHQGHN hoặc các đơn vị thông báo cho sinh viên các khoản kinh phí mà sinh viên được cấp hoặc phải đóng góp (nếu có) trong nội dung thông báo tuyển chọn sinh viên tham gia xét chọn để sinh viên có đủ thông tin khi làm hồ sơ đăng ký tham dự.
Sinh viên tham gia chương trình trao đổi do các trường đại học đối tác hỗ trợ kinh phí thì sinh viên có thể được yêu cầu đóng góp kinh phí để xây dựng quỹ đối ứng đón tiếp sinh viên nước ngoài đến ĐHQGHN tham gia các chương trình trao đổi song phương. Kinh phí phải đóng góp của sinh viên căn cứ vào các điều khoản được nêu trong các văn bản thỏa thuận mà ĐHQGHN/các đơn vị đã ký kết với các trường đối tác. Căn cứ vào những điều khoản đã ký kết, ĐHQGHN/các đơn vị thông báo tới sinh viên đầy đủ, rõ ràng những khoản kinh phí mà sinh viên phải đóng góp nếu muốn tham gia chương trình trao đổi (kể cả khoản kinh phí phải đóng ở Việt Nam để bù cho các khoản kinh phí mà ĐHQGHN/các đơn vị phải chi trả khi tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến tham gia chương trình trao đổi). Khoản kinh phí mà sinh viên phải đóng góp được nộp trực tiếp cho đơn vị được giao làm đầu mối công tác trao đổi sinh viên đối với chương trình trao đổi do ĐHQGHN ký kết hoặc cho đơn vị nơi sinh viên đang học đối với chương trình trao đổi do các đơn vị ký kết trước khi các đơn vị ra quyết định cử sinh viên đi trao đổi.
Điều 15. Kinh phí tổ chức và phát triển các hoạt động trao đổi của sinh viên
Kinh phí tổ chức và phát triển các hoạt động trao đổi sinh viên bao gồm:
- Kinh phí hỗ trợ của các trường đại học đối tác.
- Kinh phí đối ứng của ĐHQGHN/các đơn vị từ ngân sách nhà nước.
- Kinh phí hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.
- Kinh phí đóng góp của sinh viên tham gia chương trình.
Điều 16. Phương thức theo dõi và quản lý nguồn kinh phí cho chương trình trao đổi
1.Đối với chương trình trao đổi sinh viên theo thỏa thuận của các hiệp hội hoặc do ĐHQGHN ký kết với các trường đại học đối tác
Hàng năm, căn cứ vào các văn bản thỏa thuận trao đổi sinh viên mà ĐHQGHN đã ký kết với các trường đại học đối tác, đơn vị được Giám đốc giao nhiệm vụ phụ trách công tác trao đổi sinh viên có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí đối ứng cho hoạt động này và báo cáo Giám đốc ĐHQGHN (qua Ban kế hoạch Tài chính) để xem xét, phê duyệt. Căn cứ vào từng chương trình trao đổi, ĐHQGHN sẽ chuyển kinh phí theo quy định để thực hiện nhiệm vụ trao đổi sinh viên cho các đơn vị dựa trên số lượng sinh viên trao đổi mà đơn vị tiếp nhận trên theo yêu cầu của ĐHQGHN.
2. Đối với chương trình trao đổi do các đơn vị đào tạo ký kết với các trường đại học đối tác
Khoản kinh phí để thực hiện chương trình trao đổi do Thủ trưởng đơn vị tự cân đối trong tổng kinh phí được cấp trên cơ sở dự toán hàng năm của đơn vị.
CƠ CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ
Điều 17. Cơ chế phối hợp thực hiện
1. Đối với chương trình trao đổi sinh viên do ĐHQGHN ký kết với các trường đại học đối tác
Đơn vị được Giám đốc giao cho nhiệm vụ làm đầu mối công tác trao đổi sinh viên của ĐHQGHN chịu trách nhiệm liên hệ với các đơn vị về việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến tham gia chương trình trao đổi ở ĐHQGHN. Thủ trưởng các đơn vị có đào tạo các ngành mà sinh viên đăng ký chương trình trao đổi có trách nhiệm tiếp nhận sinh viên đến tham gia trao đổi tại đơn vị mình theo các chương trình trao đổi theo yêu cầu của ĐHQGHN.
2. Đối với chương trình trao đổi sinh viên do các đơn vị ký kết với các trường đại học đối tác
Vào cuối mỗi kỳ học/năm học, Thủ trưởng các đơn vị đào tạo có trách nhiệm báo cáo về ĐHQGHN số lượng sinh viên đi và đến đơn vị thông qua chương trình trao đổi, kể cả các chương trình mới được đơn vị ký kết trong học kỳ/năm học báo cáo.
Điều 18. Phân công trách nhiệm cho các đơn vị
ĐHQGHN chịu trách nhiệm quản lý công tác trao đổi sinh viên theo các văn bản thỏa thuận do ĐHQGHN cũng như do các đơn vị ký kết với các trường đại học đối tác.
1. Đối với các chương trình trao đổi sinh viên do ĐHQGHN ký kết với các trường đại học đối tác
a. Đơn vị làm đầu mối công tác trao đổi sinh viên của ĐHQGHN
- Chịu trách nhiệm tiếp nhận/thông báo các nội dung về các chương trình trao đổi sinh viên; hỗ trợ sinh viên hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục cần thiết để sinh viên làm các thủ tục nhập/xuất cảnh; tổ chức việc xét chọn, cử sinh viên tham gia chương trình trao đổi theo đúng yêu cầu của các trường đại học đối tác.
- Phối hợp với Ban Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên và các đơn vị liên quan trong việc tiếp nhận/tuyển chọn sinh viên theo đúng tiêu chuẩn tham gia cho mỗi chương trình trao đổi.
- Phối hợp với Ban Quan hệ Quốc tế trong việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến ĐHQGHN.
- Hỗ trợ sinh viên của ĐHQGHN trong việc hoàn thiện hồ sơ đáp ứng yêu cầu của các trường đối tác.
- Phối hợp với Ban Đào tạo trong việc thông báo/quảng bá các chương trình đào tạo ở ĐHQGHN có thể tiếp nhận sinh viên quốc tế đến trao đổi.
- Phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Quan hệ Công chúng đưa các mẫu hồ sơ lên mạng của ĐHQGHN.
b. Ban Đào tạo
Cung cấp nội dung chương trình đào tạo có thể tiếp nhận sinh viên trao đổi (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Quan hệ Công chúng đưa lên trang web của ĐHQGHN để sinh viên nước ngoài có thể tìm hiểu và đăng ký tham gia.
c. Ban Kế hoạch Tài chính
- Cấp kinh phí cho hoạt động của chương trình trao đổi sinh viên theo đúng các khoản kinh phí được Giám đốc phê duyệt hoặc các khoản kinh phí được nêu trong các văn bản thỏa thuận mà ĐHQGHN đã ký kết với các trường đối tác.
- Phối hợp với với Ban Quan hệ Quốc tế, Ban Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên đề xuất các khoản kinh phí có thể cấp/thu đối với sinh viên tham gia chương trình trao đổi trình Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.
d. Trung tâm Hỗ trợ sinh viên
- Tạo điều kiện đón tiếp sinh viên (đưa và đón sinh viên nếu có yêu cầu), bố trí chỗ ở cho sinh viên nước ngoài ở trong ký túc xá khu vực dành riêng cho sinh viên quốc tế.
- Hỗ trợ thủ tục trong việc mua bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe cho sinh viên trong suốt thời gian sinh viên ở Việt Nam.
e. Trung tâm Truyền thông và Quan hệ Công chúng
Chịu trách nhiệm đưa các tài liệu/hồ sơ liên quan đến chương trình trao đổi lên trang web của ĐHQGHN kịp thời, nhanh chóng, chính xác khi các ban chức năng/các đơn vị đề xuất.
f. Các đơn vị đào tạo
- Ban hành quyết định cử sinh viên của đơn vị mình đi tham gia chương trình trao đổi căn cứ nội dung được thông báo trong giấy tiếp nhận sinh viên của trường đại học đối tác.
- Tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học theo chương trình trao đổi tại đơn vị, bao gồm cả sinh viên tham gia chương trình trao đổi theo văn bản do ĐHQGHN ký kết đến từ các trường đại học đối tác chưa tiếp nhận sinh viên của đơn vị mình hoặc không đào tạo các ngành phù hợp với các ngành mà đơn vị đang đào tạo.
- Quản lý sinh viên nước ngoài theo đúng các quy chế đào tạo, quy định về công tác sinh viên và hướng dẫn quản lý lưu học sinh ở ĐHQGHN.
- Liên hệ với các trường đại học đối tác nơi có sinh viên của đơn vị mình tham gia trao đổi để theo dõi/quản lý sinh viên.
- Tiếp nhận và chuyển điểm cho sinh viên khi sinh viên hoàn thành chương trao đổi ở nước ngoài về nước.
- Quảng bá để thu hút ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài đến đơn vị thông qua chương trình trao đổi sinh viên ở các hình thức khác nhau.
g. Đoàn Thanh niên/Hội Sinh viên
Tạo mọi điều kiện, có hình thức thu hút và tổ chức ít nhất một hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động xã hội từ thiện… cho sinh viên nước ngoài tham gia trong thời gian sinh viên ở Việt Nam.
2. Đối với các chương trình trao đổi sinh viên do các đơn vị ký kết với các trường đại học đối tác
- Các đơn vị có trách nhiệm hoàn thiện tất cả các thủ tục để tiếp nhận/cử sinh viên đi tham gia chương trình trao đổi theo đúng các điều khoản đã được ký kết với các trường đối tác hoặc theo đúng các yêu cầu trong giấy tiếp nhận sinh viên tham gia chương trình trao đổi.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là với Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên trong việc đón tiếp/bố trí chỗ ở cho sinh viên trong ký túc xá.
- Quản lý sinh viên theo đúng các quy định hiện hành.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Chế độ báo cáo
Ngoài các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của ĐHQGHN và các cơ quan quản lý khác, khi kết thúc học kỳ và năm học, các đơn vị tổ chức sơ kết và tổng kết, đánh giá công tác trao đổi sinh viên đặc biệt chú ý đến việc đánh giá chất lượng, số lượng sinh viên đến/đi tham gia chương trình trao đổi và báo cáo ĐHQGHN qua Ban Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần kịp thời báo cáo ĐHQGHN những vấn đề bất thường xảy ra có liên quan đến sinh viên tham gia các chương trình trao đổi hoặc những vấn đề vướng mắc cần xin ý kiến chỉ đạo.
Điều 20. Tổ chức thực hiện
Hướng dẫn này được áp dụng kể từ ngày ký Quyết định ban hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì phát sinh hoặc vướng mắc, khó khăn, các đơn vị phản ánh về ĐHQGHN để điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý. Khi cần thiết, Giám đốc ĐHQGHN có thể quyết định điều chỉnh một số nội dung trong Hướng dẫn này cho phù hợp với tình hình thực tế./.
|