Tin tức khoa học về COVID-19
Trang chủ   >  COVID-19  >   Tin tức khoa học về COVID-19  >  
Thay thế các biện pháp ứng phó tạm thời bằng các biện pháp bảo vệ xã hội dài hạn là chìa khoá để phát triển bền vững trong thời kỳ đại dịch COVID-19
Thông tin được tổng lược từ phiên họp ngày 7/7/2021 của Diễn đàn chính trị cấp cao - Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốcthảo luận chủ đề năm 2021: “Phục hồi bền vững và có khả năng phục hồi sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững: xây dựng một con đường bao trùm và hiệu quả để đạt được Chương trình nghị sự 2030 trong bối cảnh thập kỷ hành động và phát triển bền vững ”Tổng hợp các nội dung được chia sẻ tại diễn đàn, bài viết này sẽ tổng hợp 3 nội dung chính được đề cập đến tại diễn đàn gồm: 1) Những tác động của đại dịch Covid-19 tới toàn cầu; 2) Hiệu quả của các biện pháp bảo trợ xã hội đã thực hiện; 3) Đề xuất về các biện pháp bảo vệ xã hội dài hạn.

 Covid-19 đã có những tác động tới toàn cầu như thế nào?
Các ý kiến được chia sẻ trong diễn đàn cho thấy Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ tới các vấn đề như đói nghèo, việc làm, đồng thời cũng tác động tới một số nhóm xã hội đặc thù như nhóm dân tộc bản địa, phụ nữ và trẻ em, LGBTI (viết tắt của các Lesbian: đồng tính nữ; Gay: đồng tính nam; Bixesual: song tính luyến ái; Transgender: chuyển giới và Intersexual: lưỡng tính).
Trên phương diện đói nghèo, dựa trên các thông tin do Ban Kinh tế và Xã hội LHQ hợp tác với 50 tổ chức quốc tế và khu vực thu thập từ hệ thống thống kê quốc gia cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số người nghèo cùng cực vào năm 2020 từ 119 đến 124 triệu người, tỷ lệ nghèo cùng cực tăng từ 8,4% vào năm 2019 lên 9,5% vào năm 2020. Chỉ riêng ở châu Phi, đại diện Ngân hàng phát triển Châu Phi cho biết, 520 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo đói trong đại dịch.
Về vấn đề việc làm, đại diện của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết dự báo tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ ở mức 205 triệu người vào năm 2022, vượt qua mức cao của năm 2019 là 187 triệu người, với tỷ lệ thất nghiệp là 5,7%. Đây là tỷ lệ cao lần cuối được ghi nhận vào năm 2013.
Một đại diện của nhóm các dân tộc bản địa vì sự phát triển bền vững cho biết đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Nó cũng làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo cho người dân bản địa, những người chiếm 15% những người nghèo nhất, ngay cả trước khi đại dịch diễn ra. Những điều kiện này cũng là kết quả của việc khai thác không ngừng tài nguyên đất của người dân bản địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống lương thực, sinh kế và điều kiện sức khỏe bền vững của họ.
Đại diện của nhóm phụ nữ cho biết, đại dịch ảnh hưởng tới phụ nữ lớn hơn, khiến tỷ lệ lao động nữ mất việc làm và bạo lực gia đình gia tăng. Đại diện nhóm này cho rằng những tác động như vậy là kết quả của các chính sách chưa giải quyết triệt để vấn đề bất bình đẳng với phụ nữ và trẻ em gái, khiến họ tiếp tục đối mặt với rào cản về tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Liên quan tới cộng đồng LGBTI, một đại diện của Nhóm các bên liên quan LGBTI cho biết sự kết hợp của luật phân biệt đối xử, thái độ xã hội tiêu cực và các dự án không thừa nhận nhu cầu của cộng đồng LGBTI đã kìm hãm họ. Trong bối cảnh của đại dịch, dư chấn của những bất bình đẳng về thu nhập, an ninh lương thực và sức khoẻ lên các nhóm cộng đồng đồng tính nữ, nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng.
Các biện pháp bảo trợ xã hội có hiệu quả như thế nào?
Thống kê từ ban Kinh tế và Xã hội cho thấy từ tháng 2 đến tháng 12/2020, các chính phủ trên toàn thế giới đã công bố hơn 1.600 biện pháp mới để ứng phó với cuộc khủng hoảng, nhưng hầu hết - khoảng 95% - là ngắn hạn. Tuy vậy, chỉ có 47% dân số toàn cầu có ít nhất một khoản bảo trợ xã hội bằng tiền mặt, có khoảng 4 tỷ người không được bảo vệ bởi mạng lưới an sinh xã hội. Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Bỉ cũng cho biết, mặc dù các biện pháp tạm thời trong thời kỳ đại dịch đã được áp dụng, nhưng hơn một nửa dân số toàn cầu không được hưởng lợi từ bất kỳ hình thức bảo trợ xã hội nào. Trong khi nhiều quốc gia không có đủ nguồn lực để thiết lập các hệ thống bảo trợ xã hội, các quốc gia khác cũng không thể hỗ trợ và cung cấp các nguồn lực vô tận.
Một số biện pháp bảo trợ xã hội của các quốc gia đã được chia sẻ tại diễn đàn. Để giảm nạn đói, các nỗ lực bao gồm chương trình bữa ăn học đường ở Guatemala đã tiếp cận khoảng 3 triệu trẻ em. Thảm hoạ khí hậu và đại dịch cũng tạo ra cơ hội để xem xét các chiến lược mới, bao gồm các biện pháp khuyến khích kinh tế cho nông dân. Tại Parkistan, các biện pháp tập trung vào bảo vệ vốn con người, an ninh lương thực và các dịch vụ y tế, giải quyết khoảng cách giới liên quan tới nhu cầu về y tế và giáo dục, ưu tiên trẻ em gái trong các hỗ trợ về tiền mặt. Đại diện của Indonesia cho biết tăng cường an ninh lương thực đã trở thành một ưu tiên phát triển tại quốc gia này. Các sáng kiến hướng tới việc bảo vệ nông dân và đất đai cùng với các chương trình hỗ trợ tiền mặt, đào tạo và hỗ trợ học phí cho những người bị mất việc làm trong đại dịch. Ngoài ra, các nỗ lực tạo việc làm đang được tiến hành để giảm tỷ lệ thất nghiệp. Trong khi đó, hành động quốc gia của Thái Lan tập trung vào các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cũng như các sáng kiến ​​nông nghiệp nhằm tăng cường sử dụng đất cho canh tác bền vững. Thái Lan cũng đã phát triển các dịch vụ trực tuyến để tiếp cận các nhóm dễ bị tổn thương và đang nỗ lực để đảm bảo rằng tất cả các chính sách đều mang tính bao trùm. Ngoài ra, Liên minh Châu Âu đã thực hiện nhiều hành động, bao gồm việc thông qua ngân sách 700 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Mặt khác, Quỹ Phát triển Bền vững Châu Âu đang giúp khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ các nước đang phát triển.
Đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng của các hệ thống bảo trợ xã hội trong việc bảo vệ sức khỏe, việc làm và thu nhập của người dân. Việc sản xuất thành công vắc-xin và tiếp tục các chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2022 hoặc 2023. Để các quốc gia phục hồi kinh tế, tiêm chủng là một trong các biện pháp quan trọng hàng đầu mà các quốc gia theo đuổi. Tuy vậy, cuộc đua tiêm chủng trên toàn cầu đã làm nảy sinh một khái niệm mới do đại diện Tòa thánh Vatican đề cập đó là ‘nghèo về dược phẩm’ - tức tỷ lệ những người chưa được tiếp cận với vắc-xin Covid-19 là vô cùng đáng báo động, đây là chỉ báo cho sự thiếu công bằng về kinh tế-xã hội nói chung. Chẳng hạn, mới chỉ có 2% dân số châu Phi đã được tiêm chủng theo như chia sẻ của đại diện Ngân hàng phát triển Châu Phi.
Hướng tới các biện pháp bảo vệ xã hội dài hạn
Trước những tác động của đại dịch Covid-19 và hiệu quả của các biện pháp bảo trợ xã hội ngắn hạn, đại diện các bên tham dự diễn đàn đã thảo luận về các biện pháp bảo vệ xã hội dài hạn. Đại diện của liên minh Châu Âu nhấn mạnh các kế hoạch phục hồi phải tập trung vào việc hòa nhập xã hội để không bỏ lại ai phía sau.
Tổng hợp các ý kiến trao đổi của các đại diện tại diễn đàn cho thấy một số nhóm giải pháp được các đại biểu đề cập đến bao gồm:
Thứ nhất, ưu tiên toàn cầu hiện nay là cần tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề do đại dịch Covid-19 gây ra. Các biện pháp cần hướng tới việc phục hồi sau đại dịch, lấy con người làm trung tâm, bảo vệ quyền sống và phát triển, tăng cường hợp tác quốc tế. Các nước phát triển nên chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn thành công của họ với các nước đang phát triển. Cần đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo nhất, được tiếp cận công bằng với vắc-xin. Đây không chỉ là một yêu cầu đạo đức mà còn là trách nhiệm chung để đối mặt với những thách thức từ đại dịch.
Thứ hai, mục tiêu xóa đói giảm nghèo sẽ không đạt được trừ khi có các hành động chính sách phù hợp, tức thì được thực hiện. Một số ý kiến đã đề xuất cần thay đổi mô hình tiếp cận để giải quyết hiện tượng đói nghèo. Các chiến lược xóa đói giảm nghèo phải được tăng cường và lồng ghép vào các biện pháp phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, để đi đúng hướng xóa đói giảm nghèo và xây dựng các nền kinh tế bao trùm và bền vững, các nỗ lực phải khẩn trương chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu không bền vững hiện nay do các tập đoàn và một số giới tinh hoa kiểm soát sang các nền kinh tế lấy con người làm trung tâm và quan tâm đến các ranh giới lãnh thổ. Điều này đòi hỏi sự công nhận và bảo vệ các quyền của người bản địa đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ. Ngoài ra, cũng cần xem việc trao quyền cho phụ nữ là trọng tâm, bên cạnh các chương trình mạng lưới bảo trợ xã hội, các sáng kiến tốt về việc làm và hỗ trợ tài chính cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Thứ ba, để giải quyết vấn đề thất nghiệp, theo đại diện ILO, cần đến những nỗ lực tập thể thực sự, tập trung vào các biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi toàn diện, bền vững trên cơ sở lấy con người làm trung tâm.
Thứ tư, cần có một tiếp cận tổng thể, áp dụng các hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện và nâng cao quyền của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Các quốc gia thành viên LHQ cũng cần xem xét lại luật pháp, giảm phân biệt đối xử để hài hòa và hiện thực hoá Chương trình nghị sự 2030, đồng thời ưu tiên các chính sách trao quyền tiếp cận công lý, nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và sự công nhận của pháp luật cho những người LGBTI.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng lớn trên toàn cầu, nhưng cũng đã mở ra một số cơ hội như cơ hội để đúc kết lại khái niệm về “Nhà nước phúc lợi”. Việc đầu tư vào bảo trợ xã hội là một lựa chọn giúp cải thiện cuộc sống, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Bên cạnh đó, đại dịch tạo cơ hội thúc đẩy việc giải quyết việc làm bằng cách thay đổi trong tư duy về phát triển bền vững hướng tới kinh tế xanh. Các doanh nghiệp cần đối thoại và hướng tới bình đẳng giới, chấm dứt tham nhũng, tạo ra những quy định chung về phát triển bền vững.
>>>>> Các tin bài liên quan:

 Hoàng Thu Hương, Đào Thúy Hằng - VNUMedia
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :