TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:21:22 Ngày 29/12/2020 GMT+7
Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức
Nói đến giáo dục sớm là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (bộ não đang phát triển). Bởi bản chất của giáo dục sớm là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, nhưng phải được được kích thích, rèn luyện một cách phù hợp nhằm nâng cao tố chất cơ bản, nó không nhằm tích lũy kiến thức và khác hoàn toàn với giáo dục thông thường.

Liên quan đến chủ đề “giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức”, ngày 28/12/2020, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình phát triển những năm đầu đời làm nền tảng cho sự phát triển tinh thần và thể chất, văn hóa và trí tuệ của trẻ trong tương lai. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh triển khai giáo dục theo xu hướng cá nhân hóa, phát triển hệ thống học tập suốt đời thì các tri thức, công cụ, phương tiện cho giai đoạn phát triển sớm của trẻ được diễn ra một cách an toàn, lành mạnh và có lợi nhất ngày càng trở nên quan trọng. 

Trường ĐH Giáo dục quan tâm và kỳ vọng vào chủ đề Giáo dục sớm dưới nhiều hình thức: nghiên cứu đơn lẻ, nghiên cứu nhóm, nghiên cứu theo hệ thống theo hướng lâu dài và mở rộng, đào tạo, hợp tác và chuyển giao công nghệ…

Hiện nay, Nhà trường đang vận hành và triển khai các chương trình đào tạo mới về khoa học giáo dục: tâm lý giáo dục, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khoa học sức khỏe theo hướng tiếp cận liên ngành; nâng cao mức độ quốc tế hóa các chương trình đào tạo đại học và sau đại học; gia tăng các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Hội thảo khoa học quốc tế: “Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức” được tổ chức với mong muốn tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, học viên công bố và chia sẻ các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực giáo dục sớm; đề xuất mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đưa ra giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng giáo dục sớm tại Việt Nam. 

TS. Nguyễn Đức Huy hy vọng, hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn mở ra cơ hội hợp tác giữa các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong giáo dục mầm non.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục Trần Thành Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đầu đời và tầm nhìn về giáo dục sớm đến năm 2030. Theo Chủ nhiệm Khoa Trần Thành Nam, các nhà khoa học thần kinh và các nhà giáo dục học đều nhất trí với nhau rằng những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành. Bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng như vậy. Và đó cũng chính là lý do và tầm quan trọng của việc giáo dục sớm.

Theo Ban tổ chức hội thảo, việc tìm hiểu sự phát triển trẻ thơ ở từng vùng miền cụ thể của Việt Nam là cần thiết để có những can thiệp giúp phát triển trẻ trong những giai đoạn đầu đời. Đó cũng là nền tảng để Nhà trường tham mưu cho các cơ quan quản lý chính sách, cung cấp gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách ra quyết định

Sau phiên khai mạc, Hội thảo chính thức diễn ra với 02 phiên làm việc với nhiều nội dung khác nhau:

Phiên 1: chủ đề: Giáo dục sớm từ lý luận đến thực tiễn

Phiên 2: chủ đề: Các phương pháp giáo dục hiện đại và vận dụng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Đến thời điểm này các dự án mà Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đã triển khai: dự án Panel Theater – dạy học mầm non dưới hình thức kịch vải hợp tác với Trường Đại học Shukutoku, Nhật Bản; dự án phát triển các bộ công cụ định chuẩn theo dõi sự phát triển trẻ em Việt Nam – ASQ3 và đánh giá sự phát triển của trẻ cho các vùng miền – thang EAP-EDCS hợp tác với Vụ Giáo dục Mầm non.

Năm 2019, Khoa Các Khoa học Giáo dục được Trường ĐH Giáo dục giao nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo ngành Giáo dục mầm non dựa trên những lợi thế về nguồn lực thuộc lĩnh vực Tâm lý học Lâm sàng Trẻ em và Vị thành niên, Tham vấn học đường. Ngành đào tạo cử nhân Giáo dục Mầm non tuyển sinh trong năm 2020 với 120 chỉ tiêu là một trong những ngành đào tạo non trẻ nhất tại Trường, song nội dung đào tạo của chương trình đã thu hút được sự chú ý lớn từ cộng đồng.

 

 Trương Gia Đạo
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ