TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 16:22:34 Ngày 16/04/2021 GMT+7
27 sinh viên ĐHQGHN được trao chứng chỉ Phân tích Dữ liệu lớn của Học viện Công nghệ Madras, Ấn Độ
Năm 2016, Việt Nam và Ấn Độ chính thức trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương hai nước. Hai quốc gia đã cùng vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Với vai trò là trung tâm học thuật hàng đầu đất nước, ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng hợp tác với các đối tác Ấn Độ, trong đó có Học viện Công nghệ Madras Ấn Độ.

Ngày 15/4/2021, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ngài Pranay Verma đã thay mặt Học viện Công nghệ Madras đến thăm ĐHQGHN, đồng thời, trao chứng chỉ cho 27 học viên của Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã hoàn thành xuất sắc khóa học Công nghệ thông tin về phân tích Dữ liệu lớn sử dụng nền tảng Apache Spark bằng ngôn ngữ lập trình Python. Khóa học đã diễn ra từ 7/10/2019 đến 6/12/2019.

Phát biểu tại lễ trao chứng chỉ, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, bất chấp những tác động của Covid-19, khóa học trực tuyến đã được thực hiện thành công, cho phép sinh viên của VNU-UET nâng cao kiến thức và năng lực của họ trong lĩnh vực Phân tích dữ liệu lớn. Phó Giám đốc ĐHQGHN gửi lời chúc mừng đến 27 sinh viên của VNU-UET đã tham gia và hoàn thành khóa học và mong rằng với những kiến thức và kỹ năng đã học, các bạn sẽ tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo và nâng cao chuyên môn của mình.

Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng gửi lời cảm ơn sự tham gia nhiệt tình và tâm huyết của các giáo sư, giảng viên đến từ Học viện Công nghệ Madras, Ấn Độ và Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN

Trong bài phát biểu của mình, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chia sẻ rằng sự hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Công nghệ Madras, Ấn Độ với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam có thể được coi là một ví dụ sinh động cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Với sự tiên tiến về công nghệ, khóa học đã được thực hiện thành công, vượt qua thử thách về rào cản địa lý để trở thành một minh chứng cho sức mạnh của hai bên về sự đoàn kết, khả năng phục hồi và thích ứng để thay đổi ngay cả trong những khó khăn chưa từng có nhất. Đại học Quốc gia Hà Nội tái khẳng định quyết tâm phát triển và đẩy mạnh mọi sáng kiến nhằm tăng cường quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời, hy vọng rằng các hoạt động có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực sẽ được triển khai trong thời gian tới thông qua sự hợp tác mang tính xây dựng và cùng có lợi của hai quốc gia.

Nhân dịp này, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã có buổi nói chuyện với các sinh viên ĐHQGHN về quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ. Theo đó, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển là cơ sở hữu nghị truyền thống, những gắn kết về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như tầm nhìn và lợi ích tương đồng giữa hai nước đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Thời gian qua, quan hệ hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là từ khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2016. Tháng 12/2020, Chủ tịch nước CHXHCN Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) và Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ và ra tuyên bố chung “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân” để định hướng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước trong những năm tới. Đây là nền tảng tốt đẹp để hai bên phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam hy vọng nhân dịp này, có thể giúp các sinh viên của ĐHQGHN hiểu thêm về tình hữu nghị giữa hai nước, để cùng tham gia đóng góp sáng kiến nhằm đưa quan hệ này đi vào chiều sâu.

 

Năm 2018, từ ngày 8/3/2018 đến ngày 15/3/2018, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã thực hiện chuyến công tác tại Ấn Độ. Trong chuyến công tác này, đoàn ĐHQGHN đã thăm và làm việc với các đối tác là các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ, nhằm thảo luận tiềm năng, kế hoạch hợp tác cụ thể, cũng như ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác. Giám đốc ĐHQGHN đã thăm và làm việc với công ty Vihaan Networks, Viện Công nghệ công nghiệp Kalinga, ĐH Jindal – ĐH tư thục được thành lập năm 2009, Hiệp hội hỗ trợ thương mại ICSI, ĐH Delhi,  ĐH Jawaharlal Nehru, Tập đoàn ĐH Amity – một trong những đại học tư thục lớn nhất Ấn độ và có nhiều cơ sở đào tạo, đại diện tại các quốc gia và khu vực như Hoa kỳ, Anh, châu Phi, Đông Nam Á, Trung đông, Trung Quốc.  Làm việc với Hội đồng Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (CSIR), Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Tổng giám đốc CSIR, Thứ trưởng bộ Khoa học công nghệ và khoa học trái đất Ấn Độ Girish Sahni đã đồng khởi động lại thỏa thuận hợp tác hai bên, đồng thời nhấn mạnh cần có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của hai quốc gia. Triển khai một số hợp tác cụ thể và khả thi như trao đổi chuyên gia và hỗ trợ các nhà khoa học trẻ sang thực tập và nghiên cứu ngắn hạn tại CSIR, hai bên cũng nhất trí sớm thành lập Nhóm công tác hỗn hợp nhằm tư vấn, đề xuất với lãnh đạo hai bên các định hướng hợp tác nghiên cứu trong giai đoạn ngắn hạn (2 năm) và trung hạn (5 năm). Giám đốc ĐHQGHN đề nghị CSIR hỗ trợ cho ĐHQGHN trong ba lĩnh vực Công nghệ hàng không vũ trụ, đặc biệt là vật liệu mới phục vụ lĩnh vực này; Công nghệ sinh học và công nghệ gen ứng dụng trong nông nghiệp, y học; Công nghệ hóa dược, phát triển dược liệu, dược phẩm. Hai bên cũng đề xuất hướng thành lập đơn vị hợp tác về khoa học và công nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tại ĐHQGHN.

Trước đó, năm 2013, nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 19 đến ngày 22/11/2013. Giám đốc ĐHQGHN khi đó là GS.TS Phùng Xuân Nhạ là thành viên chính thức trong đoàn công tác của Tổng Bí thư. Trong khuôn khổ của chuyến thăm, ĐHQGHN đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (Council of Scientific and Industrial Research - CSIR) dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh.

CSIR là tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu Ấn Độ, được thành lập năm 1942. Mục đích của CSIR là nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược, đẩy mạnh sự tiến bộ của khoa học cơ bản, phục vụ phúc lợi xã hội. Hiện nay, CSIR được xem là một trong các tổ chức tài trợ nghiên cứu và phát triển hàng đầu thế giới với 37 Viện nghiên cứu và Phòng thí nghiệm.

ĐHQGHN là cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về Ấn Độ học ở Việt Nam.

>>> Các tin bài liên quan:

ĐHQGHN HỢP TÁC SÂU RỘNG VỚI CÁC TỔ CHỨC ĐẠI HỌC VÀ KHOA HỌC ẤN ĐỘ 

VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG: XÚC TIẾN TIỀM NĂNG HỢP TÁC KHOA HỌC VIỆT NAM - ẤN ĐỘ

TỌA ĐÀM VỀ WIKIPEDIA VỚI CHUYÊN GIA ẤN ĐỘ

KHAI GIẢNG LỚP YOGA CỦA ĐẠI SỨ QUÁN ẤN ĐỘ DÀNH CHO CÁN BỘ CƠ QUAN ĐHQGHN

Ký kết văn bản hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ

 Mai Ngọc
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ