TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 14/07/2021 GMT+7
UNC2021: Kết nối nhằm phát triển chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam
Ngày 24/4/2021 tại Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia năm 2021 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2021). Đây là hoạt động thường niên của Nhà trường và năm nay là năm thứ 2 Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom với mong muốn tiếp cận rộng rãi hơn các học giả trong và ngoài nước.

 

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh cho biết, UNC2021 là hội thảo khoa học có quy mô lớn nhất Nhà trường tổ chức từ trước đến nay với 5372 người đăng ký tham gia thuộc 994 đơn vị trên toàn quốc, thu hút nhiều báo cáo nhất với 456 báo cáo và thời gian chuẩn bị lâu nhất. 3 báo cáo phiên toàn thể, 360 báo cáo tại 30 phiên song song, UNC2021 tạo ra diễn đàn khoa học chất lượng với lượng người tham gia đông đảo.

“Với những con số đó, với sự tận tụy từ Ban tổ chức và từ sự nhiệt tình hưởng ứng của các đại biểu, tuy hội thảo được tổ chức trên không gian mạng nhưng chúng ta đều cảm thấy ấm lòng. Mong muốn của Ban tổ chức là UNC2021 tạo ra sự kết nối, chia sẻ và cùng phát triển”, Hiệu trưởng khẳng định và trân trọng gửi lời cảm ơn tới các nhà tài trợ đã đồng hành cùng Nhà trường làm nên sự kiện ý nghĩa này.

Đại diện các nhà tài trợ, ông Jerrold J. Frank – Giám đốc Văn phòng tiếng Anh Khu vực (RELO), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Trường Đại học Ngoại ngữ trong tổ chức UNC2021, diễn đàn quy tụ các báo cáo khoa học chất lượng và đồng hành cùng RELO tổ chức khóa học bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh Video Viewing Marathon 2021.

Tại phiên toàn thể đã có 3 báo cáo được trình bày. GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm – Viện trưởng Viện KHXH&NV – Trường ĐH Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH) tham gia UNC2021 với nghiên cứu có chủ đề “Quan hệ ngôn ngữ – văn hóa trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ và quốc tế học dưới cái nhìn hệ thống”. Nội dung nghiên cứu giới thiệu khái quát các hướng nghiên cứu chính về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa – hạt nhân của việc nghiên cứu và giáo dục (bao gồm cả giảng dạy và học tập) ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học. Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra một khung lý thuyết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa theo quan điểm của tác giả cùng những kết quả nghiên cứu chủ yếu bước đầu đã thu được theo khung lý thuyết này.

“EMI: Thách thức đối với sinh viên, chiến lược giải quyết của sinh viên và công tác đào tạo giáo viên EMI” là chủ đề báo cáo của nhóm tác giả Lâm Quang Đông, Phan Thị Ngọc Lệ, Dương Thúy Hường, Lê Thị Hoàng Yến. Thông qua đây, nhóm tác giả đã chia sẻ và phác họa hiện trạng sử dụng tiếng Anh nói riêng, và ngoại ngữ nói chung, làm ngôn ngữ dạy-học ở Việt Nam và những vấn đề cần phải giải quyết cả về lý luận và thực tiễn; tìm hiểu chiến lược giải quyết thách thức của sinh viên Việt Nam khi phải học bằng tiếng Anh nói riêng, và ngoại ngữ nói chung. Báo cáo cũng đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên EMI nói riêng, và giáo viên sẽ dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ nói chung.

Với chủ đề “Giáo dục ngoại ngữ phổ thông: Những nỗ lực đổi mới và rào cản thực tế”, bằng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, báo cáo của nhóm tác giả Trần Thị Tuyết, Trần Thị Hiếu Thủy, Nguyễn Thị Kim Phượng đưa ra một bức tranh với nhiều mảng màu, thể hiện các yếu tố tác động nhiều chiều tới quá trình dạy – học ngoại ngữ ở các trường phổ thông nước ta.

Sau phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe báo cáo và trao đổi tại 30 tiểu ban song song. 360 báo cáo được lựa chọn trình bày với những cái tên rất ấn tượng như Xu hướng mới trong giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông; Đổi mới hoạt động dạy học ngoại ngữ với thông điệp “Chẳng gì thay đổi nếu ta chẳng thay đổi g씑; Ông đồ UNC2021 với phương pháp dạy/học chữ Hán hiệu quả; Đổi mới chương trình đào tạo: cơ hội và thách thức với những vấn đề cấp bách về giáo dục ngoại ngữ để hoạt động đào tạo luôn đổi mới và sáng tạo; Những sắc màu ngôn ngữ với thông điệp biết ngôn ngữ thứ hai là sở hữu linh hồn thứ haiXây dựng năng lượng tích cực của người học qua thái độ và tư duy phản biện với mục đích “lắng nghe người học – sẵn sàng thấu cảm – đồng hành thành công”, hay Nơi hội tụ sắc màu văn hóa của xứ sở “Nghìn lẻ một đêm”, xứ sở mặt trời học, xứ sở kim chi, xứ sở bạch dương tuyết trắng, và dải đất hình chữ S Việt Nam. Những cái tên thật sự cuốn hút của các tiểu ban khác nhau như Tình khúc 24: Muôn màu học thuật – kết nối yêu thương; sức sống kỳ diệu của văn học thế giới; Có gì hấp dẫn từ các mô hình dạy học hiện đại?,…

Các báo cáo khoa học có nội dung khá đa dạng và phong phú, tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu giảng dạy ngoại ngữ và tiếng Việt; nghiên cứu từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng, diễn ngôn; nghiên cứu so sánh đối chiếu các ngôn ngữ; nghiên cứu dịch thuật; nghiên cứu giáo dục ngôn ngữ, xây dựng chương trình, giáo trình môn học; nghiên cứu về kiểm tra đánh giá ngoại ngữ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ngoại ngữ; nghiên cứu về ngôn ngữ – văn hóa, lịch sử – văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa chính trị, kinh tế trong khu vực học và quốc tế học… Các nghiên cứu có đối tượng và phạm vi cụ thể, chủ yếu tập trung vào miêu tả, phân tích, xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn, từ đó áp dụng vào giảng dạy ngôn ngữ và các ngoại ngữ khác nhau. 

Nhiều báo cáo đã có những góc nhìn mới, áp dụng những cách tiếp cận liên ngành mới, những phương pháp nghiên cứu hiện đại vào xử lý nguồn ngữ liệu, trên cơ sở đó đưa ra các kết luận có giá trị cao. Đây là hướng đi thiết thực, liên quan mật thiết và phù hợp với hướng phát triển khoa học của Nhà trường và xu hướng tiếp cận, hội nhập khu vực và thế giới hiện nay. Những kết quả nghiên cứu này chắc chắn sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy sự phát triển trong công tác dạy học ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ và quốc tế học ở Việt Nam.

Đặc biệt, UNC2021 còn hướng tới đối tượng là các giáo viên Tiểu học, THCS và THPT. Những nghiên cứu liên quan đến giảng dạy các bậc học này đã đem đến những góc nhìn mới và là sự bổ sung rất ý nghĩa cho Hội thảo.

Một số đề tài đặc sắc có thể kể ra như: sử dụng lý thuyết Dialogical Self để đánh giá các khung khái niệm trong phân tích đặc trưng nhà giáo; ứng dụng học tập cộng tác trong lớp học nói trực tuyến trong đại dịch Covid-19; tích hợp dạy học dự án trong học phần ngữ dụng học tiếng Anh; hiệu quả của việc tự đánh giá hàng tuần với sự phát triển của sinh viên; khai thác hiệu quả thông tin thời sự trong lớp học ngoại ngữ; phân tích ưu nhược điểm của các hình thức kiểm tra đánh giá; so sánh văn hóa trà của Nhật Bản và Vương quốc Anh; hiện tượng nhị thanh trong tiếng Ả Rập và thử thách đối với người học tiếng Ả Rập;… Chất lượng báo cáo không chỉ được thể hiện qua phần báo cáo mà còn ở phần thảo luận sôi nổi sau đó.

Cũng trong chương trình hội thảo đã diễn ra lễ ra mắt ULIS Connect – Mạng lưới kết nối giáo viên ngoại ngữ tại Việt Nam. Dự án ra đời xuất phát từ ý tưởng và mong muốn kết nối toàn thể giáo viên, giảng viên, nhà nghiên cứu, học giả cả nước nhằm phát triển chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam.

Quy mô lớn, chất lượng cao, sắc màu giàu, kết nối rộng là những điểm mới của UNC2021, bức tranh đa sắc về nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học tại Việt Nam. Hội thảo khép lại sau thời gian làm việc sôi nổi với trên 4.000 đại biểu tham dự. 

 Đức Toàn - VNU - ULIS
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ