TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:30:43 Ngày 30/12/2022 GMT+7
Nhìn lại 2022: 10 sự kiện và thành tựu tiêu biểu của ĐHQGHN
Năm 2022 đánh dấu sự chuyển mình của Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc khi Cơ quan ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc chính thức làm việc, giảng dạy và học tập tại đây. Cũng trong năm này, nhiều chính sách hỗ trợ giảng viên, cán bộ khoa học và người học được ban hành, tạo động lực và góp phần thu hút đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao về làm việc tại ĐHQGHN.


Năm 2022 đánh dấu sự chuyển mình của Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc khi Cơ quan ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc chính thức làm việc, giảng dạy và học tập tại đây.

Lễ khai giảng năm học 2022-2023 vào ngày 23/10/2022 tại Hoà Lạc, với sự hiện diện của đồng chí Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo bộ ngành và đặc biệt là sự hiện diện của đông đảo cán bộ, giảng viên, cựu giáo chức, các em học sinh, sinh viên ĐHQGHN, là cột mốc kết thúc kế hoạch 300 ngày chuẩn bị các điều kiện để đưa sinh viên tới học tập tại Hoà Lạc. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu một năm học mới đầu tiên của ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Sự kiện này cũng có ý nghĩa lịch sử đối với mục tiêu đưa các trường đại học, các cơ sở đào tạo của ĐHQGHN tới Hòa Lạc, kiến tạo không gian mới - một đô thị ĐHQGHN xanh, sạch, đẹp, thông minh và đổi mới sáng tạo.

Trước đó, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã chuyển tới làm việc thường trực tại trụ sở Hòa Lạc từ tháng 3/2022. Tiếp theo, ngày 19/05/2022, toàn bộ Cơ quan ĐHQGHN chuyển trụ sở chính tới Hòa Lạc. Đây là tiền đề quan trọng để sẵn sàng đón hơn 2.000 sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Y Dược và Trường Quốc tế tới học tập và sinh hoạt, cùng với gần 6.000 sinh viên ĐHQGHN học tập môn giáo dục thể chất và quốc phòng an ninh tại Hòa Lạc.

Ngày 29/07/2022, ĐHQGHN đã khánh thành giảng đường đầu tiên thuộc khu vực tổ hợp HT1 - HT2 nằm trong Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc với tổng diện tích sàn là 35.000m2 với khoảng 300 phòng làm việc và giảng đường, quy mô cho khoảng 4.000 sinh viên, giảng viên học tập và làm việc. Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình tiện ích thiết yếu phục vụ hoạt động học tập và làm việc của sinh viên, giảng viên, ĐHQGHN và các đối tác đã tích cực trồng thêm cây xanh tại đây, nhằm thực hiện phủ xanh 165ha.

Để đảm bảo tốt nhất nhu cầu thiết yếu cho giảng viên, sinh viên khi học tập cơ sở Hòa Lạc, các đơn vị có liên quan đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các công việc về tổ chức, nhân sự, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, hợp tác phát triển, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, khu nội trú và nhiều hạng mục đi kèm.

Trong năm 2022, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ và Ban Giám đốc ĐHQGHN, nhiều đơn vị trực thuộc đã chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc.


Trong năm qua, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ khoa học trẻ với nhiều điểm ưu việt, hội nhập quốc tế tạo động lực cho đội ngũ nhà khoa học của ĐHQGHN và góp phần thu hút các nhà khoa học, đặc biệt là cán bộ trẻ có trình độ cao về làm việc tại ĐHQGHN. 

Với việc chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc, ĐHQGHN ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên, trực thuộc nghiên cứu, đề xuất và triển khai các chế độ, chính sách, thu nhập đối với viên chức, người lao động làm việc tại Hòa Lạc.

Cùng với đó, ĐHQGHN đã ban hành chủ trương hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ. Đây là một trong những chính sách đột phá nhằm nâng cao thu nhập cho cán bộ khoa học trẻ yên tâm công tác, tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học để tăng số lượng, chất lượng các sản phẩm nghiên cứu, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.

Ngày 10/5/2022, ĐHQGHN đã ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe đối với đội ngũ giáo sư theo Quyết định số 1485/QĐ-ĐHQGHN. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là thí điểm chăm sóc, nâng cao sức khỏe đối với các giáo sư đang công tác tại ĐHQGHN đến hết năm 2025. Sau khi triển khai sẽ đánh giá, thẩm định kết quả để nhân rộng thành chính sách chăm sóc sức khỏe đối với nhà khoa học tại ĐHQGHN.

Với định hướng phát triển khoa học và công nghệ tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQGHN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học như Quy định về quản lý tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN; Hướng dẫn về phát triển và ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh; Chính sách hỗ trợ công bố quốc tế; Quy định về công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN… Chính sách của ĐHQGHN đưa ra theo hướng đầu tư tập trung “vun cao”, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình/đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, Khung năng lực giảng dạy của giảng viên tại ĐHQGHN được xây dựng để đánh giá và hỗ trợ phát triển năng lực giảng dạy cho giảng viên ĐHQGHN, giúp giảng viên cập nhật, áp dụng những nguyên lý sư phạm và phương pháp giảng dạy hiện đại trong hoạt động dạy học nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học.

Mới đây nhất, ĐHQGHN đã ban hành Quy chế Giải thưởng Nhà giáo ĐHQGHN của năm và các giải thưởng về đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN. Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, có đóng góp, sáng kiến và nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc thực hiện vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ngoài ra, năm học 2022-2023, ĐHQGHN triển khai thí điểm chương trình học bổng cho sinh viên 18 ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc tham gia Đề án Ươm tạo nhà khoa học của ĐHQGHN tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.


Ngày 23/9/2022, Trường ĐH Luật được thành lập trên cơ sở nâng cấp Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN theo Quyết định số 1124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là trường đại học thành viên thứ 9 của ĐHQGHN. Trường ĐH Luật được thành lập sẽ góp phần hoàn thiện mô hình phát triển của ĐHQGHN và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực luật ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học pháp lý, phục vụ tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Tiếp đó, ngày 9/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1376/QĐ-TTg về việc chuyển nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng về ĐHQGHN. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bệnh viện Xây dựng sẽ được tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc ĐHQGHN. Việc ĐHQGHN tổ chức lại Bệnh viện Xây dựng thành Bệnh viện Đại học Y Dược nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo, thực hành, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chất lượng cao trong lĩnh vực Y - Sinh - Dược học của ĐHQGHN và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ngày 25/11/2022, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã có buổi làm việc với lãnh đạo Khoa Các khoa học liên ngànhViện Quốc tế Pháp ngữ về định hướng, chiến lược phát triển của hai đơn vị trong tương lai. Ban Giám đốc thống nhất với định hướng phát triển của Viện Quốc tế Pháp ngữ theo mô hình Khoa trực thuộc, hướng tới trở thành Trường Quốc tế Pháp ngữ với sứ mệnh là đầu mối kết nối ĐHQGHN với cộng đồng Pháp ngữ; phát triển Khoa Các khoa học liên ngành theo hướng tập trung vào lĩnh vực liên ngành sáng tạo và nghệ thuật trên nền tảng truyền thống và thế mạnh liên ngành.

Ngày 16/8/2022, Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQGHN đã thông qua quy trình, thủ tục thành lập và kiện toàn hội đồng trường của các trường đại học thành viên trên nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đặc thù của ĐHQGHN cũng như các trường đại học thành viên.

Ngày 15/8/2022, Giám đốc ĐHQGHN ký quyết định số 2719/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập Ban Xúc tiến đầu tư là ban chức năng của ĐHQGHN. Ban Xúc tiến đầu tư có chức năng tham mưu, giúp việc Giám đốc ĐHQGHN triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động tài trợ, thu hút nguồn vốn xã hội hóa, dự án hợp tác công tư; triển khai các hoạt động tiếp nhận, quản lý, kiểm tra, giám sát và bàn giao các dự án hợp tác công tư theo hợp đồng hợp tác công tư; tổ chức thẩm định, trình Giám đốc phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án hợp tác công tư theo quy định của pháp luật và ĐHQGHN; phối hợp với các ban chức năng liên quan phát triển hệ thống doanh nghiệp trong ĐHQGHN.

Năm 2022 là năm đầu tiên ĐHQGHN xây dựng và ban hành cùng lúc quy chế đào tạo các bậc học của ĐHQGHN đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thắt chặt và nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập của ĐHQGHN với các chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện hơn nữa hình thức đào tạo theo tín chỉ, xây dựng các chương trình theo module môn học; lưu ý các đặc thù như đào tạo theo mô hình a+b, đào tạo cá thể hóa, đào tạo tài năng; các chương trình đào tạo thí điểm và mô hình đào tạo đặc sắc của ĐHQGHN; phân cấp, phân quyền giữa ĐHQGHN với các đơn vị đào tạo, đồng thời đảm bảo được sự liên thông và thống nhất theo phương châm “OneVNU”, đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu.

Tại kết luận số 223-KL/ĐU ngày 04/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 148-Ctr/ĐU, ngày 05/4/2021 của Đảng ủy ĐHQGHN khóa VI về “Đào tạo tài năng, chất lượng cao” nêu rõ, ĐHQGHN tập trung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từ ngân sách và các nguồn xã hội hóa để phát triển các chương trình đào tạo tài năng trong tất cả các ngành học; đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao theo hướng xã hội hóa, thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao theo đặt hàng của tổ chức, doanh nghiệp; đổi mới cấu trúc chương trình đào tạo theo hướng kiến thức được nâng cao, chuẩn đầu ra cao, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng cá thể hóa, đào tạo gắn chặt với nghiên cứu, thực hành, thực tập…

Năm học này, ĐHQGHN mở mới các chương trình đào tạo bậc đại học theo hướng liên ngành, xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Các chương trình đào tạo này gồm: Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ); Kỹ thuật xây dựng, Nông nghiệp thông minh và bền vững (Trường ĐH Việt Nhật); Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Quản lý giải trí và sự kiện (Khoa Các khoa học liên ngành). Năm vừa qua cũng là lần đầu tiên ĐHQGHN thí điểm mô hình đào tạo cử nhân kết hợp thạc sĩ. Ba chương trình đào tạo được lựa chọn thí điểm tại Trường Quốc tế cho mô hình này là: Công nghệ Tài chính và Kinh doanh số, Công nghệ thông tin Ứng dụng và Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp và Logistics. Đây là mô hình đào tạo cho phép người học có thể rút ngắn thời gian để đạt học vị thạc sĩ nhờ việc học liên thông từ đại học lên thạc sĩ.

Cũng trong năm 2022, lần đầu tiên ĐHQGHN tổ chức kỳ thi Olympic bậc THPT với 7 môn ngoại ngữ, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý cho thí sinh trong và ngoài ĐHQGHN.

ĐHQGHN đã xây dựng đề án “Thu hút và đào tạo học sinh, sinh viên miền Nam tại ĐHQGHN” nhằm gia tăng số lượng sinh viên đến từ các vùng miền, qua đó đào tạo được nhân lực cho các địa phương có hợp tác với ĐHQGHN, từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển nhanh hơn nữa về kinh tế, văn hóa và xã hội của các tỉnh trong khu vực.


Ngày 08/02/2022, ĐHQGHN ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030. Đây là văn bản pháp lý hết sức quan trọng nhằm định hướng phát triển KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá chiến lược để phát triển ĐHQGHN trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

Tiếp đó, ngày 20/9/2022, ĐHQGHN ban hành Quyết định số 3149/QĐ-ĐHQGHN Quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp ĐHQGHN. Theo đó, văn bản quy định rõ về các tiêu chí, quy trình xác định nhiệm vụ KH&CN; tuyển chọn, phê duyệt và giao nhiệm vụ KH&CN; tổ chức thực hiện, đánh giá nghiệm thu và quản lý sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN…

Trong năm qua, ĐHQGHN đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp thực hiện Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN như: Hội nghị khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2022; hội thảo “Chính sách ưu đãi phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN”; hội thảo “Hỗ trợ, phát triển các phòng thí nghiệm ở ĐHQGHN đạt tiêu chuẩn thí nghiệm và hiệu chuẩn (VILAS, VIMCERTS, GLP)”; phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW tổ chức hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo”; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực lần thứ 2, năm 2022.

Các hoạt động này là cơ hội để cộng đồng khoa học của ĐHQGHN cùng các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán lớn của quốc gia, tăng cường đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội.

Năm qua, ĐHQGHN tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình/đề tài KH&CN trọng điểm quốc gia. Tăng cường hợp tác với các đối tác triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.

Năm 2022, ĐHQGHN tiếp tục phối hợp cùng một số đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp - sáng tạo VNU” năm 2022 nhằm kiến tạo môi trường để sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, giảng viên trong ĐHQGHN vận dụng linh hoạt kiến thức đã học và kết quả nghiên cứu, giảng dạy vào thực tiễn.


Ngày 10/01/2022, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Thể thao Lào Phout Simmalavong đã trao văn bản thỏa thuận giữa hai đơn vị về việc triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Tập huấn tại ĐHQG Lào. Đây là lần đầu tiên một cơ sở giáo dục đại học được giao làm chủ dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào. Dự án trở thành một công trình tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa ĐHQGHN và ĐHQG Lào, đồng thời thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào nói chung.

Ngày 8/6/2022, ĐHQGHN đã thành lập Ban điều hành CLB Cựu sinh viên doanh nhân theo Quyết định số 1892/QĐ-ĐHQGHN. Với tinh thần “Chung tay để phát triển”, CLB Cựu sinh viên doanh nhân sẽ là địa chỉ kết nối các thế hệ cựu sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh - các doanh nhân trí thức cùng đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của ĐHQGHN.

ĐHQGHN luôn khẳng định vị thế và thương hiệu của đại học hàng đầu Việt Nam thông qua việc đón tiếp và trao đổi hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, trong đó phải kể đến: Quốc vụ khanh Ireland Anne Rabbitte; Đại sứ Ireland tại Việt Nam John McCullagh; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Taiko; Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản Takebe Tsutomu; Tổng Giám đốc Vụ Đông Nam Á của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Hataeda Mikio; đoàn Đại học Quốc gia Lào; đoàn Trường Đại học Bách khoa Hauts-de-France; đoàn Cơ quan Đại học Pháp ngữ AUF…

Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo AUN, thành viên Ban điều hành UMAP, thành viên Hội đồng quản trị AUF…, ĐHQGHN luôn thể hiện trách nhiệm cao trong các mạng lưới, tổ chức quốc tế; tham gia tích cực và chủ động trong thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong nội khối, đồng thời góp phần thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học trong khu vực, tại Việt Nam và tại ĐHQGHN.

ĐHQGHN tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác quốc tế, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tăng cường năng lực và thu hút các nguồn lực cho sự phát triển của ĐHQGHN như: Dự án VIBE, Dự án PHER, Dự án Lào, Dự án World Bank…

Trong năm 2022, 12 số Bản tin điện tử (e-Newsletter) về công tác hợp tác & phát triển của ĐHQGHN đã được xây dựng và phát hành, trong đó tập hợp các hoạt động nổi bật ở cấp ĐHQGHN và các đơn vị, đồng thời phổ biến các văn bản pháp quy, chính sách mới cũng như những cơ hội tham gia chương trình, dự án hợp tác quốc tế.

Hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực, tăng cường kỹ năng và kết nối giữa các cán bộ làm công tác hợp tác & phát triển tại các đơn vị cũng được chú trọng. Trong năm 2022, ĐHQGHN đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn và kết nối, không chỉ giữa các cán bộ quản lý công tác hợp tác & phát triển tại ĐHQGHN mà còn mở rộng đến 02 đại học lớn là ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. Các hội nghị đã góp phần nâng cao năng lực quản lý công tác hợp tác & phát triển, tăng cường các kỹ năng, đồng thời tăng cường sự kết nối, góp phần khai thác lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN và mở ra các cơ hội, triển vọng hợp tác trong tương lai.


Trong năm 2022, ĐHQGHN tiếp tục triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm đã được phê duyệt như Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”, Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học, Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông; xây dựng và chuẩn bị triển khai Chương trình KH&CN phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh ven biển.

ĐHQGHN tham gia hiệu quả vào công tác tư vấn chính sách cho các cơ quan trung ương như Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất chính sách thí điểm tạo động lực thương mại hóa đưa nhanh kết quả nghiên cứu từ đầu tư công vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 

ĐHQGHN cũng đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao KH&CN theo đặt hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số hoạt động cụ thể như tham gia xây dựng Bản đồ quản trị số cho tỉnh Hòa Bình, tỉnh Quảng Ninh, tham gia giải quyết dịch bệnh cho thủy hải sản tại tỉnh Cà Mau, xây dựng Địa phương chí cho các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh…

Với vị thế tiên phong trong hệ thống giáo dục quốc gia cũng như định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức. Ngày 29/6/2022, Giám đốc ĐHQGHN đã ký ban hành Quyết định số 2188/QĐ-ĐHQGHN phê duyệt Đề án thành lập “Kênh hợp tác và phát triển doanh nghiệp”. Kênh được thành lập nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và triển khai Chiến lược phát triển của ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó ưu tiên kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người Việt Nam nói chung và hệ sinh thái doanh nghiệp nói riêng.

Cũng trong năm 2022, ĐHQGHN đã ra mắt "Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài", do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn làm đầu mối triển khai, trong khuôn khổ lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (ngày 8/9 hàng năm). Việc xây dựng "Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" góp phần lan tỏa phong trào dạy và học tiếng Việt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tôn vinh, giữ gìn và phát huy sự trong sáng, giá trị ngôn ngữ của dân tộc.


Ngày 10/12/2022, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn lực và kêu gọi đầu tư cho các hoạt động xây dựng, giảng dạy và nghiên cứu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mô hình đô thị đại học “5 trong 1”. Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 là dịp để ĐHQGHN giới thiệu về các dự án hợp tác công tư cũng như khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho các loại hình đầu tư.

Hiện nay, ĐHQGHN đã xây dựng Danh mục các dự án dự kiến đầu tư PPP giai đoạn 2022-2025 bao gồm: Trung tâm nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ R&D, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao công nghệ tài chính ngân hàng, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế, khu ký túc xá, trường liên cấp, tổ hợp thương mại dịch vụ…

4 lĩnh vực ưu tiên của ĐHQGHN trong xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp gồm: Công nghệ thông tin, Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững, Khoa học sức khỏe, Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, ĐHQGHN có chủ trương thành lập các trung tâm nghiên cứu phối thuộc với các doanh nghiệp để triển khai đa dạng các lĩnh vực hợp tác. Việc sử dụng hình thức hợp tác công tư (PPP) và lập dự án PPP sẽ thúc đẩy không chỉ năng lực của khu vực tư nhân trong việc cung cấp tài chính, mà còn về khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vận hành của khu vực tư nhân.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước quan tâm tới lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, thúc đẩy đầu tư phát triển khu đô thị đại học xứng tầm quốc gia, tiệm cận với các đại học đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, hội nghị là nơi giới thiệu tiềm lực và các sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN, các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp, các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, từ đó thúc đẩy cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư gắn với chuyển giao KH&CN giữa các doanh nghiệp, địa phương là đối tác của ĐHQGHN và các trường đại học/viện nghiên cứu.


Năm 2022, ĐHQGHN đã giành được giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement) của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới QS do có sự cải thiện đáng kể trong kết quả xếp hạng dựa trên sự cải thiện về thứ hạng trung bình. Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này.

Về kết quả xếp hạng trong năm, QS đã công bố kết quả của Bảng xếp hạng đại học thế giới QS World University Rankings 2023 - QS WUR 2023. Trong đó, ĐHQGHN có năm thứ 5 liên tiếp được xếp hạng trong nhóm 1.000 các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới theo tiêu chí của QS WUR. Đối với các tiêu chí xếp hạng của QS WUR 2023, ĐHQGHN tiếp tục thể hiện uy tín ở tiêu chí học thuật và tuyển dụng. Cũng theo QS, ĐHQGHN ở vị trí 162 châu Á, thuộc nhóm 21,3% các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, ở vị trí 36 khu vực Đông Nam Á. Trong 6 lĩnh vực được QS xếp hạng trong QS WUR by Subject 2022 (gồm: Khoa học máy tính & hệ thống thông tin ở nhóm 501-550, Cơ kỹ thuật, hàng không & chế tạo ở nhóm 451-500, Toán học ở nhóm 351-400, Vật lý & Thiên văn học ở nhóm 451-500, Kinh doanh & Khoa học quản lý ở nhóm 451-500 và Kỹ thuật điện & điện tử ở nhóm 451-500), ĐHQGHN có tới 5/6 lĩnh vực thuộc nhóm 500 thế giới. Lĩnh vực Toán học, Vật lý & Thiên văn học và Kinh doanh & Khoa học quản lý đều được xếp hạng số 1 tại Việt Nam. Lĩnh vực Kỹ thuật điện & điện tử lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng QS.

Theo kết quả của Times Higher Education (THE), ĐHQGHN tiếp tục duy trì 4 lĩnh vực đã được xếp hạng trong kỳ xếp hạng trước gồm: Khoa học máy tính, Khoa học Xã hội (cùng thuộc nhóm 601-800); Kỹ thuật, Khoa học Tự nhiên (cùng thuộc nhóm 801-1000). Tại kỳ xếp hạng lần này, ĐHQGHN có thêm 2 lĩnh vực mới được xếp hạng là Kinh doanh & kinh tế và Khoa học sự sống (cùng thuộc nhóm 501-600).

Mới đây nhất, Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu - Best Global Universities. Theo đó, ĐHQGHN có thứ hạng 970 thế giới và 258 Châu Á. Đặc biệt, trong 13 tiêu chí xếp hạng của US News & World Report, tiêu chí tổng số ấn phẩm của ĐHQGHN có sự gia tăng đáng kể về thứ hạng, tăng 59 bậc so với kì 2022. Cũng trong kỳ xếp hạng này, lĩnh vực Kĩ thuật (Engineering) của ĐHQGHN lần đầu tiên được xếp hạng với thứ hạng 636, lĩnh vực Vật lý tiếp tục được xếp hạng ở vị trí 664 thế giới.

Năm nay cũng là lần đầu tiên ĐHQGHN nằm trong nhóm 800 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất với vị trí 758 theo kết quả xếp hạng Webometrics của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs. Trong kỳ xếp hạng tháng 8/2022, ĐHQGHN đã tăng 186 bậc so với lần xếp hạng tháng 01/2022, vị trí 183 Châu Á và vị trí 14 Đông Nam Á.


Theo kết quả công bố trên tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ về xếp hạng ảnh hưởng trích dẫn trong cộng đồng khoa học, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Lê Hoàng Sơn tiếp tục có tên trong danh sách 10.000 nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022. Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, PGS.TS Lê Hoàng Sơn xếp hạng 5.817 và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức xếp hạng 7.455 thế giới. Đặc biệt, GS. Nguyễn Đình Đức xếp hạng 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering. Hai nhà khoa học này cũng có tên trong bảng xếp hạng thế giới của reseach.com cùng hai nhà khoa học khác là GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh.

Các học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế đã giành 08 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc. Trong thư khen Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và các học sinh Việt Nam giành huy chương trong kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành tích của các học sinh không chỉ là niềm tự hào của ngành giáo dục mà còn là của cả dân tộc; các học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

TS. Chu Đức Hà - Giảng viên Trường ĐH Công nghệ vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2022 trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học. Đây là giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tặng Bằng khen cho 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu. Trong số đó, ĐHQGHN có 03 nhà giáo vinh dự được nhận Bằng khen này, đó là: GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng giáo dục ĐHQGHN, nguyên Giám đốc ĐHQGHN; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN và GS.TS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN.

Mới đây nhất, 02 công trình của các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN đã được trao tang Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6, lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đó là: Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của cố GS.TS Đinh Xuân Lâm và công trình “Thơ Việt Nam hiện đại” của GS.TS Lê Văn Lân (bút danh Mã Giang Lân).

Năm nay, nhiều đơn vị và cá nhân vinh dự được đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, GS.TSKH Lưu Văn Bôi, GS.TS Phạm Hùng Việt, TTND.GS.TS Lê Ngọc Thành và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ĐHQGHN được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS Lê Thanh Sơn, tập thể Trường ĐH Kinh tế và Trường Quốc tế được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ