TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 09:43:34 Ngày 18/01/2023 GMT+7
VNU - IS: Phát triển các nhóm nghiên cứu hạt giống trong sinh viên
Với mong muốn có thể định hướng sớm cho sinh viên đi theo con đường nghiên cứu, nhóm nghiên cứu Điều khiển thông minh của Trường Quốc tế, ĐHQGHN đã được thành lập, mang theo nhiều tâm huyết và kỳ vọng của các giảng viên.

Nhóm nghiên cứu quy tụ các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, kỹ sư công nghệ, thực tập sinh và sinh viên kỹ thuật của Trường Quốc tế và một số trường đại học trong cả nước. Đặc biệt, nhóm xây dựng kế hoạch huấn luyện, nghiên cứu chuyên biệt cho các tân sinh viên ngành Tự động hóa và Tin học đang học tập tại Hòa Lạc, khơi gợi ngọn lửa đam mê khoa học trong sinh viên ngay từ những năm đầu tiên.

Bản tin ĐHQGHN đã có cuôc trao đổi với TS. Lê Xuân Hải và TS. Phạm Ngọc Thành - hai trong số các giảng viên hướng dẫn của nhóm nghiên cứu Điều khiển thông minh.

Trường Quốc tế vừa đón chào các tân sinh viên K21 và được biết trong số các tân sinh viên này, nhiều bạn có mong muốn, nguyện vọng được tham gia vào nhóm nghiên cứu cùng giảng viên. Xin các anh giới thiệu về nhóm nghiên cứu sinh viên hiện tại của Nhà trường?

Nhóm nghiên cứu điều khiển thông minh với định hướng phát triển theo hình thái các labo nghiên cứu chuyên nghiệp. Slogan của nhóm là “Innovation, integration and inspiration toward the future” (Đổi mới, hội nhập và truyền cảm hứng hướng tới tương lai). Nhóm nghiên cứu tập hợp các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, kỹ sư công nghệ, thực tập sinh và sinh viên kỹ thuật nhiều trường đại học và công ty công nghiệp trong và ngoài nước. Định hướng của nhóm là phát triển nghiên cứu tích hợp đa lĩnh vực: điều khiển các hệ thống thông minh, robot cơ điện tử, thị giác máy tinh, trí tuệ nhân tạo và học máy. Các mức độ nghiên cứu của nhóm gồm: công bố khoa học và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực tập nghiên cứu khoa học và thực hành công nghệ.

Với các sinh viên có đam mê và mong muốn được nghiên cứu thì các giảng viên cần có sự định hướng và hướng dẫn các em như thế nào ngay từ những ngày đầu?

Sự định hướng và hướng dẫn các em ngay từ những ngày đầu là công việc hết sức quan trọng. Khi các sinh viên mới gia nhập nhóm nghiên cứu, trước hết, chúng tôi trò chuyện cùng các em, tìm hiểu sở thích, điểm mạnh, điểm hạn chế để tính toán chương trình nghiên cứu có định hướng phù hợp. Ví dụ các em có định hướng kĩ sư công nghiệp, định hướng phát triển học nghiên cứu sinh thạc sĩ, định hướng du học, hay định hướng trở thành cán bộ giảng dạy, sẽ có các lộ trình phát triển hoàn toàn khác nhau. Sau đó, các em sẽ tham gia các buổi báo cáo khoa học chung của toàn nhóm, được phân về các nhóm nghiên cứu phù hợp như phân nhóm cơ điện tử và điều khiển, phân nhóm thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo, phân nhóm về học sâu. Các bạn sinh viên sẽ được khuyến khích tham gia các cuộc thi cấp độ sinh viên: robotic, sáng tạo Chitech. Tại các phân nhóm, các em sẽ được đào tạo sâu về các lĩnh vực này. Hầu hết các nghiên cứu viên của chúng tôi phải trải qua quá trình huấn luyện tại tất cả các phân nhóm. Đến cuối năm thứ 3, các em phải đạt được yêu cầu có khả năng nghiên cứu các hệ thống tích hợp, có khả năng thực hành thực tập một cách nhuần nhuyễn. Các em sinh viên khi đạt được các yêu cầu sẽ được phân chủ đề nghiên cứu, cao hơn là đề tài nghiên cứu và công bố khoa học.

Việc truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu cho sinh viên rất quan trọng. Vậy các thầy cô nên giúp các sinh viên giữ lửa nghiên cứu như thế nào khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học?

Đúng vậy, việc truyền ngọn lửa đam mê đối với sinh viên là vô cùng quan trọng, theo quan điểm cá nhân tôi cũng như các thầy cô trong nhóm nghiên cứu thì đây là yếu tố then chốt. Như mọi người đều biết, sinh viên của Trường Quốc tế có năng lực học tập rất tốt, kiến thức nền cùng ngoại ngữ vững chắc. Chúng ta cần định hướng để tránh lãng phí tài năng. Quá trình học tập tại đại học rất quan trọng vì nó hình thành nên tính cách, tác phong cũng như tư duy làm việc của các em. Kiến thức có thể học qua năm tháng nhưng tác phong làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm và đam mê việc mình làm thì không dễ gì mà hình thành được. Nếu sinh viên ra trường không đạt được thái độ này sẽ rất khó để thành công trong tương lai. Xây dựng “ngọn lửa đam mê” bản chất là “xây dựng niềm tin”.

Có 3 niềm tin chúng tôi xây dựng cho các em. Thứ nhất, đó là niềm tin vào con đường học tập mình là chân chính và sẽ đi đến thành công. Thứ hai, cần tin rằng phương pháp học tập là đúng đắn, để tin phương pháp là đúng đắn thì rõ ràng các em phải làm được ra kết quả, ra được sản phẩm thì các em mới tin vào bản thân mình. Chúng tôi luôn đề cao tính chủ động, giao mục tiêu kết quả rõ ràng, các sinh viên chủ động đề xuất sự giúp đỡ khi cần thiết. Và tất nhiên, chúng tôi luôn chú trọng khen thưởng và động viên kịp thời. Thứ ba, đó là niềm tin vào người thầy, người dẫn đường mình. Chúng tôi luôn duy trì sự mẫu mực của người thầy, cũng như sự năng động, chủ động trong khoa học để các em tin tưởng.

Với nhóm nghiên cứu sinh viên năm thứ nhất đang học tập tại Hòa Lạc, các giảng viên trong nhóm có chương trình, kế hoạch nghiên cứu thế nào để các em sớm đạt kết quả trong nghiên cứu?

Sinh viên học tập tại Hòa Lạc là nỗi trăn trở với nhóm chúng tôi từ rất nhiều tháng trước rồi. Các thầy trong nhóm đã thảo luận rất nhiều để tìm ra hướng đi trong công tác huấn luyện nghiên cứu cho nhóm sinh viên này. Chúng tôi muốn cùng Nhà trường trả lời câu hỏi: “Tại sao các em phải học tập tại Hòa Lạc? Học Hòa Lạc có gì khác với học ở nội thành Hà Nội?”. Với định hướng đó, chúng tôi quyết định sẽ có chương trình huấn luyện nghiên cứu chuyên biệt cho nhóm sinh viên đang học tập tại Hòa Lạc, để chính bản thân các em hay các học sinh THPT và phụ huynh thấy một phần sự ưu việt khi học tại đây mà các trường đại học khác không có được.

Từ nhiều tháng trước, chúng tôi đã lên khung chương trình, tuyển chọn kĩ lưỡng các thành viên tham gia. Đây là chương trình đào tạo thực hành công nghệ chuyên biệt và chỉ dành riêng cho khối người học tại Hòa Lạc của chúng tôi. Các em sẽ được huấn luyện các kĩ thuật lập trình với định hướng là thực tế, các hệ thống mạch thực điện tử, các kiến thức cốt yếu học máy và trí tuệ nhân tạo, các kĩ thuật mô phỏng. Điểm cốt lõi ở đây là chúng tôi không giảng theo phong cách lí thuyết hàn lâm mà theo phong cách coaching (huấn luyện). Giới thiệu các đầu mục kiến thức, giao chủ đề làm các sản phẩm thực cụ thể, có huấn luyện viên theo sát. Chúng tôi luôn luôn có một thầy trong nhóm theo rất sát tiến độ của khối sinh viên này. Sau khi rời Hòa Lạc về học tập tại nội thành, các em sinh viên này đã có khả năng làm việc tương đương với các nhân viên kĩ thuật lành nghề.

Xin trân trọng cảm ơn các anh vì những chia sẻ thú vị!

 Thùy Lâm - Bản tin ĐHQGHN 371
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ