TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Thông báo   Sau đại học 15:03:32 Ngày 08/03/2023 GMT+7
Thông tin LATS của NCS Trần Thùy An
Tên đề tài: Lời chỉnh sửa (repair) trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt

1. Họ và tên: Trần Thuỳ An                                            2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 25/9/1986                                                 4. Nơi sinh: Nam Định

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 1745/QĐ-XHNV ngày 13/7/2017 của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Thay đổi cán bộ hướng dẫn khoa học luận án tiến sĩ theo quyết định 2100/QĐ-XHNV ngày 24/05/2019; kéo dài thời gian đào tạo từ ngày 13/7/2020 đến 13/7/2022

7. Tên đề tài luận án: Lời chỉnh sửa (repair) trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt

8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam                            9. Mã số: 66.22.01.02

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Với mục đích làm rõ các đặc điểm về cấu trúc và chức năng của lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt, luận án sử dụng tư liệu là mười cuộc hội thoại tự nhiên (mỗi cuộc hội thoại có thời lượng trên dưới một tiếng) của người Việt được ghi âm và ghi hình. Tư liệu ghi âm và ghi hình được giải băng một cách tỉ mỉ. Văn bản giải băng được đọc lại một cách kĩ lưỡng, kết hợp với việc nghe và xem lại băng ghi âm và ghi hình các cuộc hội thoại để nhận diện lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt. Khảo sát và phân tích 400 lời chỉnh sửa có trong tư liệu nghiên cứu, luận án thu được một số kết quả sau:

- Lời chỉnh sửa hội thoại là hành động xảy ra thường xuyên trong tương tác hội thoại tiếng Việt khi có sự cố phát sinh liên quan đến các vấn đề nói, nghe và hiểu. Lời chỉnh sửa hội thoại tiếng Việt được chia làm hai loại chính là lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng (với 242/400 lời chỉnh sửa chiếm 60,5%) và lời chỉnh sửa do người nghe khởi xướng (với 158/400 lời chỉnh sửa chiếm 39,5%). Điều này cho thấy lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng là hoạt động thường gặp và là hành động được ưa thích trong tương tác hội thoại tiếng Việt.

- Về cấu trúc: Lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt thường có cấu trúc ba phần bao gồm: nguồn sự cố cần chỉnh sửa; khởi xướng chỉnh sửa và hành động chỉnh sửa. Ngoài ba bộ phận trên, lời chỉnh sửa có thể có bộ phận thứ tư (là bộ phận khẳng định chỉnh sửa trong lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng, người nghe chỉnh sửa). Mỗi bộ phận của lời chỉnh sửa lại bao gồm nhiều yếu tố hoặc được thực hiện bởi những cách thức khác nhau ở từng loại chỉnh sửa cụ thể (bao gồm: Lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng, người nói chỉnh sửa; lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng, người nghe chỉnh sửa; lời chỉnh sửa do người nghe khởi xướng, người nói chỉnh sửa và lời chỉnh sửa do người nghe khởi xướng, người nghe chỉnh sửa)

- Về chức năng: Ngoài chức năng chính của lời chỉnh sửa là nhằm khắc phục sự cố có thể có liên quan đến việc nói, nghe và hiểu, lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt (bao gồm cả lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng và lời chỉnh sửa do người nghe khởi xướng) còn thực hiện một số chức năng ngữ dụng như: thể hiện sự né tránh của người nói; thể hiện sự thay đổi thái độ của người nói; thể hiện sự trêu đùa, hài hước; thể hiện sự bất đồng quan điểm; thể hiện sự ngạc nhiên hay thể hiện sự điều chỉnh thái độ của người tham gia tương tác.

- Lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt có những điểm tương đồng nhưng cũng có những chi tiết mang tính đặc thù so với lời chỉnh sửa ở các ngôn ngữ khác.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

Việc nghiên cứu lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt sẽ cung cấp cơ sở lí thuyết trong việc tiếp nhận lời nói, giải mã các phát ngôn của người đối thoại cho những người tham gia giao tiếp để quá trình tương tác diễn ra một cách hiệu quả và không bị gián đoạn.

Đề tài luận án cũng có ý nghĩa thực tiễn trong việc giảng dạy ngôn ngữ (dạy tiếng mẹ đẻ và dạy ngoại ngữ). Việc phân tích và mô tả cặn kẽ về cấu trúc cũng như chức năng của lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt sẽ cung cấp cho người dạy và người học những chiến lược phù hợp khi phát sinh "sự cố" cần phải có sự điều chỉnh, làm rõ góp phần làm cho quá trình truyền đạt và tiếp nhận kiến thức đạt hiệu quả tốt nhất.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

- Các chức năng của chỉnh sửa hội thoại: Về cơ bản, hầu hết các lời chỉnh sửa thực hiện với chức năng giải thích, làm rõ để đảm bảo quá trình tương tác hội thoại không bị gián đoạn bởi các nguồn rắc rối nảy sinh trong quá trình nói, nghe, hiểu. Tuy nhiên ngoài chức năng giải thích, làm rõ, chỉnh sửa hội thoại còn được thực hiện với nhiều chức năng ngữ dụng khác. Chúng tôi sẽ quay trở lại để tìm hiểu kĩ hơn các chức năng ngữ dụng của chỉnh sửa hội thoại trong các nghiên cứu tiếp theo.

- Sự tác động của các nhân tố xã hội đến việc sử dụng lời chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

1. Trần Thuỳ An (2018), "Khởi xướng chỉnh sửa do người nghe thực hiện trong hội thoại tiếng Việt", Tạp chí Ngôn ngữ (6), tr. 58-70.

2. Vũ Thị Thanh Hương, Trần Thuỳ An (2018), "Lời chỉnh sửa do giáo viên khởi xướng - học sinh chỉnh sửa trong tương tác hội thoại trên lớp học (khảo sát các lớp 1 - 2 vùng dân tộc thiểu số Gia-rai, tỉnh Gia Lai)", Tạp chí Ngôn ngữ (12), tr. 27-41.

3. Trần Thuỳ An (2019), "Hành động chỉnh sửa do người nói thực hiện trong lời chỉnh sửa do người nghe khởi xướng, người nói chỉnh sửa (other initiated, self-repair) trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt", Kỉ yếu hội thảo: Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển, Hội thảo ngữ học toàn quốc 2019, Nxb Dân trí, tr. 12-20.

4. Sidnell. J, Trần Thùy An, Vũ Thị Thanh Hương (2020), “On the division of intersubjective labor in interaction: A preliminary study of other-initiated repair in Vietnamese conversation”, Journal of the Southeast Asian Linguistics Society (6), pp. 65-84.

5. Trần Thùy An (2022), "Lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng và chỉnh sửa (trường hợp chỉnh sửa không cùng lượt lời)", Tạp chí Ngôn ngữ (1), tr. 69-80.

6. Trần Thuỳ An (2022), "Lời chỉnh sửa do người nghe khởi xướng và chỉnh sửa trong giao tiếp hội thoại tiếng Việt", Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Những vấn đề Ngôn ngữ học năm 2022, Nxb Khoa học xã hội, tr. 11-26

 VNU Media - VNU - USSH
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ