TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Phổ biến pháp luật 00:00:00 Ngày 17/09/2021 GMT+7
Một số văn bản mới của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng
Trong nửa đầu tháng 9 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội ở các lĩnh vực: Đào tạo, tổ chức cán bộ và xây dựng. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:

1. Chỉ thị số 24/CT-Ttg ngày 03 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng phó với đại dịch Covid 19

Theo Chỉ thị số 24/CT-TTg, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ban ngành có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo; xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương; tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu của phương thức này; phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi; rà soát gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cần nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người” thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”; hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến; chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến; hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp; xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước chuyển đổi việc tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và bảo vệ tốt nghiệp sang hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh; chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp, sát với thực tiễn; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học tổ chức thực hiện hiệu quả việc tự chủ, nhất là ở những nơi có điều kiện.

Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 9 năm 2021.

>>> Xem toàn văn: Chỉ thị số 24/CT-TTg

2. Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy chế tuyển sinh trình độ thạc sĩ

Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ thạc sĩ và là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành các quy định chi tiết về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, cấp bằng thạc sĩ áp dụng tại cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, quy chế không áp dụng đối với việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo những chương trình đào tạo thạc sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng (bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục). Quy chế quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, cấp bằng thạc sĩ cụ thể: Chương trình đào tạo; hình thức và thời gian đào tạo; công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ; đối tượng và điều kiện dự tuyển; tổ chức tuyển sinh và công nhận học viên; tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập; hướng dẫn luận văn; đánh giá luận văn; thẩm định luận văn; hướng dẫn, đánh giá và thẩm định học phần tốt nghiệp chương trình định hướng ứng dụng; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ; nghỉ học tạm thời, thôi học; chuyển cơ sở đào tạo, chuyển nơi học và chuyển chương trình đào tạo; trao đổi học viên và hợp tác trong đào tạo; xử lý vi phạm đối với học viên; xây dựng và thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo; chế độ lưu trữ, báo cáo và công khai thông tin.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, áp dụng đối với các khóa trúng tuyển từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT

3. Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT có nội dung sửa đổi một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23 cụ thể như sau: sửa đổi, bỏ sung, khoản 2, điều 1 về đối tượng áp dụng; sửa đổi, bổ sung điều 4 về đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; sửa đổi, bổ sung khoản 2, 4, 5 điều 5 về yêu cầu để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; sửa đổi, bổ sung điều 6 về thông báo việc đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị tổ chức thi; Sửa đổi, bổ sung Điều 12 về yêu cầu về đề thi.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2021

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT

4. Thông tư số 09/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 9 năm 2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2020/TT- BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động

Thông tư số 09/2021/TT-BLĐTBXH có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2020/TT- BLĐTBXH, cụ thể như sau: sửa đổi điều 4 từ “Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm” thành “Trình tự, thủ tục bảo vệ” và nội dung điều này cũng được quy định ngắn gọn “Trình tự, thủ tục bảo vệ được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Tố cáo”; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 điều 8 về trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động; bãi bỏ điều 5 về quyết định, thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng các biện pháp bảo vệ; bãi bỏ điều 6 về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 2021.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 09/2021/TT-BLĐTBXH

5. Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ Xây Dựng về việc hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng

Thông tư số 14/2021/TT-BXD có nội dung hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng quy định tại Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên và vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Thông tư cũng quy định cụ thể chi phí bảo trì công trình xây dựng được xác định bằng dự toán. Dự toán chi phí bảo trì công trình gồm: chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí sửa chữa công trình, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình, chi phí khác và chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2021 và thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 14/2021/TT-BXD

6. Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây Dựng về việc hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình

Thông tư số 13/2021/TT-BXD có nội dung hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình gồm: Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng; phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhật hệ thống định mức; phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng; phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng; phương pháp đo bóc khối lượng công trình.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021. Phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình quy định tại Thông tư này thay thế các phương pháp đã ban hành tại Mục I Phụ lục số 5, Phụ lục số 6, Phụ lục số 7 của Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thông tư số 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng; Thông tư số 14/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chỉ số giá xây dựng; Thông tư số 15/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng và Thông tư số 17/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 13/2021/TT-BXD

7. Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức xây dựng

Thông tư số 12/2021/TT-BXD quy định về các định mức xây dựng gồm: Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình; định mức dự toán xây dựng công trình; định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình; định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ; định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng; định mức sử dụng vật liệu xây dựng; định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021. Định mức xây dựng quy định tại Thông tư này thay thế định mức xây dựng đã ban hành tại Thông tư số 10/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng; Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng và thay thế Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư số 02/2020/TT-BXD ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Thông tư có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 12/2021/TT-BXD

 VNU Media - Ban TT&PC
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ