TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin các đơn vị 00:00:00 Ngày 22/03/2024 GMT+7
Những tiến bộ trong hạ tầng và dịch vụ Công nghệ Thông tin – Truyền thông
Ngày 26 đến 28/2/2024, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 11 về “Nhưng tiến bộ trong hạ tầng và dịch vụ Công nghệ Thông tin - Truyền thông” (International Workshop on Advances in ICT Infrastructures and Services – ADVANCE 2024).

Tham dự và trình bày báo cáo tại hội thảo gồm có các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Cộng hòa Pháp, Canada, Brazil và Việt Nam. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, giới thiệu về các hoạt động và kết quả nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giới thiệu những giải pháp kỹ thuật công nghệ mới, liên kết đẩy mạnh phát triển ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông phục vụ cuộc sống.

 

GS.TS Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin phát biểu khai mạc.

Công nghệ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng mạng, máy tính và dịch vụ mới đang thay đổi mạnh mẽ xã hội của chúng ta về mọi mặt. Những tiến bộ này không chỉ tác động đến cách mọi người làm việc mà còn đến cách chúng ta tương tác, học tập, đào tạo, hợp tác, giải trí, v.v. Làm thế nào để những giải pháp công nghệ kỹ thuật mới này thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số có xét đến tác động của môi trường sống là những khía cạnh quan trọng được trao đổi, thảo luận tại hội thảo. Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Chủ tịch Hội thảo gửi lời cảm ơn đến toàn bộ khách mời tham gia bởi sự góp mặt và những nỗ lực to lớn của họ cho hội thảo. Đây là một sự kiện khoa học công nghệ quan trọng tập trung vào những tiến bộ đột phá trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Chúng ta đang sống trong thời đại Công nghiệp 4.0, Chuyển đổi số - nơi truyền thông và truyền tải thông tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hội thảo không chỉ là nơi gặp gỡ mà còn là dịp để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và các ý tưởng mới. GS.TS. Trần Xuân Tú cũng hy vọng rằng đây sẽ là một cơ hội để học hỏi, trao đổi ý tưởng và xây dựng một cồng đồng nghiên cứu vững mạnh, nhiều cơ hội hợp tác sẽ được mở ra trong thời gian tới.

 

Đại biểu tham dự chụp ảnh chung tại Hội thảo ADVANCE 2024.

Tại hội thảo GS.TS Joberto S. B. Martins, đồng Chủ tịch Hội thảo đến từ Đại học Salvador (UNIFACS), Brazil, là giáo sư quốc tế tại HTW – Hochschule fur Techknik und Wirtschaft des Saarlandes (Đức) từ năm 2003 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bố tài nguyên truyền thông mạng thông minh với các ứng dụng đã nêu ra các mô hình, các giao thức mới, các giải pháp thông minh mới hà hệ thống phức tạp có quy mô lớn đang xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Hội thảo là cơ hội kết nối tri thức để giải quyết các vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định của Công nghệ thông tin và Truyền thông trong cuộc sống hiện đại.

 

GS.TS Joberto Martin, UNIFACS University, Salvador, Brazil.

Trong khuôn khổ hội thảo các đại biểu được nghe các phần trình bày của diễn giả (keynote speakers) đến từ Cộng hòa Pháp là GS. Pierre Duhamel, Đại học Paris-Saclay có tiêu đề Tích hợp việc sử dụng thông tin hình ảnh từ xa vào thiết kế các tình huống giao tiếp.

 

GS. Pierre Duhamel, Đại học Paris-Saclay, Cộng hòa Pháp trình bày báo cáo mời.

Và bài tham luận của GS. Nazim Agoulmine với tiêu đề Giới thiệu về IoT, MEC (điện toán biên di động) và điện toán đám mây nhằm mục đích giới thiệu các hoạt động nghiên cứu trong phòng thí nghiệm IBISC xung quanh IoT, điện toán biên, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo cũng như cách các công nghệ này đang thay đổi cuộc sống của chúng ta.

 

GS. Nazim Agoulmine đến từ Đại học Paris-Saclay, Cộng hòa Pháp.

Tiếp theo của buổi hội thảo là phần trình bày của GS. Abdelhakim Hafid đến từ Đại học Montreal, Canada với tiêu đề Mở khóa các tiềm năng của BlockChain trong chăm sóc sức khỏe. BlockChain ngày càng có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính, người ta tin rằng BlockChain sẽ thay đổi cuộc sống cả chúng ta.

 

GS. Abdelhakim Hafid đến từ Đại học Montreal, Canada.

GS. Neuman De Souza đến từ đại học UFC, Brazil đã chia sẻ với tiêu đề Đánh giá hệ thống các ứng dụng y tế điện tử với sự hỗ trợ của BlockChain: Cơ hội nghiên cứu và số liệu.

 

GS. Neuman De Souza đến từ Đại học UFC, Brazil.

Nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB), Viện Công nghệ Thông tin tham gia hội thảo với báo cáo Đảm bảo an toàn cho các ứng dụng IoT công suất siêu thấp. Báo cáo trình bày các kết quả nghiên cứu về thiết kế công suất thấp và phần cứng bảo mật cho các thiết bị Internet vạn vật (IoT) với các ràng buộc về tài nguyên, công suất và năng lượng tiêu thụ trong khi cần phải đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, an toàn cho hệ thống.

 

TS. Bùi Duy Hiếu – Trưởng phòng Thí nghiệm AIoT, Viện Công nghệ Thông tin trình bày báo cáo.

Hội thảo ADVANCE lần thứ nhất được tổ chức thành công năm 2012 tại Canoa Quebrada, Brazil với sự hỗ trợ của Viện Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Liên bang Ceara, Brazil. Các sau đó, hội thảo ADVANCE được tổ chức tại: Morro de Sao Paulo, Brazil (2013); Miami, Hoa Kỳ (2013); Recife, Brazil (2014); Evry Val d'Essonne, Pháp (2015); Santiago de Chile, Chile (2018); Praia, quần đảo Cape Verde, CH Cabo Verde (2019); Cancun, Mexico (2020); Zaragora, Tây Ban Nha (2021); Fortaleza & Jericoacoara, Brazil (2023). Năm 2024, Hội thảo ADVANCE lần đầu được tổ chức tại Châu Á; Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đăng cai tổ chức.

Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội

Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội là một viện nghiên cứu thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập từ năm 2001. Viện Công nghệ Thông tin có sứ mệnh đào tạo chuyên gia chất lượng cao ở bậc tiến sỹ, tham gia đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin tại các trường đại học và các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin – Truyền thông nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, phổ cập công nghệ mới cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.

Viện Công nghệ Thông tin hiện có 5 đơn vị nghiên cứu và phát triển công nghệ: (1) Phòng Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin; (2) Phòng An toàn hệ thống thông tin; (3) Phòng Công nghệ mạng và truyền thông; (4) Phòng Công nghệ nhận dạng và xử lý ngôn ngữ tự nhiên; (5) Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng.

Đội ngũ các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ ngành, cấp ĐHQGHN và quốc tế liên quan đến các vấn đề công nghệ quan trọng như: khoa học dữ liệu; trí tuệ nhân tạo (AI); thực tại ảo/thực tại tăng cường (VR/AR); xử lý ảnh/video; an toàn thông tin; blockchain; Internet vạn vật (IoT); hệ thống nhúng; thiết kế vi mạch và FPGA, thiết kế bảo mật cho RFID… Một số sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu như: Hệ thống nhận dạng phân loại trạng thái cảm xúc khuôn mặt người; Giải pháp nền tảng phần cứng – phần mềm cho hệ thống thiết bị IoT an toàn; Hệ tư vấn và hỗ trợ chẩn đoán bệnh theo tiếp cận tính toán mờ; Phần mềm chẩn đoán bệnh viêm quanh cuống trên ảnh X-quang nha khoa…

Viện Công nghệ Thông tin có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước và quốc tế (Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…). Trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đã triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ hợp tác với các đối tác quốc tế, công bố nhiều công trình khoa học chung với các học giả quốc tế.

 

 

 Tường Minh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ