TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 15:29:43 Ngày 07/06/2023 GMT+7
Tài liệu lưu trữ về Phật giáo Việt Nam tại Pháp: giá trị và khả năng tiếp cận
Ngày 6/6/ 2023, tại Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN đã tổ chức toạ đàm với chủ đề “Tài liệu lưu trữ về Phật giáo Việt Nam tại Pháp: giá trị và khả năng tiếp cận”.

 Diễn giả chính của toạ đàm là TS. Ninh Thị Sinh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Tham dự tọa đàm còn có các nhà nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử, tôn giáo, hán nôm thường xuyên tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ cho những nghiên cứu liên quan cùng các học viên, nghiên cứu sinh, đội ngũ giảng viên của Viện Trần Nhân Tông.

Phát biểu khai mạc, Phó Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông PGS.TS Dương Thị Thu Hà chào mừng các thành viên tham dự toạ đàm, đồng thời nhấn mạnh về giá trị thiết thực của nội dung thuyết trình và đánh giá chủ đề của tọa đàm là hướng nghiên cứu mở ra một góc nhìn mới về Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại. Thông qua tọa đàm các chuyên gia, nhà khoa học sẽ giúp gợi mở hướng tiếp cận, nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam thông qua tài liệu lưu trữ.

Tại buổi thuyết trình, TS. Ninh Thị Sinh đã chia sẻ những hiểu biết cũng như kinh nghiệm của mình về khối tài liệu lưu trữ Phật giáo Việt Nam tại Pháp và cách thức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ để từ đó giải quyết các vấn đề nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn Pháp thuộc (1858-1945). Trên cơ sở kết quả của việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ, TS. Ninh Thị Sinh đã phát hiện ra các vấn đề của thời kỳ này, đó là sự ra đời của các tôn giáo mới trên cơ sở đạo Phật truyền thống như Phật giáo Cao Đài và Hoà Hảo; Phật giáo Nam Tông Kinh; Phật giáo Khất sĩ và Phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Tông, giai đoạn 1920-1945.

Cũng tại tọa đàm, TS. Ninh Thị Sinh đã giới thiệu về một số trung tâm lưu trữ - nơi mà chúng ta có thể tiếp cận tài liệu Phật giáo như: Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Pháp (Archives nationales d’Outre-Mer), Trung tâm lưu trữ Quốc gia Campuchia (National Archives of Cambodia) và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh) và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt).

Nói về giá trị và khả năng tiếp cận của tài liệu lưu trữ về Phật giáo Việt Nam tại Pháp, TS.Ninh Thị Sinh nhấn mạnh: tài liệu lưu trữ không chỉ cho chúng ta biết chính xác thời điểm ra đời của một sự kiện, mà còn cho biết cả quá trình vận động trước đó, tài liệu lưu trữ góp phần làm sáng tỏ nhiều thông tin mà các tư liệu khác không đề cập và qua tài liệu lưu trữ, chúng ta có thể xác định được mối liên hệ giữa các sự kiện, từ đó nhận diện được các thuật ngữ cũng như lí giải được các tên gọi của một tổ chức, một sự kiện ...

Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) TS. Cam Anh Tuấn cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm khai thác tài liệu lưu trữ tại Pháp cũng như tại Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu, đặc biệt ông nêu bật chủ trương của Chính quyền Pháp thời kỳ đó là “hồi hương tài liệu lưu trữ”, trong đó đặc biệt “hồi hương” toàn bộ Phông Lưu trữ toàn quyền Đông Dương về Pháp.

Các phông lưu trữ còn lại, tùy nội dung, tính chất và thành phần tài liệu để quyết định “hồi hương” những tài liệu nào, những tài liệu nào để lại cho chính quyền tiếp theo. Việc “hồi hương tài liệu” này vẫn tiếp tục sau năm 1954 qua các “vali ngoại giao” để đưa tài liệu về Pháp. Điều đó giải thích tại sao có những tài liệu có thể tiếp cận được ở Pháp và có những tài liệu thì ở Việt Nam vẫn còn đầy đủ.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã chia sẻ nhiều chủ đề liên quan đến việc khẳng định giá trị tin cậy, tính pháp lý của tài liệu lưu trữ nhưng để đảm bảo một kết quả nghiên cứu khách quan thì cần có thêm các nguồn sử liệu khác, các phương pháp và hướng tiếp cận khác…

>>> Tin bài liên quan:

 - Hội thảo khoa học quốc tế: Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng văn hóa

-  Hội thảo Khoa học Quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”

ĐHQGHN tổ chức Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ