Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 10:21:27 Ngày 30/04/2024 GMT+7
Sinh viên đối diện mùa thi
Với sinh viên mùa thi trở thành thời điểm quyết định toàn bộ cả sáu tháng miệt mài đèn sách. Mùa thi là mùa quyết chiến...

Mùa thi = thư viện + mì tôm + cà phê, chè khô = sút cân

Ăn thư viện, ngủ thư viện

Mặc dù 7h30 thư viện mới mở cửa, nhưng ngay từ 7 giờ, đến trước phòng đọc ký túc xá Mễ Trì hay nhà E trường ĐHKHXH&NV, bạn đã có thể phát ngốt lên vì hàng trăm sinh viên đứng chen chúc như đợi phát chẩn.

7h30. Cửa thư viện mở. La ó. Chen lấn. Xô đẩy. Ai cũng cố để chiếm được một chỗ. “Dép ơi ở lại chân đi nhé” là chuyện thường. Vào để sách giữ chỗ đã, quay ra tìm dép sau. Gấm (SV K49 ĐHKHXH&NV) tâm sự: "Có lần em bị ngã dúi, tí nữa thì bị dẫm lên. Kinh quá! Thế nhưng hôm sau vẫn phải tiếp tục... "chen lấn, xô đẩy" vì ở nhà ồn không học được". Cũng có khi đến chầu chực từ sáng sớm mà vẫn phải ôm sách về vì hết chỗ.

Một chai nước, một gói xôi và sách vở - đấy là toàn bộ hành lý của Phương (SV K49 ĐHKHXH&NV) để “bám thư viện”. “Học ở ký túc xá còn ra căng tin ăn được chứ bọn mình học trên trường, quán ăn ít mà lại đắt. Với lại cũng ngại nữa. Nóng lắm. Tối về ăn bù vậy". Phương vừa nói vừa "giải quyết" bữa trưa một cách ngon lành. Tôi hỏi: "Thế không ngủ trưa à?". Phương đáp: "Có chứ. Gục tại bàn luôn. Sau đó dậy học tiếp". Tôi tiếp: "Cày như thế thì mệt lắm nhỉ!". Phương trả lời: "Nhưng phải chấp nhận thôi. Ôn thi mà. Nếu không muốn trượt và điểm tươm tươm một chút. Lên thư viện học tập trung hơn và có không khí hơn. Với lại còn mượn sách nữa. Quen rồi. Hết mùa thi chắc lại nhớ thư viện lắm đấy, bạn ạ".

Và trường kỳ chiến đấu với mì tôm

"Mình thì chịu thôi. Năm thứ nhất lên chen thư viện, về ốm ba ngày liền. Từ hồi ấy đến giờ khiếp luôn. Mình chỉ học ở phòng thôi" - Thuỷ (SV K47 ĐHKHTN), vừa với tay chỉnh lại chiếc phôn vừa nói. Học trên phòng và trường chiến… mì tôm. Sáng mì tôm. Trưa mì tôm. Tối mì tôm. êm một gói mì tôm nữa. Mỗi người một góc phòng, cặm cụi từ sáng đến trưa, không ai nói với ai câu nào. Đến bữa, mệt, không ai muốn xuống mua cơm nữa. "ở tầng một, tầng hai còn đỡ, chứ tầng ba, tầng bốn, tầng năm thì ngán lắm. Mà trời thì cứ nóng như thiêu như thế kia!". Tuyến phòng 405 KTX Mễ Trì nhăn nhó, chọc chọc đũa vào tô mì: "ứ ăn nữa đâu. Em ngán lắm rồi! Không thể nuốt được!”. Hắn ghé sát tai tôi thì thào: "Chị biết không, xơi cái này vào nhiệt “kinh điển”, hơn một tuần nay em bị “bế quan toả cảng”, không “xuất khẩu” được, bụng cứ tức anh ách”. Quả là gian nan! Nhưng vẫn nhất quyết không đi mua cơm. “Mất thời gian lắm!”. Rồi rất hồn nhiên, hắn lại toét miệng cười và hào hứng tự cổ vũ: "Tuyến ơi cố lên! Còn vài ngày nữa thôi!".

Cà phê, chè khô, và đêm trắng

Cà phê là giải pháp được nhiều người chọn để chống buồn ngủ. Ngày ba gói: sáng một, trưa một và tối một, đấy là lịch cà phê của Tuyến. "Thi xong khéo nghiện cà phê mất".

"Với mình cà phê chả ý nghĩa gì!", Thạch K43 ĐHGTVT thổ lộ, "Cà phê đen pha đặc sệt, không đường, đắng ngắt, uống xong ngủ ngon hơn”.

Thi (SV năm thứ 3 ĐH Ngoại thương) lại là bạn tâm giao của chè khô. Một năm thi trượt đại học, Thi rút ra rằng uống chè khô để thức cũng là cả một nghệ thuật. Một cốc cà phê đặc nếu uống liền một lúc thì sẽ giảm 80% tác dụng. Cách tốt nhất là để nó bên cạnh bàn học và… nhấm nháp dần dần. Lần đầu tiên áp dụng chiêu thức ấy, Thi đã phải dùng tới 4 viên thuốc ngủ để ... chống thức.

“Thức thâu đêm là chuyện thường", Tuyến cười, "Mắt quầng, tóc rối mà chẳng thấy "tơ vương", thế mới chán, đầu óc cứ ong hết cả lên!"

Hết tháng 6 ai cũng thở phào, nhẹ nhõm. Nhẹ vì thi xong. Và nhẹ cả người vì… sút tới mấy cân". Bác Tâm mẹ Tuyến xúc động nói: "Nhìn chúng nó đứa nào cũng phờ phạc, rạc cả người đi mà thương! Thế mà nó cứ nhất quyết ở lại đây hè này để đi tình nguyện mùa thi, đi làm thêm và học thêm ngoại ngữ, tin học, cháu ạ!".

Vâng! Họ đang hăm hở chuẩn bị cho hành trang ngày ra trường, cho tương lai của mình bác ạ!" - Tôi bỗng buột miệng nói, thấy lòng mình khấp khởi một niềm tin!

 Phạm Mai - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 388 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC