Cuộc chiến toàn cầu về tài năng
Lối nói tu từ về một cuộc chiến tài năng và sự xuất hiện của một loại chính sách mới về nhân tài (Brown và Hesketh, 2004; Brown và Tannock, 2009; Florida, 2005) đã động viên nhiều chính quyền thay đổi những chính sách về xã hội và kinh tế để thu hút và giữ chân người tài. Những chính sách như thế, bao gồm những cải cách đối với hệ thống giáo dục, để vừa phát triển tài năng trong nước vừa thu hút nhân tài nước ngoài. Ý tưởng về "một cuộc chiến toàn cầu về tài năng" đã xuất hiện trong những bài diễn văn chính trị ở nhiều nước, đặc biệt là do sự xuất hiện những khái niệm về thời đại và người lao động tri thức (Drucker 1998, 2000; Reich 1991). Giả định chung tiềm ẩn trong mối liên hệ giữa giáo dục và nền kinh tế tri thức là mô hình lấy con người làm vốn đầu tư, trong đó việc “học” và “thu nhập” có mối tương liên tích cực (Becker, 1993). Con người càng có kĩ năng và phẩm chất thì càng đóng góp vào nền kinh tế sản xuất và có thu nhập càng cao như là một sự phản ánh cho đóng góp đó (Becker, 2006). Tạo nên những người như thế là vấn đề quan trọng trong những lí thuyết về đầu tư nhân lực (Berg, 1970, Collins 1979), nhưng điều đáng nói là ở chỗ: nhiều quốc gia mới chỉ cho thấy cách hành xử của họ trong việc tích lũy tài năng cho nền kinh tế và nhu cầu phát triển (Brown và Tannock, 2009).
Thật ra thì cuộc chiến không chỉ về những người lao động có tri thức trung bình mà còn liên quan đến người lao động có tri thức xuất chúng. Florida (2005) cho rằng thế giới đã đi vào thời đại của sáng tạo; vì yếu tố chính yếu thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước chính là sự sáng tạo như là động lực chủ yếu cho nền kinh tế. Chính các “tài năng với óc sáng tạo” này mới nâng cấp sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng một ý như thế, Cohen (2006) cũng cho rằng “chính tài năng của những người điều hành đã làm nên sự khác biệt quan trọng giữa các công ty phát triển, đổi mới và những công ty yếu kém hay chỉ đủ để sống còn”. Thật vậy, có những gợi ý cho rằng phần lớn việc sinh lời cho công ty là do đóng góp của một thiểu số điều hành đầy tài năng (Micheal và các đồng nghiệp 2001). Do đó, ở một số quốc gia nhiều trường tiểu học và phổ thông bị bỏ rơi vì các gia đình thuộc giai cấp trung lưu và thượng lưu đang tìm chỗ cho con cái của họ trong những trường hoặc các chương trình giáo dục có uy tín để mong ước sao cho một ngày nào đó chúng sẽ được săn lùng trong số những tài năng trên toàn cầu (Ball, 2003; Brown, 2000; Tomlinson, 2007).
Đối với các nhà nước độc lập, việc cạnh tranh trong trận chiến toàn cầu về nhân tài đôi khi đưa đến những thay đổi sâu sắc trong chính sách về di dân, giáo dục, kinh tế và xã hội nhằm thu hút và giữ chân những người có tài năng cũng như củng cố mô hình phát triển hàng đầu của các nước đầy sức cạnh tranh (Abella, 2006; Lavenex, 2007; Schaar, 2006). Các quốc gia giàu có đã chứng tỏ sức hấp dẫn ngày càng tăng để thu hút những người lao động có kĩ năng đã từng được đào tạo và trả lương bởi các xứ sở khác thường là nghèo hơn (Kapur và Mc Hale, 2005; Florida, 2005). Các nước giàu ngày càng tăng cường tuyển dụng di dân có kĩ năng để đảm trách những công việc mà người dân trong nước từ chối. Nhưng với sự tự do hóa thị trường lao động có kĩ năng cao, thì những công việc đòi hỏi kĩ năng cao ở các nước giàu có mà người dân trong nước muốn cũng không còn dành riêng độc quyền nữa, và có thể ngày càng bị lấp đầy bởi những di dân từ nước ngoài. Ngay cả các công việc kĩ năng cao cũng có thể bị tái phối trí ở những nơi lương thấp trong các nước nghèo. Điều này không dẫn đến một tương lai với “kĩ năng cao, lương cao” mà lại là “kĩ năng cao, lương thấp” (Brown và đồng nghiệp, 2006).
Chiến lược nhân tài của Singapore
Một trong những bài diễn văn chính trị quan trọng nhất chứng tỏ rằng Singapore đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi cuộc chiến toàn cầu về tài năng chính là bài nói chuyện của cựu thủ tướng Goh Chok Tong nhân ngày Quốc khánh năm 1997. Ông nói: "Người dân Singapore có tiếng tốt. Chúng ta thường được biết đến như những người có năng lực, kỷ luật, chăm chỉ và đáng tin cậy. Khi các công ty đa quốc gia khởi đầu vận hành hay triển khai hoạt động ở Trung quốc họ vẫn thường thuê người Singapore. Các công ty Mỹ đều nhắm đến các sinh viên Singapore đang theo học ở Mỹ và không chỉ những người có MBA, đã tốt nghiệp mà ngay cả những sinh viên chưa tốt nghiệp vì họ muốn tuyển dụng cho những dự án ở Đông Nam Á và nhất là ở Trung quốc. Một số sinh viên của chúng ta được tuyển chọn ngay cả khi họ chưa tốt nghiệp. Con số phá vỡ mối ràng buộc với đất nước ngày càng tăng vì mời chào của các công ty mới quá hấp dẫn khó mà có thể cưỡng lại được. Đó thực sự là một vấn đề. Rất nhiều sinh viên của chúng ta hiện nay đang đóng góp cho các nền kinh tế khác thay vì trở về Singapore. Họ làm điều này không phải với tính cách tạm thời mà là dài hạn… Đây không phải là sự phê phán mà là công nhận một sự kiện mới trong cuộc sống. Đây là khía cạnh của sự toàn cầu hóa và địa phương hóa mà chúng ta cần suy nghĩ và giải quyết. (Goh, 1997a).
Điều này tạo nên một vấn đề cần phải tập trung giải quyết: các quốc gia khác đang lôi kéo nhân tài của Singapore và đất nước này đang bị chảy máu chất xám. Goh cũng cho biết đây cũng là một phần công việc phải thực hiện của chính phủ Singapore khi ông nói: "Theo một cách nào đó, thì chúng ta nên cổ vũ cho sự phân tán những tài năng Singapore bằng việc yêu cầu các bạn đến những vùng đất khác và tạo nên đôi cánh cho Singapore. Nhưng sự phân tán này mang lại điều nguy hiểm - nếu người dân Singapore không bám rễ sâu vào đất nước bởi các mối dây chặt chẽ với gia đình, bằng hữu, cộng đồng và quốc gia thì lực lượng nòng cốt của đất nước sẽ bị phân tẻ" (Goh,1997a). Câu trả lời cho hiện tượng này chính là thu hút một cách tích cực những tài năng từ những xứ sở khác. Theo Goh (1997a) thì chiến lược phải thực hiện là: "...tập hợp các nhân tài và làm cho Singapore trở thành một thành phố đa sắc tộc. Singapore đã trở nên thịnh vượng vì chúng ta lôi kéo được tài năng trên toàn thế giới đặc biệt là trong vùng. Đây chính là cách thức đã giúp các thành phố như Luân đôn, New York, Hồng Kông và Thượng Hải (trước chiến tranh) đã đạt được thành công".
Để tập hợp nhân tài Goh đã xem Thung lũng Silicon như là một mô hình mẫu.
Nếu chỉ dựa vào người dân ở Palo Alto, California hay ngay cả toàn nước Mỹ thì Thung Lũng Silicon đã không thể nào trở nên một trung tâm sáng chói và năng động đối với những dự án mới khởi đầu và đầy kích thích. Thung lũng Silicon phát triển nhờ các nhà khoa học, kĩ sư, những nhà lập trình và những nhà doanh nghiệp hàng đầu đến từ khắp nơi trên thế giới , đặc biệt là từ châu Á.
Một mặt của câu trả lời cho vấn đề này là sự thu hút nhân tài nước ngoài. Mặt khác là phải khắc sâu lòng trung thành và ý thức làm chủ đất nước của người dân Singapore. Cũng trong bài diễn văn này Goh (1997a) nhấn mạnh:
Việc duy trì mối ràng buộc với gia đình, bằng hữu và lòng trung thành sâu xa với đất nước là điều rất quan trọng trong tình hình mới này.Chúng ta không bao giờ được quên rằng người dân Singapore nợ nhau một nghĩa vụ và người càng có nhiều khả năng và đất nước càng đầu tư nhiều nhất nơi những người ấy, thì lại càng có nghĩa vụ đặc biệt đối với xã hội.Chúng ta phải nắm lấy tay nhau để giữ đất nước này…Việc xây dựng “phần cốt lõi” của Singapore còn quan trọng hơn cả việc xây dựng một khu trung tâm và một khu giải trí. Để người dân hãnh diện về đất nước của mình, họ phải có cảm nhận về sự sở hữu đất nước Singapore trong tâm tư.
Thu hút tài năng nước ngoài
Ở Singapore, hệ thống giáo dục luôn là công cụ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế. Giáo dục được xem là đầu tư cho tương lai hơn là chi tiêu cho những chính sách công. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 thì đầu tư cho giáo dục vẫn được duy trì ở mức cao. Đối với hệ thống trường học, ngân sách giáo dục đã tăng từ 8 tỷ đôla Singapore năm 2008 (trước khủng hoảng tài chính) đến 8,7 tỉ đôla vào năm 2009 (trong thời gian khủng hoảng). Có quan điểm cho rằng cuộc chiến toàn cầu về tài năng có thể làm suy yếu đầu tư của quốc gia trong giáo dục công lập, cụ thể là động lực đầu tư vào giáo dục của đất nước có thể bị giảm sút vì thu nhận những tài năng nước ngoài dễ dàng hơn và rẻ hơn. Đó là một quá trình vẫn được mô tả như là “tích lũy bằng sự truất hữu” (Harvey, 2005), “lấy trộm” (Vinolour, 2006), hoặc thậm chí “cướp bóc” (Bond, 2006). Tuy nhiên, rõ ràng là ở Singapore đang xảy ra quá trình ngược. Được nhận đầu tư cao, hệ thống giáo dục có thể được xem như một phần chiến lược trong cuộc chiến toàn cầu về tài năng.
Một sáng kiến minh họa cho việc làm thế nào hệ thống giáo dục Singapore có thể thu hút được các tài năng nước ngoài chính là dự án "Nhà trường Toàn cầu". Bản thân dự án này là một viễn cảnh về một trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới (Chan và Ng, 2008; Olds, 2007; Sidhu, 2009). Đặc biệt là, chính phủ đã cố gắng thiết kế một “nền kinh tế thị trường” trong phân khúc giáo dục đại học bằng cách khuyến khích người nước ngoài hay tư nhân trong nước gia nhập nhiều hơn nữa vào thị trường giáo dục đại học của Singapore. Những đại học hàng đầu của thế giới được nhắm đến và được mang vào đất nước để làm mũi nhọn cho sự nghiên cứu và phát triển (R&D) ở tầm mức thế giới, chuyển giao tri thức công nghệ và đưa Singapore lên vị trí hàng đầu thế giới về giáo dục (Olds, 2007; Sidhu, 2009). Nhiều thách thức được đặt ra cho chính phủ vì một mặt nhà nước mong muốn nắm giữ để tập trung kiểm soát, mặt khác lại khuyến khích sự đa dạng trong thị trường giáo dục đại học (Ng và Tan, 2010). Ngay từ năm 2002, một số trường đại học hàng đầu của thế giới (WCU) đã thiết lập cơ sở ở Singapore bao gồm INSEAD (Institut Européen d’Administration des Affairs), University of Chicago-Graduate School of Business, University of Pennsylvania-Wharton School, Massachusetts Institute of Technology, Technische Universiteit Eindhoven, Technische University Munchen, Georgia Institute of Technology và Johns Hopkins University (Ng và Tan, 2010). Các trường đại học trong nước cũng bị thúc đẩy làm việc để nhắm tới tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới và chấp nhận mô hình liên kết (Wong, 2007).
Dưới dạng đầu tư quốc gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D) chính phủ cũng đã tăng tổng chi tiêu cho nghiên cứu lên đến 7,5 tỷ USD hàng năm vào năm 2010, hay là 3% của GDP trong đó 1/3 được dùng làm quỹ nghiên cứu một cách công khai (Tharman, 2008a). Thông qua Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia (National Research Foundation-NRF), Cơ quan Khoa học, Kĩ thuật và Nghiên cứu (A*STAR) và các viện nghiên cứu cao cấp khác, chính phủ nhắm đến việc phát triển khả năng trong lĩnh vực nghiên cứu. Những lĩnh vực này đem lại nhiều gợi ý rất có giá trị cho Singapore. Như là một phần trong kế hoạch chính yếu để nâng đẳng cấp của Singapore về nghiên cứu và phát triển (R&D), những cấu trúc hạ tầng to lớn, chẳng hạn như những thành phố sinh học tối tân, hiện đại được xây dựng nhằm mục đích là một trung tâm nghiên cứu về Sinh-Y học dành cho vài ngàn nhà khoa học gia làm việc (Ng sắp ấn hành).
Tuy nhiên, với khía cạnh của cuộc chiến về tài năng, một việc cần phải làm của dự án “Nhà trường Toàn cầu" là thu hút các nhà khoa học quốc tế hàng đầu bằng cách nâng vị trí của Singapore lên hàng các quốc gia có những nghiên cứu có tác động cao được thực hiện. Một mức độ đầu tư cao được kỳ vọng để lôi kéo nhân tài nước ngoài đến Singapore. Những tên tuổi lớn gắn liền với Singapore bao gồm nhà sinh học người Anh Sydney Brenner đoạt giải Nobel y học năm 2002; Alan Colman cũng người Anh với nhóm nghiên cứu về cừu sinh sản vô tính Dolly; và một cặp người Mỹ Neal Copeland, Nancy Jankins thực hiện những cuộc nghiên cứu về ung thư. Cặp đôi này đã làm việc cho chính phủ Mỹ ở viện nghiên cứu ung thư tại Maryland và đã chọn Singapore thay vì trung tâm Memorial Sloan-Ketting ở Newyork chuyên nghiên cứu về ung thư hay đại học Standford ở California vì các qũy nghiên cứu đang bị cắt xén ở Mỹ trong khi lại tăng lên ở Singapore.
Để phục vụ cho con em của những người ngoại quốc đến làm việc, chính phủ phải cố gắng lôi kéo các trường sở tại và các trường quốc tế lần lượt mở rộng và thiết lập những hoạt động mới ở Singapore. Đặc biệt là Sở Tài nguyên Đất (SLA) đang làm việc với Ban Phát triển Kinh tế (EDB) và các cơ quan khác của chính phủ để cấp những địa điểm xây dựng được sử dụng cho mục đích giáo dục để phục vụ cho những yêu cầu ngày càng tăng. Cho đến nay đã có 19 trường quốc tế đang sử dụng đất công làm cơ sở giảng dạy bao gồm Canadian International School, United World College of South East Asia, International Community School và Avondale Grammar School (Ban Phát triển Kinh tế, 2008). Ngay cả hệ thống giáo dục của Singapore, dù đã có tiếng về hiệu quả và song ngữ, cũng phải là trọng tâm thu hút sự chú ý khi các nhân tài hay nhà đầu tư nước ngoài xem xét đến việc giáo dục con em của họ.
Giữ chân người tài trong nước
Khẩu hiệu “nhà trường tư duy, quốc gia học tập” (TSLN) vào năm 1997 (Goh, 1997b), một loạt các biện pháp cải cách giáo dục nhằm tăng tốc cho Singapore thành một nền kinh tế tri thức cùng với một chủ đề phụ là phát triển những tài năng trong nước đã được đưa vào chương trình hành động. Tư duy sáng tạo, cách tân và sáng kiến đổi mới được nhấn mạnh như là một phần của quátrình giáo dục tài năng trong nước (Ng, 2005). Để làm được như thế, nhà trường được trao quyền tự chủ để ủng hộ những sáng kiến mới về giáo dục. Một nỗ lực được chính phủ thực hiện nhằm phân quyền thực hiện mang tính chiến thuật nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát về mặt chiến lược, một chuyển động được mô tả một cách thích hợp như là sự phân quyền (Ng, 2007, 2008a) và hài hòa với quan điểm của Foucault về sự điều hành toàn diện của chính phủ. Vào năm 2004, chương trình “Cách tân và Sáng kiến” (I&E) đã đặt lại trọng tâm cho vấn đề tài năng sáng tạo trong nước (Ng, 2005b). Tharman (2004) người sau này là bộ trưởng Giáo dục đã nói về sự hợp lí của chương trình I&E như sau:
Không phải mọi xã hội hay mọi thành phố đều sẽ vượt lên dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này. Những xã hội vượt lên đều phải biết nhìn về phía trước, biết tìm kiếm những cách thức cho cơ hội sáng tạo, những cơ hội mới cho dân chúng - nói cách khác, những xã hội và những thành phố đáp ứng được sự cạnh tranh mới này - sự cạnh tranh của những người chơi hoàn toàn mới mẻ và đạt tới một vị trí trên đường cong giá trị ( value curve (4). Chính họ đang chuyển động xa hơn trên đường cong này hay chính họ đã tạo ra những đường cong mới cho sự sáng tạo đầy giá trị.
Gần đây hơn, nhà trường cũng được yêu cầu tập trung vào việc chuyển từ số lượng sang chất lượng thông qua việc tham dự vào các chương trình giảng dạy, những cải cách và cách tân về sư phạm (Ng, 2008b). Thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào nội dung và điểm số, nhà trường sẽ giúp cho học sinh phát triển những kiến thức và năng khiếu của thế kỷ 21. Trường học được cung cấp tài chính để phát triển những mảng thích hợp cho những học sinh có năng khiếu. Với phẩm chất tốt, những học sinh này cùng những cam kết với đất nước sẽ đặc trưng cho vốn qúy về con người và xã hội của Singapore trong tương lai. Chính phủ Singapore đang thực hiện những bước đi tích cực để thiết kế kho nhân tài trong nước.
Những vấn đề của tương lai
Tuy nhiên, thách thức của cuộc chiến này ngày càng nghiêm trọng. Trước tiên nó không ngừng thử sức chống chọi của việc “sử dụng người theo tài năng” đối với chủ nghĩa quốc gia (Tan, 2008). Nó thúc bách chính quyền phải giải quyết những xung đột mới nổi lên giữa nguyên tắc sử dụng theo tài năng và theo chủ nghĩa quốc gia dựa trên sự tiếp cận hợp lí với chính sách giáo dục dành cho người giỏi, với những công việc đòi hỏi trình độ cao và với tính lưu chuyển của xã hội và kinh tế. Thông qua những điều ấy, chính phủ có xu hướng đứng lửng lơ giữa hai đầu dây. Một mặt chính phủ kêu gọi “một xã hội rộng mở, công khai chào đón các tài năng và đón nhận mọi quan điểm khác biệt”. Mặt khác chính quyền lại hy vọng phát triển một xã hội trong đó “mọi người gắn kết và có cùng cảm xúc về mục tiêu chung” (Lee, 2004). Cách nói đẹp đẽ nhất thường vẫn là hứa hẹn cơ hội đồng đều. Tuy nhiên, đối với những người dân đang chống đối thì câu hỏi vẫn là: phải chăng sự bình đẳng về cơ hội là sự dân chủ mà họ đang tìm kiếm? (Harding, 1979). Con đường sử dụng nhân tài nước ngoài là một giải pháp thay thế nghèo nàn cho những lối ra của các vấn đề về xã hội và kinh tế (Schaar, 1997). Hơn nữa, những cơ hội thật ra là không ngang nhau! bởi sự kiện là những người tài của Singapore và quốc tế di động trên toàn thế giới mà nay vẫn được gọi là "công dân toàn cầu". Trong khi đó giai cấp lao động đường phố lại mang tên “những người của quê hương”. Hai tên gọi này vốn đã báo hiệu cho sự chia rẽ trong đất nước. Thật vậy, chính phủ đã bắt đầu nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau rõ ràng hơn đối với hai thành phần khác nhau của xã hội Singapore (Tan, 2003). Do đó, người dân đã bắt đầu đặt câu hỏi về quyền lợi của công dân Singapore khi những người nước ngoài có thể được hưởng phần hơn.
Kiểu cách điều hành toàn diện của chính phủ Singapore trong đó sự thiết kế thận trọng, phương pháp tiếp cận có tính toán, việc kiểm soát có chiến lược là những yếu tố then chốt, sẽ ngày càng bị thách thức bởi toàn cầu hóa. Chính phủ đã thiết kế một xã hội Singapore rất thành công trong quá khứ. Nhưng với dòng người có tài đến từ nước ngoài và sự liên thông toàn cầu của người dân ngày càng tăng, thì toàn cảnh bây giờ đã trở nên rắc rối. Sự phức tạp của những mối tương tác xã hội trong một thành phố - quốc gia mang tính toàn cầu như Singapore không thể kiểm soát được. Chẳng hạn như chương trình Giáo dục Quốc gia được thực hiện từ năm 1997. Vào năm 2001 một ký giả tường thuật rằng giới trẻ rất mơ hồ về điều tạo nên căn cước quốc gia cho Singapore (Teo, 2001). Gần đây hơn, một nhà báo khác cho biết kết quả của một cuộc thăm dò cho thấy có đến 53% những người thuộc lứa tuổi thiếu niên (13-19) cho biết là họ có cân nhắc đến chuyện di dân ra nước ngoài (Lim, 2006). Triết lí về sự kiểm soát của chính quyền được làm rõ khi bộ trưởng George Yeo, trong khi kêu gọi một xã hội dân sự ở mức độ cao, lại tuyên bố rằng,"Singapore luôn luôn cần một chính phủ trung ương mạnh mẽ để phản ứng kịp thời với việc tạo ra thay đổi để duy trì một môi trường có tính cạnh tranh. Chúng ta cần sự đa nguyên nhưng không qúa nhiều vì sự quá nhiều sẽ hủy hoại chúng ta” (Yeo, 1991).
Cuộc chiến về tài năng mang lại nhiều thách thức cho chính trị và tạo nên sức ép trong nước. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì quan niệm chào đón nhân tài nước ngoài như Goh (2000) đã khẳng định: "Tôi biết rằng những người giỏi nước ngoài, những nhân tài thế giới, không phải là giải pháp tạm thời để bù đắp cho sự thiếu hụt người lao động trong nước. Đó là một chiến lược lâu dài có thể làm cho Singapore duy trì được sức sống, tính cạnh tranh và sự thịnh vượng".
Triết lí về sự điều hành đất nước, do đó, là một hệ thống nuôi dưỡng những người xuất sắc nhất cho dù là trong nước hay từ nước ngoài và tận thu năng lực của họ bằng cách giáo dục để họ có nhận thức về nghĩa vụ phải “nâng cao trình độ” của những người khác. Những người còn lại, về phần họ, không nên gây trở ngại cho những người xuất chúng vì lòng tị hiềm hay chủ nghĩa quân bình bị lạc lối. Triết lí này liệu sẽ vận hành tốt hay không? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Trong thời gian này, chính phủ Singapore sẽ vẫn tiếp tục sự "điều hành toàn diện" mang tính thực tế và quân bình - một kĩ năng đã được tinh luyện qua nhiều năm cầm quyền.
|